Đây là dịp tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, đồng thời cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và lòng yêu nước, để tiếp bước truyền thống vẻ vang, chung sức chung lòng xây dựng, phát triển quê hương.
Những ngày tháng 7 nghĩa tình nhắc nhở những người con Việt Nam đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Hòa với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ngày 25/7/2017, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ.
Đây là dịp tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, đồng thời cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và lòng yêu nước, để tiếp bước truyền thống vẻ vang, chung sức chung lòng xây dựng, phát triển quê hương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu thăm hỏi sức khỏe các mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Vinh Hiển |
Mẹ Việt Nam ơi!
Lịch sử tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận sự đóng góp của hơn 62.000 người có công qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong đó, có hơn 16.000 liệt sĩ đã ngã xuống và hơn 4.000 thương binh, bệnh binh vẫn tiếp tục góp sức mình trong công cuộc xây dựng, phát triển quê nhà.
Trên vùng đất này, những mẹ Việt Nam anh hùng đã góp cả “núm ruột” của mình, máu xương người thân yêu trong gia đình mình làm nên vùng đất kiên cường, trung dũng, làm nên những chiến công oanh liệt trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, góp nên sự trù phú, tươi đẹp của quê hương hôm nay.
Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 2.837 mẹ.
Những người vợ, người mẹ tảo tần chịu thương chịu khó gánh vác gia đình để chồng con yên tâm phụng sự quê hương. Để rồi không biết bao lần, những mẹ Việt Nam ấy khóc thầm lặng lẽ vì chồng con đã hy sinh mà có khi một tấm ảnh để lại cũng không...
Các bà mẹ anh hùng, một biểu tượng sáng ngời cho phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam...
Có mặt từ rất sớm trước khi buổi lễ diễn ra, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhạn (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) móm mém cười, trò chuyện cùng những bà mẹ ngồi bên cạnh. Năm nay đã 82 tuổi nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn, nhớ “rành rạnh” những biến cố cuộc đời.
Cha của bà hy sinh ở Côn Đảo, một người con trai hy sinh ở Tam Bình và một người con nữa ngã xuống ở chiến trường Campuchia. Mẹ bồi hồi nhớ lại những mất mát trong cuộc đời, lần nào mẹ cũng xuống ghe, để mặc cho nó trôi theo dòng nước, mẹ ngồi vừa khóc vừa nhớ lại kỷ niệm với họ.
Mẹ cười hiền vén mái tóc bạc phơ: “Hôm nay, được mời tới đây thấy mừng, không còn sống bao lâu nữa mà được Nhà nước chăm lo, ân huệ như vầy mừng lắm!”
Mẹ Nguyễn Ngọc Điệp (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) ngồi cạnh bên cũng kể lại câu chuyện của đời mình. Năm 1969, chồng làm công an ở xã Mỹ Thuận, bị lính càn rồi hy sinh.
Thấy nhiều người thân, hàng xóm cũng ngã xuống vì những lần càn quét ác liệt của địch, mẹ dẫn thằng con trai mới 12 tuổi tiếp bước cha tham gia cách mạng. Năm 17 tuổi, cậu con trai đăng ký đi chiến trường Campuchia rồi hy sinh.
Ngày hôm nay đến buổi lễ, mẹ bày tỏ: “Vừa buồn nhớ chồng, nhớ con nhưng cũng thấy an ủi vì có Nhà nước quan tâm, động viên tinh thần”.
Tri ân, tôn vinh người có công cách mạng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang tặng bằng khen UBND tỉnh cho những gia đình chính sách tiêu biểu. Ảnh: Vinh Hiển |
Ngày ra đi không trở về của các anh hùng liệt sĩ đã làm nên ngày đoàn tụ, hạnh phúc của biết bao người dân Việt Nam, cho đất nước, cho dân tộc hồi sinh.
Cứ đến tháng 7 hàng năm, cả nước lại tràn ngập không khí tri ân những người có công với nước, với cách mạng. Ngày càng có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động...
Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Trong buổi lễ long trọng này, có 2 mẹ được tiếp tục truy tặng danh hiệu cao quý. Tay nâng niu tấm bằng công nhận “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Huỳnh Thị Diên, bác Nguyễn Văn Cả (68 tuổi, thương binh 3/4, Phường 2- TP Vĩnh Long) xúc động: “Hôm nay bà nội của tôi vinh dự được truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” rồi.
Vinh dự lắm, cả một đời bà làm cách mạng lại còn tần tảo lo cho con cháu”. Rồi bác Cả kể, quê bác ở tỉnh Quảng Nam- vùng đất kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến. Cha bác hy sinh trong kháng chiến chống Pháp lúc bác vừa tròn 3 tuổi. Mẹ thì bệnh mất.
Chú ruột của bác cũng hy sinh. Bà nội cưu mang nuôi bác lớn khôn. Năm 1966, khi bà bệnh mất bác thì cũng thoát ly gia đình theo tiếng gọi Tổ quốc.
“Tôi vào Nam kháng chiến, trong trận đánh Yếu khu Thầy Phó (xã Hựu Thành- Trà Ôn) thì bị thương vùng bụng. Hôm nay, vinh dự được nhận bằng công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng cho bà nội, tôi xúc động lắm. Cám ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”
Chú Nguyễn Văn Cai cũng là thương binh tiêu biểu của huyện Mang Thít được mời đến buổi lễ. Đi bộ đội từ năm 19 tuổi, đến cuối năm 1978, chú rời quê hương Cái Nhum qua chiến trường K. 2 năm sau trở về, một chân của chú đã không còn lành lặn.
Chú nói: “Tự hào lắm, đợt này Sở Lao động- Thương binh và Xã hội mời tui ra Hà Nội nhận bằng khen thương binh tiêu biểu”.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Thành Tuế (thương binh 4/4, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) xúc động: “Nay mình ở đây dự lễ kỷ niệm nhưng còn biết bao đồng chí, đồng đội anh em đã ngã xuống làm nên ngày đoàn tụ, hạnh phúc của biết bao người dân Việt Nam, làm cho đất nước, cho dân tộc hồi sinh nữa.
Tôi bồi hồi, nhớ thương lắm. Tôi còn gặp được anh Tám Còi, anh Năm A cùng chung đơn vị Đặc công Trung đoàn 3- Quân khu 9 nữa. Mừng lắm”!
Nổi bật trong chiếc áo xanh của Đoàn, sinh viên Võ Huỳnh Như Thủy (sinh viên năm 2 Trường CĐ Kinh tế- Tài chính) chia sẻ: “Em cảm thấy rất tự hào vì hôm nay được đại diện các bạn thanh niên đến đây. Sinh ra trong thời bình, thế hệ chúng em luôn ghi nhớ công ơn của cha, chú, những người chiến sĩ đã ngã xuống”.
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh, những cống hiến và sự hy sinh của các thế hệ cha ông vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Chúng ta nguyện làm yên lòng và luôn xứng đáng với sự hy sinh của các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, dù thử thách đến mấy vẫn quyết tâm xây dựng, bảo vệ, phát triển tỉnh nhà và đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công, về trách nhiệm đối với công tác ưu đãi người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa để viết tiếp những trang sử vàng trong tiến trình đưa đất nước đi lên trong thời kỳ hội nhập. |
THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin