Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh từ tháng 6 đến nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; nhiều nơi đạt trên 300mm như huyện Đình Lập, Bắc Sơn, Hữu Lũng...
Mưa to gây sạt lở đường lên Khu du lịch Mẫu Sơn. (Ảnh: Doãn Hoàng Nam/TTXVN) |
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh từ tháng 6 đến nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; nhiều nơi đạt trên 300mm như huyện Đình Lập, Bắc Sơn, Hữu Lũng...
Sau các đợt mưa, lượng nước trên các sông, suối đã tăng đáng kể, trên một số sông đã xuất hiện lũ như: sông Trung, sông Bắc Giang, sông Kỳ Cùng... Tại một số huyện đã xảy ra sạt lở đất, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của đồng bào trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, đến nay toàn tỉnh đã có 2 người bị thương; sạt, lở, sập đổ 8 nhà; hơn 11ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; sập, gẫy mương thủy lợi của 5 công trình; xói lở hư hỏng mặt đường, lề đường với khối lượng trên 1.200 m3, sạt lở 10.000 m3 taluy dương và 210 m3 đá gây ách tắc giao thông... ước tính thiệt hại khoảng trên 8 tỷ đồng.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn Chu Văn Hải cho biết, trước tình hình mưa lũ bất thường xảy ra trên địa bàn thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm, khu vực hay xảy ra ngập úng, sạt lở, các cầu, ngầm, hồ, đập... để có phương án chủ động phòng chống.
Tỉnh chỉ đạo ngành thủy lợi tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi; các chủ hồ cần bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ hợp lý, đảm bảo an toàn hồ, đập và vùng hạ du. Các lực lượng ứng cứu, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ ứng cứu đều đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp khẩn trương huy động lực lượng ứng cứu kịp thời di rời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hỗ trợ đưa người bị thương đi cứu chữa kịp thời; hỗ trợ di chuyển tài sản; tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ có thiệt hại về người và nhà ở....
Ngành giao thông và chính quyền các cấp khẩn trương khắc phục các sự cố về giao thông, cử người tuần tra, canh gác và cắm biển báo ở những nơi nguy hiểm có nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ, sạt lở đất đá gây ra, tỉnh đã chỉ đạo các huyện Tràng Định, Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình... tiếp tục rà soát lại các địa bàn thường xảy ra lũ quét, phối hợp với các cơ quan chức năng, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất chi tiết để chủ động sơ tán người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi có tình huống xảy ra./.
Theo THÁI THUẦN (TTXVN/VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin