Bài toán kinh tế, áp lực cuộc sống, nỗi bất an… khiến nhiều gia đình trẻ ngại sinh con thứ 2.
Bài toán kinh tế, áp lực cuộc sống, nỗi bất an… khiến nhiều gia đình trẻ ngại sinh con thứ 2.
Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân số ở Việt Nam là phải duy trì được mức sinh hợp lý, tức không để mức sinh rơi xuống quá thấp và cũng không để mức sinh tăng trở lại. |
Không dám sinh do áp lực cuộc sống
Đối với chị Huỳnh Ngọc Như (Phường 8- TP Vĩnh Long) thì dù rất ham có thêm một đứa con, nhất là con gái nhưng chị cũng chưa dám nghĩ đến chuyện sinh thêm. Vợ chồng chị có một cậu con trai lên 4, bé do sinh non nên phát triển chậm hơn các bạn cùng trang lứa, việc chăm sóc cho con cũng đòi hỏi “công phu” hơn.
Chị Như nói: “Chăm sóc bé sinh non cực hơn các bé bình thường gấp đôi ba lần, mà con mình còn yếu ớt nên cũng không dám sinh thêm, vì sợ có em thì phải san sẻ không chăm sóc các con tốt được”.
Thêm vào đó, vợ chồng chị cũng còn nợ ngân hàng vay mua nhà, với số tiền lương mỗi tháng, chị chăm con, lo gia đình, trả nợ vay là “tháng nào xong tháng nấy”.
Nếu sinh thêm bé nữa, kinh tế gia đình sẽ càng khó khăn hơn. “Sinh thêm cũng không có người trông, nếu mới 6 tháng gửi con thì thương quá, mà mẹ ruột cũng trên 70 rồi, mẹ chồng bận giữ cháu ngoại ở quê”- chị Như thở dài.
Không chỉ những cặp vợ chồng làm viên chức nhà nước hay ở thành thị mới “ngán” sinh con thứ 2. Ở vùng quê, nhiều vợ chồng trẻ cũng vì sinh kế nên chỉ sinh một con, để chăm sóc và lo cho con chu đáo hơn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (Tam Bình) chuyên nghề đổ bánh tráng giấy, chồng chạy xe ôm. Năm nay, chị đã 35 tuổi và có một con gái 11 tuổi. Nhiều người khuyên chị nên sinh thêm con để “có chị có em” nhưng chị vẫn êm ru, chị nói: “Sinh thì phải nghỉ đổ bánh một thời gian, một mình chồng không lo xuể.
Đó là còn chưa kể việc chăm con nhỏ, rồi lo cho 2 con học hành ăn uống đàng hoàng, vợ chồng tui sợ không kham nổi”.
Chị Huỳnh Diễm Kiều (xã Tân Long Hội- Mang Thít) 30 tuổi, có con trai 8 tuổi, kinh tế khá ổn định, song khi hỏi chừng nào sinh nữa, chị cười: “Chị để ý, hỏi chuyện sinh thêm con thì không ít người giống chị chỉ biết mỉm cười cho xong thôi. Dù ở nông thôn nhưng với vợ chồng chị, 1 con là đủ rồi, có thời gian nuôi dạy con”.
Chị N.M.T. (36 tuổi, Phường 3- TP Vĩnh Long) hiện làm trưởng phòng một cơ quan nhà nước. Ngoài thời gian làm việc, học tập để nâng cao nghiệp vụ, chị dành thời gian để chăm sóc, thủ thỉ với con gái 9 tuổi. Chị tâm sự: “Nội ngoại đều lớn tuổi lại ở xa.
Công việc bận rộn, vợ chồng chị quyết định chỉ có một bé để tập trung nuôi dạy cho tốt và lo cho sự nghiệp. Với lại thời gian thai kỳ bé Thỏ, sức khỏe chị không tốt, sinh khó nên giờ nghĩ tới bầu bì nữa chị sợ lắm”.
Sinh con ít, nguy cơ già hóa dân số
Nhiều cặp vợ chồng cho biết ngại sinh con vì các lý do như: kinh tế chưa cho phép, chưa có nhà, chưa có điều kiện để chăm sóc tốt nhất cho đứa trẻ, công việc chưa ổn định...
Một số chuyên gia dân số cho rằng trì hoãn sinh con là lựa chọn của không ít bạn trẻ bởi họ đang chú trọng hơn đến việc phấn đấu có công việc, thu nhập ổn định và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
Song, không ít cặp vợ chồng sau khi đã thành công trong sự nghiệp, muốn sinh con thì đã qua độ tuổi có thể thụ thai an toàn.
Chị Trần Mai Hoa (35 tuổi) có một con trai 3 tuổi, tâm sự: “Tuổi thơ tôi tuy nghèo khó nhưng được ăn sạch, uống sạch, bầu không khí trong lành. Từ lúc sinh con đến nay được 3 tuổi mua cái gì cho con ăn cũng lo lắng về thực phẩm bẩn, chở con đi chơi thì không an tâm về giao thông.
Sống trong môi trường thực phẩm bẩn, nhiều loại bệnh tật mới, ô nhiễm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông như cơm bữa, vật giá leo thang thôi thì sinh 1 con thôi để biết cảm giác làm mẹ và có được niềm vui trọn vẹn của một gia đình”.
Sau thời gian nuôi bệnh cha, anh Tấn Tân (Phường 8- TP Vĩnh Long) về bàn với vợ “sinh thêm con, dù con gái chưa tròn 2 tuổi”.
Anh tâm sự: “Lúc đầu vợ chồng anh nghĩ, 1 con là đủ rồi. Song khi cha nằm bệnh viện, 2 chị em cùng anh rể thay phiên nhau nuôi ba mới thấy sau này có mình con chăm sóc cha mẹ thì đơn chiếc, thương lắm”.
Rồi anh tiếp lời: “Thời gian đầu, 2 con còn nhỏ chăm bù đầu luôn, đứa này bệnh đứa kia bệnh theo. Vậy mà lần hồi cũng qua. Giờ 2 chị em cùng đi học mẫu giáo. Vợ chồng đi làm, chiều rước về, nhìn các con chơi với nhau, hạnh phúc lắm”.
Nhiều cặp vợ chồng vẫn cho rằng, chuyện con cái là chuyện riêng của mình mà chưa thấy rằng con mình còn là hạt giống cho tương lai của đất nước. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm lại quá trình “già hóa dân số”.
Theo Tổng cục Thống kê, các điều tra gần đây cho thấy mô hình sinh của Việt Nam đang chuyển từ sinh sớm sang sinh muộn hơn, đặc biệt phụ nữ thành thị ngày càng trì hoãn thời gian sinh con và ít con hơn. Xu hướng giảm sinh rõ nét nhất là tại các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tại đây, số con trung bình/cặp vợ chồng thấp (từ 1,6- 1,9 con). Riêng TP Hồ Chí Minh, số con trung bình/cặp vợ chồng hiện chỉ 1,3; giảm liên tục trong các năm gần đây (năm 2009 số con trung bình là 1,9). |
Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin