Đó là câu chuyện về những người in sao đề thi, những người ăn ngủ cùng công việc để góp phần cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban In sao đề thi nói về "ê kíp" làm việc của mình, những người lặng thầm "biến mất" 11 ngày...
Đó là câu chuyện về những người in sao đề thi, những người ăn ngủ cùng công việc để góp phần cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban In sao đề thi nói về “ê kíp” làm việc của mình, những người lặng thầm “biến mất” 11 ngày...
Thầy Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT, Trưởng Ban In sao. |
Ngày 13/6, Ban In sao đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2017 của tỉnh vào khu vực biệt lập bắt đầu làm việc. Ban có 16 người làm việc trực tiếp và 2 vòng bảo vệ, nhân viên phục vụ, nhân viên phụ trách cơ sở vật chất. Khu vực in sao đặt tại tầng 3 của Sở GD- ĐT Vĩnh Long.
Việc in đề từ 13- 20/6 và đến 21/6 thì đề thi được chuyển đến các điểm thi. Tất cả những gì có thể sao chụp và chuyển tin ra ngoài đều không được mang vào khu vực này.
Công việc in sao tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng đối với kỳ thi lớn và số lượng bài thi khổng lồ thì thật sự không dễ dàng. Ban In sao phải làm việc ngày 3 ca mới đảm bảo tiến độ công việc.
Thầy Hồng nói thêm “có những đêm làm đến khuya vì phải xong công việc mới nghỉ được”. Ban In sao nói, đối với bài thi 1 mặt giấy thì không khó khăn nhiều nhưng đối với đề 2 mặt thì khó hơn, bởi “sợ in nhầm”.
Đặc biệt, đề thi 2 môn tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội làm những người in sao “toát mồ hôi”. Mỗi phòng thi có 24 mã đề và mỗi mã đề có 3 môn, mỗi môn lại có từ 4- 6 trang.
Phải thật sự cẩn thận, trách nhiệm và phối hợp nhịp nhàng từ khâu in sao, kiểm tra. “Sợ nhất là các phòng thi lẻ, nghĩa là phòng thi dưới 24 thí sinh sẽ dễ bị nhầm lẫn”- thầy Hồng nói thêm.
Mỗi khi có việc liên hệ bên ngoài, thầy Hồng là người duy nhất được làm điều này thông qua cán bộ an ninh ở vòng 2. Thầy thường viết ngắn gọn nội dung cho BCĐ kỳ thi vào một tờ giấy trắng.
Giấy này giao qua khe cửa cho cán bộ an ninh xem trước khi cán bộ này chuyển đi. Thầy Hồng cho biết: “Tất cả phải kín kẽ, đảm bảo đúng quy chế”.
Những miếng rác trong phòng thi cũng được dọn dẹp gọn gàng và khi in xong môn nào thì dọn môn đó. Tất cả túi rác in đều được cho vào túi nhựa mới, buộc lại dán niêm phong có chữ ký của Trưởng Ban In sao. Đối với những loại rác sinh hoạt khác cũng không được đem ra khỏi khu vực mà bỏ vào một túi rác riêng, đóng dấu niêm phong cẩn thận.
Sau 11 ngày “cấm cung” và được ra khỏi phòng kín, mối quan tâm của Ban In sao là gì? Chao đảo vì chưa quen với ánh sáng trời, câu hỏi đầu tiên của thầy Hồng là “đề thi ổn không, có sai sót gì không?” Chỉ khi nghe được câu trả lời ổn, cả ban mới thở phào, nhẹ nhõm ra về!
Theo các thầy cô, đây là lần đầu tiên Vĩnh Long tự in sao đề thi nên những lo lắng áp lực là không tránh khỏi. Nhất là đối với những bài thi phức tạp như năm nay. “Nhờ chúng tôi phối hợp nhịp nhàng, ai cũng làm việc tận tâm, tạo thành một cộng đồng trách nhiệm”- thầy Hồng cười.
Ban In sao cũng không quên những quan tâm của BCĐ kỳ thi, của các cán bộ an ninh đã bảo vệ khu vực in sao an toàn, nghiêm túc và cán bộ cơ sở vật chất tạo điều kiện cho Ban In sao làm việc hiệu quả. Ban In sao- những con người đã thầm lặng “mất tích” ngần ấy ngày để phục vụ kỳ thi.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin