Chuyến về Thủ đô đầy ý nghĩa

05:09, 01/09/2017

200 bạn nhỏ từ 9 đến dưới 16 tuổi đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh- thành, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã có chuyến về Thủ đô Hà Nội đầy ý nghĩa. 

200 bạn nhỏ từ 9 đến dưới 16 tuổi đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh- thành, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã có chuyến về Thủ đô Hà Nội đầy ý nghĩa.

Các em vừa tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 năm 2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Bạn Nguyễn Minh Thùy (Trường THCS Hựu Thành) thảo luận tại diễn đàn.
Bạn Nguyễn Minh Thùy (Trường THCS Hựu Thành) thảo luận tại diễn đàn.

Vinh dự khi được viếng Lăng Bác

Trước ngày diễn ra diễn đàn, các em nhỏ đã được vào viếng Lăng Bác. Dù Bác đã đi xa nhưng qua từng câu chuyện về Bác trên truyền hình, lời kể, qua từng trang sách báo, hình ảnh Bác Hồ với nụ cười hiền hậu đã quá thân thương với các em nhỏ.

Đặc biệt, đối với các em nhỏ ở các tỉnh- thành xa xôi của Tổ quốc, niềm mong mỏi lớn nhất chính là được tham quan Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng, nhìn thấy Bác Hồ kính yêu.

Đoàn Vĩnh Long có 4 bạn nhỏ vinh dự đại diện cho trẻ em tỉnh nhà tham gia diễn đàn.

Bạn Nguyễn Minh Thùy- lớp 9, Trường THCS Hựu Thành (Trà Ôn) xúc động: “Đây là lần thứ 2 em được viếng Lăng Bác nhưng cảm xúc thì vẫn như lần đầu tiên!

Hôm đó mưa rất to nên 200 bạn học sinh đều phải mặc áo mưa nhưng không khí rất ấm áp. Trước mắt chúng em chính là Bác Hồ kính yêu- con người vĩ đại của dân tộc!”

“Được vào Lăng viếng Bác là một niềm vinh dự của em, giây phút được nhìn thấy Bác trong Lăng sẽ mãi mãi là kỷ niệm đẹp không thể nào quên trong đời em.

Em đã hứa, quyết tâm với Bác sẽ phấn đấu học thật tốt, để không phụ lòng mong mỏi của Bác”- bạn Nguyễn Võ Tường Vy- lớp 9, Trường THCS Tân Bình (Bình Tân) chia sẻ.

Sau khi viếng Lăng Bác, các em được tham quan Phủ Chủ tịch, nhà sàn nơi Bác làm việc, ao cá Bác Hồ, đặc biệt là nơi Bác đã nằm nghỉ trong những giây phút cuối đời.

Hãy hành động vì trẻ em

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 năm 2017 do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức từ 23-26/8.

Trẻ em các đoàn đã giới thiệu khái quát, gửi tới diễn đàn nhiều thông điệp có ý nghĩa thiết thực như: Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động; Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em; Đừng im lặng trước sự xâm hại, hãy lên tiếng để trẻ em được bảo vệ...

Đoàn Vĩnh Long gởi đến thông điệp tại diễn đàn: “Lời tố cáo chính là cách để bảo vệ bản thân- Hãy lên tiếng, đừng im lặng”.

Tham gia diễn đàn, các em nhỏ đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận với 4 nhóm nội dung chính: trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em; trẻ em với vấn đề phòng chống, xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; trẻ em với vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan khẳng định: “Những ý kiến đóng góp sẽ được xem xét để tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em với phương châm chúng ta lắng nghe trẻ bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”. 

Bạn Trần Linh Thảo Vy- lớp 7, Trường THCS Tân Hạnh (Long Hồ) cho biết: “Là một học sinh của vùng sâu vùng xa, được tham dự Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia em cảm thấy rất vui mừng và hãnh diện vì được đại diện cho các bạn của địa phương mình để nói lên những suy nghĩ, những tâm tư nguyện vọng của bản thân, của các bạn lên các bác lãnh đạo.”

Sau 3 ngày tham dự Diễn đàn trẻ em toàn quốc, các bạn nhỏ đã có thêm rất nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt về Luật Trẻ em, bổn phận của trẻ em. Bên cạnh đó, các em còn được giao lưu, học hỏi cùng bạn bè cả nước, tìm hiểu những vấn đề như XHTD, xâm hại quyền trẻ em...

Bạn Nguyễn Minh Thùy chia sẻ: Về phần học hỏi về phòng chống XHTD trẻ em thì điều đầu tiên là chúng em phải tự biết trang bị kiến thức cho mình về thế nào là XHTD, cũng như trang bị thêm cách phòng thân như học võ; tích cực tham gia các phong trào nói về trẻ em, cách bảo vệ trẻ em, nói về quyền của trẻ em…

Ngoài ra, tụi em phải biết chọn lọc các thông tin cá nhân, các hình ảnh của bản thân khi tham gia mạng xã hội. Và khi mà mình đã biết cách phòng chống rồi thì mình phải tuyên truyền cho các bạn khác cùng biết.

Phiên đối thoại giữa trẻ em với đại diện các bộ, ngành, tổ chức về các vấn đề các em quan tâm, các em nhỏ đã đặt các câu hỏi như chính quyền cần làm gì để phòng, chống phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, những biện pháp sắp tới sẽ được áp dụng trong để ngăn cản tình trạng bạo lực trẻ em, các vấn đề xử lý khi bị mang thai ngoài ý muốn, bị XHTD, các kiến thức pháp luật liên quan đến quyền trẻ em trong lao động, kinh nghiệm để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh