Niềm vui mới của hộ nghèo Khmer

03:08, 11/08/2017

40 hộ nghèo người dân tộc Khmer ở 2 xã Trà Côn và Tân Mỹ (Trà Ôn) vừa có thêm niềm vui khi được nhận bò giống sinh sản. Những con bò nghĩa tình từ dự án "Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống" với mong muốn giúp bà con Khmer thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Nhờ con bò giống, nhiều hộ nghèo Khmer sẽ có “của để dành”.
Nhờ con bò giống, nhiều hộ nghèo Khmer sẽ có “của để dành”.

40 hộ nghèo người dân tộc Khmer ở 2 xã Trà Côn và Tân Mỹ (Trà Ôn) vừa có thêm niềm vui khi được nhận bò giống sinh sản. Những con bò nghĩa tình từ dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống” với mong muốn giúp bà con Khmer thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Sẽ thêm nhiều hộ Khmer thoát nghèo

Ngày 8/8/2017, mặc cho nắng trưa oi bức, song khoảng sân UBND xã Trà Côn lại rất nhộn nhịp. Những hộ nghèo Khmer vui mừng, phấn khởi khi được nhận bò từ dự án.

Anh Sô Mon Phia (xã Tân Mỹ) cười thật hiền: “Tui mới mần mướn về là chạy tới đây liền nè. Nôn được nhận bò lắm!” Nhà anh Sô Phia chỉ có vỏn vẹn 1 công đất vườn.

Vợ anh lại có con nhỏ nên chưa đi làm được, anh là lao động duy nhất trong nhà. Anh Phia nói: “Tui ao ước có con bò lâu rồi, đất vườn nhà trồng cỏ nuôi nó, vợ tui và tui cắt cho nó ăn, chứ mần mướn bữa lặn bữa hụp không biết khi nào thoát nghèo”.

Ông Trần Hoàng Giữ (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn) có 5 nhân khẩu gồm vợ chồng ông và 3 người con. Các con còn đang tuổi đi học nên gia đình cũng khó khăn, mọi sinh hoạt nhờ vào mấy công lúa và ông đi làm mướn đắp đổi thêm.

Chỉ vào quần áo đang mặc còn lấm lem bùn đất, ông Giữ cho biết: “Tui mới đi ruộng dìa, về nhà ăn ba hột cơm rồi đi thẳng lên xã luôn nè. Nghe nói nhận bò, mừng quá”.

Ngồi ở hàng ghế đầu tiên, cô Thạch Thị Xà Răng (ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ) luôn nhoẻn miệng cười. Không vui sao được khi cô là một trong những hộ đầu tiên được nhận bò trong tỉnh.

Chồng cô Xà Răng mất cách nay 10 năm, một mình cô gồng gánh nuôi 7 người con. Bây giờ các con cô đã lớn, nhiều người đã lập gia đình nhưng đều nghèo. “Còn thằng Út ở chung, đi làm mướn nuôi tui nhưng nó bị tai nạn xe cũng không được mạnh dạn như người ta”.

“Tui ghé đây hồi xe chở bò mới xuống, bò lai Xiêm (lai Sind- PV) ngon lành”- cô nói tiếp- “Nhà có 3 công vườn, giờ có con bò tui mừng không ngủ được mấy bữa nay vì đã có vốn mần ăn. Ráng nuôi con bò cho nó ngon lành để còn trả bê cho người khác nữa”.

Tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo Khmer

Khi được cán bộ xã lấy dấu vân tay thay ký tên, bà Thạch Thị Của (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn) vẫn còn run, hồi hộp.

Bà thật thà: “Tui hổng biết chữ, ngay cả tên mình tui cũng hổng viết được. Vợ chồng tui mần mướn tối ngày. 2 con cũng học hết tiểu học rồi nghỉ mần luôn. Hổng đất ruộng vườn, chỉ có mỗi cái nền nhà. Tui mới được Đài Truyền hình hỗ trợ cất cho cái nhà, giờ được thêm con bò giống. Mừng dữ lắm”.

Hỏi bà làm sao để chăm sóc bò hiệu quả, bà Của cho biết: “Nghe có bò, tui đã tranh thủ trồng cỏ xung quanh nhà rồi đó. Nhà nước quan tâm hết sức, bản thân phải mần siêng mới được”.

Phó trưởng Ban Thường trực BQL dự án Trần Ngọc Chi cho biết, mỗi con bò hỗ trợ cho các hộ nghèo có giá trị 17 triệu đồng, bao gồm các chi phí con giống, vận chuyển, kiểm dịch, tiêm phòng.

Với hình thức hỗ trợ không tính lãi, hộ nghèo sau khi được cấp phát bò giống sẽ nuôi đến khi sinh sản. Khi bò sinh ra bê, các hộ tiếp tục chăm sóc đến khi bê đạt trọng lượng từ 150- 160kg hoặc 10- 12 tháng tuổi sẽ giao lại BQL dự án để thanh lý.

Nếu bò mẹ sinh ra bê cái, BQL dự án sẽ giao bê cái cho hộ dân tiếp theo chăn nuôi; hộ dân đã nhận con giống đợt 1 sẽ được sở hữu bò mẹ nhưng không được bán nhằm giúp họ phát triển thêm số lượng đàn bò, có con giống chăn nuôi.

Trong quá trình tham gia dự án, trường hợp bò mẹ chết thì BQL dự án xem xét cấp lại bò khác nếu do yếu tố khách quan; nếu bò chết do chủ quan thì hộ dân phải bồi thường. Còn sau 2 năm bò không đẻ thì hộ dân sẽ được nhận bò khác để tiếp tục chăn nuôi.

Ngoài ra, khi tham gia dự án, các hộ dân sẽ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò, kỹ thuật nuôi vỗ béo bò, kỹ thuật sản xuất và chế biến một số thức ăn nuôi bò.

Nếu hộ dân có nhu cầu nuôi thêm nhằm giúp bò không kén ăn, tiết kiệm thời gian, công chăm sóc thì sẽ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội của tỉnh với mức lãi suất ưu đãi để mua con giống.

Đến dự lễ và chia vui với những hộ dân, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón khẳng định: Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống” là dự án thiết thực nhằm từng bước xây dựng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nghèo.

Qua dự án, các hộ nghèo sẽ có con giống, được cơ quan chuyên môn hỗ trợ các kiến thức, kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi.

Từ quy trình hỗ trợ bò giống xoay vòng, số lượng bò giống sinh sản của dự án sẽ ngày một tăng và càng có nhiều hộ nghèo khác được trợ giúp để phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững.

 

Đây là đợt trao bò giống đầu tiên trong tổng số 340 con bò của dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống” trích từ quỹ Vì người nghèo của tỉnh Vĩnh Long nhằm giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế bền vững.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh