Gắn đào tạo nghề với nâng chất tiêu chí thu nhập

Cập nhật, 13:38, Thứ Tư, 26/07/2017 (GMT+7)

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (hay còn gọi là Đề án 1956 của Chính phủ) đang được nhiều địa phương tích cực triển khai nhằm “hà hơi” tiếp sức xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí về tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi LĐ có khả năng tham gia LĐ (từ 90% trở lên).

Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo cho xã NTM.

Việc gia công sản phẩm tiểu thủ công nghiệp giờ đây được xem là thu nhập chính đối với một số lao động nông thôn.
Việc gia công sản phẩm tiểu thủ công nghiệp giờ đây được xem là thu nhập chính đối với một số lao động nông thôn.

Thêm thu nhập từ các lớp đào tạo nghề

Chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Kim Dung (ấp Bờ Dầu, xã Chánh Hội- Mang Thít) lúc chị đang ngồi đánh bính dây lác.

Chị khoe: “Mỗi ngày tui vừa đánh vừa kết thành đĩa tròn được hơn chục miếng, với tiền gia công 10.500 đ/miếng, cũng bỏ túi được 120.000 đ/ngày.

Ở quê, thời gian nông nhàn vừa có thể chăm lo việc nhà lại có thu nhập ổn định như thế này, nên mấy chị trong tổ đan ai cũng mê lắm! So với công việc ở lò gạch thì việc này nhẹ nhàng hơn nhiều và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”.

Chị Dung cho biết thêm: “Thấy tui làm có tiền nên 2 đứa con gái tui ham lắm, tranh thủ lúc nghỉ hè cũng ngồi làm, đến ngày nhận tiền là trả thù lao “rốp rẻng” luôn. Gần đây có nhiều hộ cả vợ chồng cùng làm, chỉ cần siêng một tí là mỗi tuần kiếm tiền triệu ngon ơ và xem đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đan dây nhựa, ngoài thời gian buôn bán, chị Đỗ Phương Hồng (ấp Nhì A) tranh thủ lúc ít khách, ngồi gia công cũng kiếm thêm được 80.000 đ/ngày để chi tiêu trong gia đình.

Gần đó, chị Đỗ Thị Phương Hồng cũng tranh thủ thời gian trực đêm tại Bưu điện đem thùng ra đan để “chống chỉ định với buồn ngủ”, nhờ vậy mà cũng đươn được 5 cái thùng, bỏ túi thêm được 40.000đ.

Với kinh nghiệm 6 năm nuôi bò, nhưng ông Nguyễn Văn Tựu (ấp An Phước, xã Trung An- Vũng Liêm) cũng tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò để nâng cao kiến thức.

Ông cho biết: Nhờ học mà tui rành kỹ thuật hơn, giờ biết cách tiêm ngừa, xổ lãi, chăm sóc chuồng trại, vệ sinh bò sao cho sạch sẽ. Nhờ chọn giống tốt, nuôi bò khéo, béo tốt, ít bệnh nên bán được giá hơn, mỗi năm cũng bỏ túi được vài chục triệu đồng.

Đào tạo nghề theo nhu cầu

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn đạt hiệu quả cao, hàng năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các hội cơ sở tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Đề án đào tạo nghề cho LĐNT và đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tới đông đảo cán bộ hội, hội viên, trong đó tập trung tuyên truyền các chế độ chính sách đối với LĐNT, hộ nghèo, người dân tộc và người tàn tật.

Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề của người LĐ, trên cơ sở đó phối hợp mở lớp đào tạo nghề, tích cực vận động lao động nữ học nghề, chủ động giới thiệu việc làm, xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ phù hợp cho chị em.

Như chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (ấp An Thạnh B, xã Bình Ninh- Tam Bình) trước đây là hộ nghèo, sau khi học nghề đan lục bình, chị vừa đan gia công vừa cắt lục bình để bán nguyên liệu nên thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, có điều kiện cho con ăn học.

Chị Trần Thị Kim Khuyên- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chánh Hội- cho biết: Dự kiến cuối tháng 7 này là xã mở đủ chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT 6 lớp/năm.

Đến nay, đã thành lập mới 2 tổ hợp tác, người làm giỏi có thể thu nhập hơn 1 triệu đồng/tuần. Chủ yếu các lớp dạy nghề đều theo nhu cầu địa phương. Lúc đầu chị nghĩ là giúp chị em kiếm thêm tiền chi tiêu điện, nước, sinh hoạt trong gia đình nhưng về sau lại trở thành thu nhập chính cho chị em.

Thông qua công tác đào tạo nghề cho LĐNT, xã Phú Đức (Long Hồ) đã hỗ trợ các hộ dân ít đất canh tác cải thiện thu nhập thông qua giới thiệu hàng trăm LĐ đến làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú, còn những LĐ lớn tuổi tranh thủ thời gian nông nhàn gia công các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như đan thảm, đánh bính lác....

Bà Trương Thị Thu (xã Phú Đức) cho biết: “Nhà tui có 5 người nhưng chỉ có 2 công ruộng nên luôn thiếu trước hụt sau. Giờ các con đã lớn và đi làm công nhân, còn tui tranh thủ đươn thảm kiếm thêm tiền trang trải chi phí trong nhà. Nhờ vậy mà cuộc sống ổn định hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Mễ- Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình (TX Bình Minh), Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã, hiện toàn xã có hơn 3.700 người trong độ tuổi LĐ có việc làm thường xuyên, đạt 96,6%. Năm nay, phấn đấu giới thiệu việc làm mới cho 350 LĐ trở lên.

Theo đó, xã tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động những người trong độ tuổi LĐ chủ động tìm việc làm thích hợp; vận động những người có điều kiện đi xuất khẩu LĐ, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.

Về phía địa phương, sẽ kết hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu và giới thiệu việc làm, tạo việc làm tại chỗ đối với LĐ không có khả năng đi làm ăn xa; đồng thời chủ động liên hệ với doanh nghiệp tiếp nhận nguồn lao động, cung cấp nguyên liệu gia công sản phẩm, thu mua bao tiêu sản phẩm... để tạo việc làm thường xuyên cho LĐNT. Đây là những giải pháp cơ bản để cùng lúc xây dựng NTM đạt các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo và lao động có việc làm.

Ông Nguyễn Văn Truyền- Chủ tịch UBND xã Trung An (Vũng Liêm), Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã: Toàn xã có 2 cơ sở may gia công, 1 tổ đan dớn tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 LĐNT ở địa phương. Đầu năm đến nay, có 27 hộ được tỉnh hỗ trợ dự án hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống. Hiện, xã đang phối hợp với các ngành chuyên môn mở thêm các lớp dạy nghề cho LĐNT, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo, nâng cao tay nghề cũng như thu nhập cho người dân đạt tỷ lệ trên 90%; đồng thời giao chỉ tiêu cho các ấp giảm 24 hộ nghèo, để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống dưới 4%.

Bài, ảnh: TƯƠI- QUYÊN

TIN LIÊN QUAN