Xây dựng văn hóa- nền tảng "mềm" cho nông thôn mới

02:06, 14/06/2017

Ấp Trung Hòa 1 là ấp thứ 2 (sau ấp An Lạc 1) ở xã Trung An được công nhận ấp văn hóa tiêu biểu "sáng- xanh- sạch- đẹp" hồi tháng 11/2016 và đã được tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Vũng Liêm. 

Ấp Trung Hòa 1 là ấp thứ 2 (sau ấp An Lạc 1) ở xã Trung An được công nhận ấp văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp” hồi tháng 11/2016 và đã được tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Vũng Liêm.

Đến nay, Trung Hòa 1 cũng là một trong 33 ấp- khóm được công nhận văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp” của huyện.

 

Nông dân mong nông sản được giá để kinh tế, văn hóa đời sống xóm làng đổi mới.
Nông dân mong nông sản được giá để kinh tế, văn hóa đời sống xóm làng đổi mới.

Đồng lòng xây dựng xóm ấp văn hóa

Ấp Trung Hòa 1 có 264 hộ gia đình, 1.186 nhân khẩu, chia đều ở 19 tổ tự quản. Hơn 90% hộ dân sống bằng nông nghiệp, mà chủ yếu dựa vào lúa, vườn (dừa, ổi) và số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, buôn bán nhỏ.

Bí thư kiêm Trưởng ấp Trung Hòa 1 Đinh Thị Lệ cho biết: Thực hiện cuộc vận động xây dựng ấp văn hóa kiểu mẫu “sáng- xanh- sạch- đẹp” năm 2016, ban vận động ấp xác định nội dung bao trùm lên tất cả lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh đến xây dựng thực lực chính trị ở ấp.

Đặc biệt là xây dựng khối đại đoàn kết ở cộng đồng dân cư để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Khi bắt tay xây dựng ấp văn hóa kiểu mẫu, lúc đầu chưa thu hút được người dân tham gia.

Đèn đường ở Trung Hòa 1 được làm chủ yếu từ nguồn xã hội hóa với đóng góp “bán đồng cho vịt” của người dân nơi đây.
Đèn đường ở Trung Hòa 1 được làm chủ yếu từ nguồn xã hội hóa với đóng góp “bán đồng cho vịt” của người dân nơi đây.

Nhưng qua quá trình, nhờ thực hiện tốt các phong trào hàng năm và có sơ kết, tổng kết nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt nên dần dần đã thu hút đông đảo người dân.

Chia sẻ về xây dựng gia đình văn hóa, bà Đinh Thị Lệ cho biết: Ban vận động ấp luôn quan tâm, thường xuyên nhắc nhở, vận động nhân dân thực hiện tốt “3 tự, 3 hiểu, 3 biết”, phân công đoàn thể, hội viên phụ trách hộ để hướng dẫn giúp đỡ hộ gia đình văn hóa, hộ sức khỏe...

Đến nay 100% hộ dân “3 tự, 3 hiểu, 3 biết”, hộ an toàn 99,6%, hộ xanh- sạch- đẹp trên 90%. Trong xây dựng tổ nhân dân tự quản văn hóa luôn chú trọng đến chất lượng hộ, tổ, cảnh quan môi trường thông thoáng, xanh, sạch và đẹp.

Hiện nay 100% tổ đều cùng đạt tổ văn hóa, tổ sức khỏe, tổ an toàn, riêng tổ xanh- sạch- đẹp đạt trên 90%. Đến nay, có 262/264 hộ gia đình đạt văn hóa.

Tôi được giới thiệu đến gia đình ông Hà Văn Bổn và bà Nguyễn Thị Thảo ở Trung Hòa 1.

Bà Nguyễn Thị Thảo cho biết thu nhập kinh tế gia đình bà có từ 8 công ruộng và 8 công vườn dừa: “Dừa tháng này ít nhưng được giá cao, tầm 110.000-120.000 đ/chục (12 trái) với dừa khô. Mùa tháng 3- 4, thường tui bán tầm 300- 400 dừa mỗi tháng, còn tháng 9- 10 mỗi đợt bán 800- 900 dừa”.

Ở tuổi qua thất thập, ông bà hàng ngày vẫn “động tay chân” lao động để vừa quán xuyến việc nhà, vừa duy trì sức khỏe tuổi già và tinh thần minh mẫn. Con cái trong nhà đều có gia đình, công ăn việc làm ổn định. Gia đình ông bà nhiều năm liền được công nhận đạt văn hóa.

Trong báo cáo của ấp Trung Hòa 1 về xây dựng ấp văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp” có nêu, được đồng ý của UBND xã, ban vận động ấp vận động người dân có đất trồng lúa cùng với chính quyền ấp đứng ra bán lúa đổ trên đồng cho các chủ vịt tàu, lấy tiền đó phục vụ nông nghiệp (vét kinh, bắc cầu, làm đèn đường). Như đèn đường, có vụ mùa “bán đồng cho vịt” được 35 triệu đồng, làm 45 cột đèn chiếu sáng đường nông thôn và đóng góp tiền trả tiền điện thắp sáng hàng đêm.


Nhiều mong mỏi cho xóm làng đổi mới

Trên đường nhựa liên ấp, đi dài ra tuyến đường Kinh Nối đang thi công, nhiều bà con đang vào vụ cắt, phơi phóng lúa Hè Thu sớm.

Thấy chúng tôi chụp hình cột đèn đường, nhóm các cô các chị phơi lúa trên một sân nhà gửi gắm: “Nhà báo viết sao cho xóm ấp tụi tui ngày càng sáng đẹp nhe, cho bà con đây phấn khởi mần ăn, xóm làng đổi mới nhe chú..”.

Hỏi thăm lúa má, các cô các chị cho biết giá lúa hiện tại: OM 5451 cũng 5.100-5.300 đ/kg, IR 50404 tầm 4.200 đ/kg và bà con có lời cho vụ mùa này. Bí thư ấp Đinh Thị Lệ cũng nói giá lúa Hè Thu sớm như vậy bà con mình đỡ lắm.

Theo Bí thư ấp Đinh Thị Lệ, sau khi được công nhận ấp văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp” năm 2016, năm nay ấp xây dựng kế hoạch thực hiện nâng chất lượng ấp văn hóa tiêu biểu trên tất cả các nội dung.

Đánh giá bước đầu về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh đều được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt là việc thực hiện 6 tiêu chuẩn với 27 nội dung “3 tự, 3 hiểu, 3 biết” trong cộng đồng dân cư ngày càng tốt hơn.

Kinh tế nông nghiệp ở Trung An chủ yếu là làm lúa và cây ăn trái lâu năm như dừa, xoài... Trong ảnh: Cụ bà Nguyễn Thị Thảo bên vườn dừa nhà mình.
Kinh tế nông nghiệp ở Trung An chủ yếu là làm lúa và cây ăn trái lâu năm như dừa, xoài... Trong ảnh: Cụ bà Nguyễn Thị Thảo bên vườn dừa nhà mình.

Ông Nguyễn Văn Truyền- Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng BCĐ xây dựng nông thôn mới xã Trung An- cho biết: Trung An có 7 ấp, trong đó ấp An Lạc 1 đạt văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp” năm 2015. Tới năm 2016, ấp Trung Hòa 1 và năm nay đăng ký xây dựng ấp Trung Hòa 2.

Trung An là một trong 7 xã điểm xây dựng để đạt nông thôn mới năm 2017 của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Truyền, bên cạnh các yếu tố đầu tư hỗ trợ từ tỉnh, huyện, thì nỗ lực của cộng đồng dân cư các ấp, trong đó có xây dựng và đạt ấp văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp” đã góp vào làm mới bộ mặt nông thôn về nhiều mặt, góp phần để xã “về đích” nông thôn mới đúng yêu cầu đặt ra.

Đến nay huyện Vũng Liêm đã được công nhận 156 ấp văn hóa 5 năm, 33 ấp- khóm văn hóa tiêu biểu “sáng- xanh- sạch- đẹp”, 13 xã văn hóa nông thôn mới. Cùng với đó công nhận 128 cơ quan, đơn vị, 50/50 cơ sở thờ tự, 20/20 trạm y tế, 13 chợ và 1 bến xe đạt chuẩn văn hóa năm 2016.

 


Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh