Hãy hành động, đừng im lặng!

05:06, 01/06/2017

Tại sao vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em thời gian qua xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nguy hiểm, phức tạp? 

Tại sao vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em thời gian qua xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nguy hiểm, phức tạp?

Học sinh quan tâm cách phòng tránh XHTD trẻ em.
Học sinh quan tâm cách phòng tránh XHTD trẻ em.

Cách phòng tránh và kỹ năng tự vệ cho các em ra sao trong các tình huống bị xâm hại? Đó là những vấn đề mà các em quan tâm đặt ra tại Diễn đàn trẻ em năm 2017, với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhân Tháng Hành động vì trẻ em.

“Ai là người bảo vệ chúng cháu?”

Thời gian gần đây, dư luận đang nóng lên vì tình trạng XHTD trẻ em. Tại Vĩnh Long, 5 tháng qua, đã xảy ra 15 vụ xâm hại với 16 đối tượng xâm hại.

Trước thực trạng này, sáng 31/5, 80 em học sinh đã được nghe các cô, chú chia sẻ kỹ năng phòng chống các tình huống XHTD tại Diễn đàn trẻ em. Diễn đàn do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức.

Nhiều câu hỏi được các em quan tâm, đặt ra tại diễn đàn. Em Hồ Ngọc Mỹ (lớp 8A1, Trường THCS Tam Bình) bức xúc: “Vì sao xã hội ngày càng nhiều tội phạm bạo hành, XHTD trẻ em?”

Trả lời câu hỏi này, Thượng tá Trần Văn Vụ- Phó Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, tình hình tội phạm XHTD trẻ em thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Về các phương thức thủ đoạn, nhìn chung các đối tượng lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, sự thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng phòng vệ yếu của các bé gái để thực hiện hành vi XHTD. Nguyên nhân dẫn đến XHTD trẻ em ngày càng nhiều là do sự phát triển nhanh của mạng internet.

Việc nhắn tin làm quen, yêu đương qua mạng xã hội mà không rõ nhân thân của đối tượng kết bạn, nên tiềm ẩn nguy cơ trẻ em bị XHTD là rất cao.

Theo mạng xã hội dân sự quốc tế, mỗi ngày có 1,8 tỷ hình ảnh đăng tải thì có đến 270.000 hình ảnh về lạm dục tình dục trẻ em.

Đạo đức xã hội xuống cấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án đau lòng, bên cạnh đó là nhận thức pháp luật của một bộ phận giới trẻ hiện nay đang rất yếu kém; kỹ năng sống và cách thức tự phòng ngừa kém nên dễ bị kẻ phạm tội XHTD.

Em Nguyễn Minh Thùy (Trường THCS Hựu Thành A- Trà Ôn) kể: “Bạn tâm sự với con thường bị cha dượng sờ mó, hun hít thật kỳ nhưng mẹ bạn lại nói rằng cha thương mới làm thế.

Con muốn giúp bạn tố cáo kẻ xâm hại bạn mình thì phải làm sao? Ai là người bảo vệ chúng cháu?” Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh- Lý Thị Kiệp đưa ra lời khuyên:

Một khi các bé gái bị xâm hại thì các em nên kể với ba mẹ, người thân thật sự đáng tin cậy, báo với hội phụ nữ, công an, cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em tại địa phương… về đối tượng xâm hại mình là ai.

Ngoài ra, các em có thể điện thoại tư vấn số điện thoại 1800 1567 hoặc số khẩn cấp 070 3115, 070 113. Gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ và chăm sóc con trẻ.

Việc tố cáo tội phạm, khuyên nhủ để con kể lại câu chuyện đó cho mình nghe là việc mà cha mẹ bắt buộc phải làm. Các em sẽ yên tâm hơn và sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần hơn.

Một thực trạng đáng buồn là nhiều cha mẹ vì sợ xấu hổ đã không dám lên tiếng khi biết con bị xâm hại, để tìm cách bảo vệ con mình.

Bà Lý Thị Kiệp khuyên: “Bạn con không tìm được điểm tựa tinh thần nên tin tưởng nói với con. Con nên đưa bạn về nhà để nhờ mẹ hay bà mình cùng giúp bạn nhé!”

Kỹ năng tự bảo vệ mình

Các cô chú lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể chia sẻ những kỹ năng giúp các em biết cách tự bảo vệ mình.
Các cô chú lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể chia sẻ những kỹ năng giúp các em biết cách tự bảo vệ mình.

Theo thông tin tại diễn đàn này, từ năm 2011- 2015, cả nước có 53.000 trẻ em bị XHTD. Trung bình cứ 8 tiếng đồng hồ có 1 trẻ em bị XHTD. Không riêng bé gái mà cả học sinh nam cũng có khả năng bị XHTD.

Theo Thượng tá Trần Văn Vụ, hầu hết các nghi can phạm tội là những người gần gũi với nạn nhân như người quen với ba mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, cha dượng, cha đẻ.

Như vụ xâm hại xảy ra ở huyện Mang Thít vừa qua thì ông nội và cha ruột hiếp dâm cháu nội, con ruột của mình… Dư luận lên án rất mạnh mẽ hành vi hiếp dâm trẻ em và mang tính loạn luân này.

Để giúp trẻ em phòng chống XHTD, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh- Phan Thị Mỹ Hạnh cho rằng, việc phòng ngừa cần bắt đầu từ gia đình và cộng đồng.

Trường học luôn cố gắng trang bị cho học sinh những kỹ năng tự bảo vệ mình; những dấu hiệu nhận biết đã, đang và có khả năng bị xâm hại cũng như một số kỹ năng thoát khỏi nguy cơ bị XHTD. 

Điều đơn giản nhất là nhắc trẻ không cho phép ai được đụng đến các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Những kiến thức và kỹ năng sống đơn giản là yếu tố đầu tiên để giúp trẻ có thể nhận biết được nguy cơ.

Song, sự quan tâm của gia đình, của nhà trường cũng như khả năng giám sát của cộng đồng dân cư mới là những yếu tố cơ bản để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ.

Dạy trẻ cách phòng chống XHTD, cũng chính là cơ hội dạy trẻ cách giao tiếp với mọi người sao cho được vui, được an toàn. Mọi thành viên trong gia đình hãy luôn bên nhau trong hành trình phòng chống XHTD trẻ em, và trẻ em chính là người bảo vệ mình tốt nhất.

Vì thế “Hãy hành động, đừng im lặng” ngay từ bây giờ, chúng ta cùng chung tay bảo đảm quyền học tập, vui chơi, an toàn sức khỏe, tràn ngập tiếng cười cho trẻ em.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh- Lý Thị Kiệp

Khi các bé gái bị XHTD hoặc có nguy cơ bị XHTD thì nên kể cho ba mẹ, người thân đáng tin cậy hoặc báo với cán bộ hội phụ nữ, công an, cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em tại địa phương…

Ngoài ra, các em có thể điện thoại tư vấn: số điện thoại 1800 1567 hoặc số khẩn cấp 070 3115, 070 113.

Em Trần Linh Thảo Vy- lớp 7/3, Trường THCS Tân Hạnh (Long Hồ)

Việc phòng tránh XHTD em được học ở trường, ba mẹ có dạy. Ngoài ra, em lên mạng xem những clip dạy cách trốn chạy người muốn xâm hại mình.

Em tuyệt đối không cho bất cứ ai xâm phạm vô vùng kín của mình, kể cả mẹ cũng phải xin phép em.

Ở nhà một mình em đóng cửa cận thẩn. Không đi chơi một mình. Nếu chẳng may có nguy cơ bị xâm hại thì em phải tìm cách thoát thân, chạy thật nhanh vào bất kỳ nhà nào có người, chỗ đông người, la thật lớn để mọi người cứu mình.

Em Nguyễn Quang Học- lớp 8/1 Trường THCS thị trấn Cái Nhum (Mang Thít)

Em mong ngành giáo dục nên có những tiết học chính khóa về giáo dục giới tính, cách phòng tránh bạo lực, xâm hại ngay từ cấp tiểu học.

Vì em thấy tỉnh mình có những bạn học tiểu học bị xâm hại mà không biết cách kêu cứu. Các bạn hoảng sợ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh