Chiến tranh đã qua, nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam (CĐDC) vẫn còn dai dẳng. Di chứng của CĐDC không chỉ là bệnh tật, không chỉ là những đứa trẻ không có tương lai,…
Chiến tranh đã qua, nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam (CĐDC) vẫn còn dai dẳng. Di chứng của CĐDC không chỉ là bệnh tật, không chỉ là những đứa trẻ không có tương lai,…
Và, có tấm lòng người cha, dù không máu mủ ruột rà, nhưng vì tình yêu, đã cố gắng chăm sóc những đứa con riêng khiếm khuyết vì CĐDC của vợ bằng tất cả tình thương yêu.
“Bữa cơm” của anh Phong- anh Tâm. |
Chiều đầu tháng 8, trời chợt nắng rồi chợt mưa, chúng tôi tìm đến nhà của chú Nguyễn Văn Phú (ấp Phước Trinh B, xã Long Phước- Long Hồ).
Căn nhà tình thương trống hoác, hành lang lót gạch tàu được rào chắn cẩn thận là sân chơi của 2 người con thiểu năng trí tuệ do bị nhiễm CĐDC. Người anh- Trần Tấn Phong (42 tuổi) ngồi thừ đờ đẫn, đôi mắt ngây dại vô hồn.
Thỉnh thoảng, anh lại cười lơ ngơ, rồi bặm môi, trừng mắt. Còn người em- Trần Minh Tâm (39 tuổi) chân tay co rút, cười ngô nghê, giơ cánh tay gầy guộc làm duyên khi thấy có khách đến thăm.
Ở cái tuổi đã quá lục tuần, song chú Phú và vợ- cô Lê Thị Hai- vẫn phải chăm sóc 2 người con trai U.40 như thuở nhỏ.
Khi anh Trần Tấn Phong vừa mới bập bẹ, còn anh Trần Minh Tâm chưa đầy tháng thì cha ruột- vốn là lính ngụy- của 2 anh bỏ đi không một lời từ biệt.
Cánh cửa hạnh phúc như hoàn toàn đóng sập lại với cô Hai khi 2 đứa con lành lặn, kháu khỉnh ngày một lớn thì lần lượt đến khoảng 10 tuổi đều mắc bệnh nặng, không thể di chuyển, khò khè không nói được, mệt là “giật té muốn chết giấc”.
Di chứng CĐDC khiến 2 anh em thường xuyên bị bệnh, luôn ngờ nghệch. Người anh còn có dấu hiệu bị tâm thần, thỉnh thoảng lại đánh người.
Rồi tình yêu chắp nối với chú Phú chính là điểm tựa tinh thần khiến cô Hai đủ sức gồng gánh nuôi 2 đứa con bệnh tật. Tuy không phải cha đẻ nhưng chú Phú luôn xem 2 anh em như con ruột của mình.
“Cái duyên, cái nợ, thấy 2 đứa nhỏ bệnh mà có mình ên bả lo, tui thương, tui về xin cha mẹ qua cưới. Nghèo dữ lắm mà còn nước còn tát, thà nhịn đói chứ không để con đói, ráng trị bệnh cho con”.
Chú Phú vừa bộc bạch vừa đút cơm cho con. Anh Phong cười hề hề, sốt sắng vụng về đón lấy muỗng cơm khiến cơm rơi vãi một nửa. Rồi, mẹ anh đưa cho ổ bánh mì không, anh giật nhanh lấy, nhai ngấu nghiến. Còn anh Tâm thì ăn cơm ngon lành, miệng còn dính cơm, kéo cổ cha xuống hun.
Chú Phú xúc động, ôm con trai tật nguyền: “Hổng nói được nhưng qua những cử chỉ của con, mình hiểu con thương cha lắm. Tối vô tấn mùng cho 2 đứa. Tâm ra dấu tui nằm kế bên mới chịu ngủ.
Bả bịnh, tui chăm ở bệnh viện, cũng tranh thủ đi tới lui về cho tụi nhỏ ăn. Con thấy cha về mừng, cười khóc ngon ơ hà. Thương vậy đó, tui chăm cực vậy đó mà thèm nghe tụi nhỏ gọi tiếng cha gì đâu”.
Chú Phú và cô Hai không có ruộng đất, căn nhà trống trước, trống sau đang ở cũng là nhà tình thương được Hội Chữ thập đỏ huyện vận động 7 triệu đồng cất nên từ 10 năm trước.
Cô Hai vừa chịu nỗi đau tinh thần vừa chịu nỗi đau thể xác khi mang nhiều chứng bệnh trong người: xơ gan, hở van tim, ung thư nội mạc tử cung.
Một mình chú Phú phải vất vả mưu sinh bằng nghề làm thuê, làm mướn sống đắp đổi qua ngày. “Gia tài” lớn nhất của gia đình là 1 con bò được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ, nhờ chú Phú chăm chỉ cắt cỏ chăm chút, đến nay được 3 con.
Khi đến giờ tập luyện cho con, chú Phú trải chiếc chiếu xuống nhà, dìu con nằm xuống rồi xoa tay, xoa chân. Anh Phong ngồi nhìn cha tập vận động cho em với ánh mắt vô hồn.
Chú Phú phải dùng sức khéo léo gỡ từng ngón tay, ngón chân co quắp của anh Tâm rồi lại nhẹ nhàng xoa bóp. Nhờ siêng năng tập luyện như vậy mà anh Phong đã đi lại được.
Những khi đi ruộng cắt cỏ cho bò, anh Phong theo sau cầm bao phụ hợ cha. Chú Phú hy vọng, một ngày nào đó anh Tâm cũng đi lại được “giờ tui cũng yếu rồi, bị đau, có khi ẵm bồng mà con gồng thì 2 cha con tui té lăn cù”.
Cô Hai ngồi bên cạnh, trầm ngâm nhìn 3 cha con: “Con người ta bằng tuổi này là có vợ sinh con rồi, còn con mình đã ngoài 40 rồi mà chưa tự chăm sóc được cho mình, huống gì lo cho cha mẹ”.
“Tui bịnh đau nên ổng phải làm ráo trọi, từ vệ sinh, tắm rửa, ăn uống, mệt muốn hụt hơi. Nếu không có ổng, hổng biết tui có đủ sức nuôi nổi 2 đứa con tới giờ này hông. Không phải con ruột nhưng ổng chăm thương hết lòng. Giờ già, ổng cũng bệnh rề rà, sợ ổng có gì… bỏ tụi nhỏ tội”- cô Hai nói lời biết ơn người bạn đời của mình.
Ông Trần Thành Tín- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Long Phước cho biết: “Xã có 18 gia đình có con cháu là nạn nhân CĐDC. Đối với hộ này thì tôi rất cảm phục anh Phú. Tấm lòng của anh thật cao cả khi chăm sóc chu đáo cho 2 đứa không phải con ruột từng miếng ăn, giấc ngủ. Địa phương sẽ cố gắng cùng chung tay chia sẻ bớt khó khăn với anh và những người không may có số phận như gia đình. Ngày 7/8 tới, anh Phú sẽ ra Hà Nội dự hội nghị biểu dương nạn nhân CĐDC/dioxin vượt khó vươn lên, người chăm sóc nạn nhân tiêu biểu toàn quốc”. |
Bài, ảnh: QUYÊN- THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin