Vì nạn nhân chất độc da cam

05:08, 08/08/2017

Kỷ niệm ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8) hàng năm là dịp để mọi người nhớ lại những hậu quả nặng nề do chất độc da cam/dioxin (CĐDC) để lại. Và dù chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, nhưng những di chứng nỗi đau mang tên "da cam" vẫn hiện diện hàng ngày trong các gia đình bị ảnh hưởng. Họ vẫn đang nỗ lực vượt qua trong gian khó, vất vả.

Kỷ niệm ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8) hàng năm là dịp để mọi người nhớ lại những hậu quả nặng nề do chất độc da cam/dioxin (CĐDC) để lại. Và dù chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, nhưng những di chứng nỗi đau mang tên “da cam” vẫn hiện diện hàng ngày trong các gia đình bị ảnh hưởng. Họ vẫn đang nỗ lực vượt qua trong gian khó, vất vả.

Vĩnh Long tri ân những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân da cam.
Vĩnh Long tri ân những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân da cam.

Nước mắt… màu da cam

Dù chiến tranh qua đi nhưng hàng triệu người Việt Nam và những thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của CĐDC. Hình ảnh những trẻ em dị tật, bị mù, câm, điếc, tâm thần hoặc có hình hài dị dạng bị nhiễm CĐDC đang là nỗi đau và gánh nặng to lớn cho gia đình và xã hội.

Ở tuổi ngoài 70, song với vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức (ấp Phước Lợi C, xã Phước Hậu- Long Hồ) vẫn còn nặng gánh lo bởi con gái thứ 4 Nguyễn Thị Hồng Lài bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm CĐDC.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Đức bị địch bắt ở tù tại trại tạm giam tù binh Cộng sản Việt Nam ngoài Phú Quốc. 5 năm trong tù, ông và các đồng chí của mình phải chịu sự tra tấn rất dã man tại “địa ngục trần gian” này.

Được thả, ông tập kết ra Bắc, trong những đợt hành quân ngang qua đèo Hải Vân ông bị nhiễm CĐDC. Những màn trắng như sương phủ khắp cỏ cây, mặt đất khi đó đã ngấm vào người ông, để lại di chứng hôm nay: ông đi lại ngày một khó khăn, đau đớn nhất là con gái thứ 4 bị thiểu năng, đã ngoài 40 tuổi mà cứ như  đứa trẻ.

Con gái ngờ nghệch lại bệnh tật triền miên. “Con ca hát suốt đêm không ngủ, mình phải dỗ ngọt, không thì đập phá đồ đạc, chọi đất đá…” Mấy mươi năm con ngây dại, ốm đau là mấy mươi năm vợ chồng ông vất vả và đau xót.

Nụ cười hiếm hoi của con gái bị nhiễm chất độc da cam cũng làm ấm lòng trái tim người mẹ của chị Kim Phương.
Nụ cười hiếm hoi của con gái bị nhiễm chất độc da cam cũng làm ấm lòng trái tim người mẹ của chị Kim Phương.

Không còn đạn bom khốc liệt, nhưng có một cuộc chiến khác vẫn âm thầm dai dẳng mấy mươi năm nay dưới mái nhà của chị Hồ Thị Kim Phương (thị trấn Long Hồ).

Những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ba chị- đại tá Hồ Văn Ba- và mẹ chị- Dương Thị Huỳnh- đều bị nhiễm CĐDC để lại nhiều di chứng bệnh tật. Ông Ba bị nhiễm CĐDC rất nặng và qua đời cách đây 20 năm vì bị ung thư.

Em trai chị Phương cũng bị nhiễm CĐDC, thần kinh không bình thường, thích gì làm đó, “thích đi chơi là bỏ nhà đi, cả nhà phải chia nhau đi tìm”.

Chị Phương cũng bị phơi nhiễm CĐDC nên con gái thứ 2- Lê Hồ Xuân Mai (9 tuổi) sinh ra bị tật không có vành tai và lỗ tai để nghe; ngón tay cái của bàn tay phải thiếu xương không điều khiển được. Bé Mai còn bị thiểu năng trí tuệ, không tự chủ điều khiển hành vi.

Khi chúng tôi đến thăm nhà thì chị Phương cõng bé Mai về. “Chăm cực lắm, sẩy xíu là chạy vọt ra đường. Hơn 4 tuổi mới biết đi, mừng hết biết, cứ nghĩ từ từ bệnh tình con sẽ đỡ hơn. Ai dè…

Mỗi khi kích động, con đập phá, đánh. Hôm bữa chụp dao, phang vô trán bà ngoại còn sẹo. Tay chân bà ngoại bầm tím vì cháu cắn, đánh…”  

Chị Phương nhiều lần xin lỗi hàng xóm vì bé Mai hay đánh phá. Có người thương bỏ lỗi, có người bực dọc thì đánh trả, chửi rủa. Những lần như vậy, chị Phương chỉ biết hết lời xin lỗi rồi dẫn con về, ôm con khóc thầm.

Phải mất hơn 1 giờ, chị Phương mới đút cho con ăn hết tô cháo nhỏ. Cứ mỗi muỗng cháo, muỗng sữa chua và những lời dỗ dành của chị dành cho con.

Bé Mai không ngồi yên, tay dùng dằng quơ rớt muỗng cháo. Thỉnh thoảng nắm tóc mẹ ghì xuống để ra dấu với mẹ điều gì. Nhìn bữa cơm của 2 mẹ con chị chả khác nào “một cuộc chiến”.

Chị vẫn nhỏ nhẹ với con, ôm con vào lòng bởi “con bé thích vậy lắm”. Có lẽ từ thẳm sâu bên trong, với những đứa trẻ mang nỗi đau lớn, tình yêu vô bờ của mẹ luôn mang lại cảm giác an toàn, bình yên nhất…

Vì nạn nhân da cam

Các em khuyết tật do bại não được bác sĩ Ngọc Điểu vận động nhà hảo tâm tặng xe chuyên dụng.
Các em khuyết tật do bại não được bác sĩ Ngọc Điểu vận động nhà hảo tâm tặng xe chuyên dụng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Le (xã Quới An- Vũng Liêm) có 2 đứa con thì cả 2 đều không phát triển bình thường và mang nhiều bệnh tật, phải nằm một chỗ. Nguyên nhân là do di chứng của CĐDC mà ông nội các em nhiễm phải trong chiến tranh.

Gia đình ít ruộng vườn lại chỉ có 1 lao động làm thuê nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương và Hội Nạn nhân CĐDC đã hỗ trợ cho mượn bò giống, vốn là 5 triệu đồng làm nghề tráng bánh. Đến nay, ông đã phát triển thêm 3 con bò, gia đình có cuộc sống tốt hơn.

Nhiều năm qua, cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu của bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (Út Điểu) ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) vẫn miệt mài tập luyện đem đến niềm vui vận động cho những trẻ em khuyết tật, trong đó có không ít trẻ em bị nhiễm CĐDC.

Hơn năm nay, tuổi “ngoại Út” (tên gọi thân thương của các bé dành cho bác sĩ Út Điểu) đã cao, bị bệnh nên bà không trực tiếp tập luyện cho các em.

Song, phòng tập vẫn được duy trì vì có bác sĩ Hoa- người bạn kháng chiến với bác sĩ Út Điểu- đã đồng hành cùng bà tập luyện cho trẻ để tiếp thêm cho các em nghị lực.

Giữa tháng 7, bác sĩ Út Điểu vận động nhà hảo tâm tặng hơn 100 xe chuyên dụng cho trẻ em khuyết tật. Chị Huỳnh Thị Kim Trâm có con Nguyễn Thị Gia Phúc (5 tuổi, bị bại não do nhiễm CĐDC) mừng rơn vì giờ có xe chuyên dụng cho con ngồi, công việc bán vé số của mẹ con chị đỡ vất vả hơn.

Bé Phúc chân tay co quắp, cổ vẹo ngược ra một bên vai. Mỗi lần muốn bé thẳng chân tay ra, chị Trâm phải chằng kéo như kéo người cao su, rồi mới dùng dây nẹp vô khung, bắt đầu tập cho bé.

Chị nói: “Nhờ ngoại Út, cô Hoa tập luyện mà con tui mới đỡ hơn nhiều. Các cô tập con vất vả mà hổng lấy đồng bạc nào. Đã vậy, con mình hôm nay còn được tặng xe. Có nhà hảo tâm cho sữa, cho gạo, cho quà… các cô cũng dành phần. Ơn đức của cô không biết làm sao trả hết”.

Vẫn còn đó những nỗi đau da cam hiện hữu trong hàng triệu nạn nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đang rất cần sự chung tay của toàn xã hội để những nỗi đau mang tên da cam vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, vì một ngày mai tươi sáng hơn.

Hiện tỉnh Vĩnh Long có trên 6.500 người bị nhiễm CĐDC, trong đó có nhiều gia đình có 2, 3 và 4 nạn nhân đang được hưởng chính sách của Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh- Phạm Văn Hưởng, sự chung tay của các tổ chức xã hội, cá nhân bên cạnh nỗ lực vượt khó của các gia đình là rất ý nghĩa.

Phần lớn các gia đình nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh hết sức khó khăn, do hầu hết những người bị nhiễm đều bệnh tật không tự lực được.

Để góp phần chia sẻ khó khăn với họ, từ năm 2005 đến nay, các cấp Hội nạn nhân CĐDC trong tỉnh đã vận động gần 40 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà, vốn sản xuất, phương tiện đi lại cho các gia đình và nạn nhân CĐDC, giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh