Chẳng hẹn mà những con người tứ xứ có mái tóc bạc phơ, nụ cười móm mém, những nếp nhăn in hằn những nhọc nhằn gặp nhau tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (xã Phú Quới- Long Hồ) và mái ấm Long Thành (xã Thanh Đức- Long Hồ).
Chẳng hẹn mà những con người tứ xứ có mái tóc bạc phơ, nụ cười móm mém, những nếp nhăn in hằn những nhọc nhằn gặp nhau tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (xã Phú Quới- Long Hồ) và mái ấm Long Thành (xã Thanh Đức- Long Hồ).
Những Mái nhà chung ấm tình thân này là nơi dừng chân tìm an yên sau bôn ba xuôi ngược nửa cuộc đời của những “tuổi xế chiều”.
Bữa cơm tất niên ấm thân tình của các cụ ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. |
1. Trung tâm Công tác Xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long hiện đang nuôi dưỡng 52 cụ già tàn tật, bệnh tâm thần, neo đơn, không nơi nương tựa.
Các cụ ở trung tâm, mỗi người một số phận riêng, mỗi người một nỗi đau riêng. Song, khi đến với trung tâm, những mảnh đời riêng ấy đã ghép lại thành một gia đình chung.
Được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, nhân viên trung tâm và những tấm lòng thơm thảo, các cụ có cuộc sống vật chất chu đáo và vui vẻ về tinh thần hơn.
Các cụ có mái ấm, có bạn bè, có “con cháu”, có cả những niềm vui và hạnh phúc mà trước đây họ chưa có được.
Ngồi trên xe lăn, cười móm mém, bà Đỗ Thị Năm (76 tuổi) xuýt xoa khi chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của bà. “Bà vào đây ở vui lắm mấy con ơi.
Các cô, chú không phải người thân ruột rà nhưng chăm mấy ông bà già thương lắm. Có mấy ông bà nằm một chỗ, mấy cô cũng lo hết. Cực mà vẫn thương người già”.
Ở chung phòng là bà Nguyễn Thị Tiến với đôi mắt bị mù. Ở trung tâm lâu năm nên căn phòng nhỏ đã trở nên thân thuộc, bà mò mẫm đi vệ sinh xong, đi về đúng giường mình, cười phúc hậu khi nghe bạn già Năm cùng phòng trò chuyện với chúng tôi.
Tuổi già cô đơn, lại thêm tai biến nên Nguyễn Thành Kỉnh (77 tuổi) bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Ông tâm sự:
“Vợ chết, ông ở một mình cô độc quá, thêm bệnh đau không ai lo nên địa phương đưa ông vô trung tâm. Ở đây nuôi dưỡng an tâm tuổi già, được ăn ngon, mặc ấm, được bác sĩ khám bệnh, có bạn già thủ thỉ cũng vui”.
Theo chị Trương Thị Ngọc Yến- Trưởng Phòng Quản lý chăm sóc, hầu hết các cụ đều mang trong mình nhiều bệnh.
Chính vì thế mà công việc chăm sóc cho các cụ rất vất vả, nhưng bằng tấm lòng yêu thương, đội ngũ nhân viên ở đây đã làm việc một cách tận tâm với phương châm “Trung tâm là nhà, các đối tượng là người thân” nên chăm sóc cho các cụ một cách chu đáo nhất.
Ngoài chăm lo về ăn ở, trung tâm còn thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo về tinh thần cho các cụ.
“12 cụ sức khỏe yếu, tuổi già nhiều bệnh tật không thể tự lo cho mình thì các cô ở đây chăm lo tất tần tật từ ăn uống, ngủ, tắm giặt, vệ sinh… như cụ Nguyễn Thị Nhãn (83 tuổi); cụ Nguyễn Thị Hoa (79 tuổi), cụ Nguyễn Thị Út (77 tuổi);… nằm một chỗ phải chăm sóc rất đặc biệt”- chị Yến chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tý (ở Mái ấm Long Thành) dành thời gian rảnh lên chùa tụng kinh, quét dọn mái ấm, lau bàn ghế. |
2. Chúng tôi tìm đến mái ấm Long Thành vào một buổi chiều nắng gay gắt cuối tháng 9. Mái ấm tọa lạc ngay bên trong chùa Long Thành, có diện tích 1.000m2, là nơi nương tựa của 50 người già neo đơn đến từ khắp mọi miền.
Đại đức Thích Thiện Tâm- Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội- mái ấm Long Thành- cho biết, mái ấm được thành lập từ năm 2006, tập hợp, cưu mang những người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn.
Trên hành lang thoáng đãng của hơn 10 căn phòng, có cụ già cầm chổi tỉ mỉ quét dọn. Trong phòng, 5 chiếc giường được kê ngay ngắn, ngay cạnh có chiếc bàn nhỏ để trà nước và dĩa trái cây còn tươi rói.
Vài người xúm lại trò chuyện, người lặng lẽ ngồi mân mê cái radio cũ nghe kinh Phật hay thì thầm hát theo bài vọng cổ.
Bà Khấu Thị Nguyệt Liễu rời quê hương Trà Vinh đến mái ấm sống đã ngót nghét 11 năm. Năm nay đã 76 tuổi, bà kể:
“Chồng tui chết lâu rồi, 5 đứa con thì ở quê làm ruộng, nghèo quá còn không lo nổi cho nó. Tình cờ nghe người quen giới thiệu, tui vô đây nương tựa cho tới bây giờ”.
Khi nói về sinh hoạt hàng ngày, bà cười, nói: “Trong đời tui chưa có nơi nào thấy bình yên như ở đây. Không phải lo nghĩ, thư thả sống, còn được các sư thầy, nhà hảo tâm chăm lo chu đáo hơn ở nhà”.
Ở phòng bên cạnh, bà Nguyễn Thị Được (77 tuổi, ở xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cũng đon đả trò chuyện cùng chúng tôi. Khi nhắc đến gia đình, đôi mắt bà thoáng buồn. Bà ngập ngừng rồi rưng rưng:
“Chồng tui chết rồi, nhà nghèo quá lại đơn chiếc, có mỗi đứa con còn chật vật sống, không nỡ chờ con lo cho mình.
Hơn 10 năm trước ở đậu nhà bà con, ngày nào cũng đi bán bánh ít, bánh tét đắp đổi qua ngày cho tới khi yếu quá không còn đi được nữa. Vô đây sướng hơn nhiều, không phải lo cái ăn, cái mặc, có chị, có em sống vui vẻ hơn”.
Mắc bệnh giãn tĩnh mạch nên ông Phạm Văn Tý (62 tuổi, quê ở quận Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh) khập khiễng chậm chạp bước đi từng bước một.
Tay cầm chổi, tay cầm đồ hốt rác, ông tỉ mẫn quét dọn trước mái ấm. Ông cho biết đã gắn bó với mái ấm hơn 4 năm, ông chỉ mong phần đời còn lại kết thúc bình yên tại nơi này.
Nửa đời buôn bán rồi đi làm công nhân, ông “không muốn mình bệnh tật trở thành gánh nặng cho con nên lang bạt xuống tận Vĩnh Long”.
“Còn có thể vận động để thoải mái đầu óc, còn được sự yêu thương đùm bọc, yêu quý của những người xung quanh, rồi thỉnh thoảng 2 đứa con chạy xuống thăm. Đời vậy là đủ”- ông Tý tâm sự.
Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, cô Nguyễn Thị Thanh Bạch loay hoay xếp thuốc trong phòng y tế. Cô cho biết công việc y tá chăm sóc cho các cụ già là niềm vui của cô ở tuổi về hưu.
“Thấy hoàn cảnh của họ thương lắm. Tui chỉ biết cố hết sức, còn lo cho mấy cụ được ngày nào hay ngày nấy”.
Hàng trăm người già không nơi nương tựa đã được đón vào chăm sóc ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, ở Mái ấm Long Thành.
Tại đây, các cụ có mái ấm, có bạn bè, có “con cháu”, có cả những niềm vui và hạnh phúc với bao yêu thương, chia sẻ mà trước đây họ chưa có được.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin