Kỳ cuối: Mong vá lành những "mảnh đời khiếm khuyết"

06:06, 03/06/2017

Nhiều người ái ngại tỏ ý: "Chú Sáu tuổi cao quá rồi, sao không nghỉ cho khỏe?" thì ông nói: "Bác Hồ dạy mình là cán bộ, là đảng viên, nếu còn sức, còn làm được thì phải cống hiến cho dân, cho nước!" 

Nhiều người ái ngại tỏ ý: “Chú Sáu tuổi cao quá rồi, sao không nghỉ cho khỏe?” thì ông nói: “Bác Hồ dạy mình là cán bộ, là đảng viên, nếu còn sức, còn làm được thì phải cống hiến cho dân, cho nước!”

Lời dạy ấy lúc nào cũng thấm đẫm trong ông. Và bằng khả năng, uy tín của mình, ông đã dốc hết tâm, hết sức làm cầu nối- nối kết “lòng nhân ái” trong xã hội để vá lành những mảnh đời khiếm khuyết...

Chăm sóc đàn bò, vườn cây giúp thư giãn, duy trì sức khỏe hàng ngày - ông Sáu nói.
Chăm sóc đàn bò, vườn cây giúp thư giãn, duy trì sức khỏe hàng ngày - ông Sáu nói.

Trọng trách trước người nghèo

Nhìn lại buổi khó khăn ban đầu của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BNN), ông Sáu nói: “Lúc còn đương chức Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- tôi nghe ở TP Hồ Chí Minh có Tổ chức Hội Bảo trợ BNN hoạt động rất hay.

Tôi quyết tâm lên gặp gỡ, tìm hiểu và mời ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Chủ tịch hội trên đó về nói chuyện và được các vị lãnh đạo tỉnh mình hoan nghênh nhiệt liệt.

Tôi tranh thủ ông Nghiệp giúp Vĩnh Long thành lập hội. Và tháng 8/2002, BCH lâm thời Hội Bảo trợ BNN tỉnh Vĩnh Long ra đời. Tôi cũng hoạt động kiêm nhiệm từ đó”.

Ông Sáu chia sẻ: “Khá nhiều khó khăn ở buổi đầu tôi gặp phải như: lúng túng trong nội dung, phương thức hoạt động; hội không kinh phí, không chỗ làm việc, không cán bộ chuyên trách, không lãnh đạo cấp trên hướng dẫn nên chưa phát huy được nhiều.

Cuối năm 2005, tổ chức đại hội và bầu ra BCH chính thức. Khi ấy được về hưu và tôi được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch hội.

Đại hội đã đề ra 5 chương trình mục tiêu là: mổ mắt cho người mù nghèo; phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em; cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; bếp ăn miễn phí cho BNN tại các bệnh viện; hỗ trợ đột xuất trường hợp đặc biệt khó khăn.

Vài tháng sau, tôi xin bổ sung thêm chương trình “Phẫu thuật bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo”. 6 chương trình đề ra, hội thực hiện khá tốt- nhất là chương trình mổ mắt đặt thủy tinh thể cho người mù nghèo.

Nhưng qua hơn 1 năm thực hiện, thấy nhu cầu phẫu thuật tim cho trẻ là quan trọng nhất, bởi vì không phẫu thuật là không sống thọ được, tôi đưa ra bàn và Ban Thường vụ hội quyết định chọn chương trình “Phẫu thuật tim” làm khâu đột phá.

Bởi phẫu thuật tim có chi phí rất lớn, 1 ca tốn năm, bảy mươi đến cả trăm triệu đồng, nhưng phẫu thuật 1 ca thành công sẽ cứu được mạng sống 1 con người.

Lúc đầu vận động cũng gặp không ít khó khăn, nhưng sau do thấy được ý nghĩa nhân đạo- nhiều nhà tài trợ tán thành và ủng hộ”.

Đến cuối năm 2008, Hội Bảo trợ BNN đã phối hợp tổ chức mổ được 200 ca bệnh tim. Và để cổ vũ phong trào, ông Sáu đề xuất Tỉnh ủy tổ chức lễ mừng công, vinh danh các nhà tài trợ.

Gần 2.000 người khuyết tật nặng được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh phối hợp cử bác sĩ các trạm y tế trực tiếp đến khám, điều trị thường xuyên.
Gần 2.000 người khuyết tật nặng được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh phối hợp cử bác sĩ các trạm y tế trực tiếp đến khám, điều trị thường xuyên.

Tại đây, 50 em sau mổ tim khỏe mạnh được đưa đến dự. Sự kiện “người thật, việc thật” đã làm cho các nhà tài trợ, người hảo tâm… thật sự xúc động; cộng với sự hỗ trợ truyền thông của báo, đài đã tạo tiếng vang lớn về chương trình mổ tim cứu người của Hội Bảo trợ BNN Vĩnh Long. Nhờ đó, các nhà tài trợ càng ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa cho chương trình này.

Chỉ 1 năm sau đó, chương trình mổ tim cho trẻ đã cơ bản xong, nhưng người lớn tuổi bệnh tim cần phẫu thuật lại khá nhiều.

Xác định việc vận động các nhà tài trợ cho đối tượng này là vô cùng khó, ông cùng với các thành viên hội kiên trì, trực tiếp phân tích, giải thích: “Người lớn là trụ cột gia đình, nếu không giúp họ thì gia đình sẽ suy sụp, trẻ con sẽ khốn khó theo”… nên thuyết phục được các nhà tài trợ.

Đến cuối nhiệm kỳ (2011), tổng kết chương trình mổ tim đạt hơn 500 ca, vượt 10 lần kế hoạch đề ra. Rồi không chỉ trong tỉnh, phong trào còn vận động hỗ trợ cho đối tượng ở các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Thời “hoàng kim” của phong trào bảo trợ

Đầu năm 2011, Hội Bảo trợ BNN chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ, thì Tỉnh ủy lại quyết định hợp nhất 2 hội: Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và Hội Bảo trợ BNN thành “Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh Vĩnh Long”. Và ông Sáu Kỳ lại được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch.

Bà Lê Thanh Xuân- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Với trách nhiệm người đứng đầu lúc đó, chú Sáu luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp để hoạt động hội hiệu quả, thiết thực hơn với các đối tượng được giao.

Chú quyết định: một là phải có tổ chức hội đến cơ sở, hai là phải khảo sát thực tế đến từng đối tượng, mới đề ra được nội dung hoạt động, giúp hội cơ sở hoạt động hiệu quả.

Giữa năm đó, chú đã tham mưu và UBND tỉnh ra quyết định cho các hội đặc thù được triển khai tổ chức đến cơ sở. Và với sự tập trung, nỗ lực- đến đầu năm 2012 đã đại hội và thành lập xong hội cấp cơ sở trong toàn tỉnh”.

Hàng chục ngàn lượt người nghèo khó khăn được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh vận động trợ giúp vào dịp lễ, tết.
Hàng chục ngàn lượt người nghèo khó khăn được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh vận động trợ giúp vào dịp lễ, tết.

Có mạng lưới đến cơ sở là thuận lợi lớn nhưng để giúp cho hội cơ sở có nội dung hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả tốt nhất cho đối tượng cũng là trăn trở của ông Sáu.

“Tôi và các đồng chí lãnh đạo hội đi khảo sát thực tế ở 22 xã chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tôi đến tận nhà đối tượng để tìm hiểu xem họ khó khăn gì, cần mình giúp gì để có thể tự vươn lên trong cuộc sống”- ông Sáu chia sẻ.

Ông Mai Thiện Tính- Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh Vĩnh Long- kể: “Chú Sáu tuy đã rất cao tuổi nhưng chưa chắc những người trẻ như chúng ta theo kịp.

“Kịp” với tốc độ suy nghĩ, nảy sinh ý tưởng; tốc độ làm việc; sức bền và ngay đến tốc độ “di chuyển” khi đi cơ sở của chú cũng thuộc hàng “cao thủ”. Rất, rất nhiều trường hợp đích thân chú đi khảo sát thực tế.

Nhớ nhất là chuyến đi về ấp Đại Thọ (xã Loan Mỹ- Tam Bình), chú cùng anh em trong đoàn đi bộ hơn 3km đường đất chông chênh- lúc đang đắp đất 2 bên chờ bơm cát mở rộng đường- để đến nhà đối tượng cần khảo sát.

Những người trẻ như chúng tôi còn thấy ái ngại, vất vả, nhưng với chú thì như không hề gì. Trên đường, chú còn vui vẻ, động viên anh em.

Còn chuyện ngồi xe ôm đi khắp mọi nẻo đường nông thôn, đến từng đối tượng vùng sâu hoặc giữa đồng là việc làm thường xuyên của chú… Ai cũng khâm phục tinh thần và sức khỏe tuyệt vời của chú!”

Trên cơ sở khảo sát thực tế, ông Sáu Kỳ và Ban Thường vụ Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh đã kịp thời chỉ ra cho hội cơ sở nhiều vấn đề thiết thực, giải quyết hiệu quả cho đối tượng như: người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân tâm thần là đối tượng được Nhà nước bảo trợ nhưng rất nhiều người chưa biết, chưa được hướng dẫn làm thủ tục để hưởng chế độ.

Hay người khuyết tật- nhất là người khuyết tật còn khả năng lao động, cần có việc làm để tăng thu nhập cho bản thân nhưng chưa có sự giúp đỡ về dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp vốn.

Hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng tuy có BHYT nhưng không thể đi đến cơ sở y tế khám lấy thuốc điều trị được. Và người khuyết tật nặng, người mù cả đôi mắt nghèo rất cần có nơi vệ sinh trong nhà nhưng lại chưa có…

Từ đó, sau 3 năm đi vào hoạt động, Hội cơ sở đã góp phần bổ sung hơn 3.200 đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội; dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho gần 3.000 người khuyết tật có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; gần 2.000 người khuyết tật đặc biệt nặng được bác sĩ các trạm y tế cơ sở đến tận nhà khám cấp thuốc định kỳ; vận động xây dựng hơn 1.000 cầu vệ sinh tự hoại trong nhà cho người khuyết tật nặng; vận động cấp tiền, gạo hàng tháng cho gần 8.000 lượt người đặc biệt khó khăn.

Ông Sáu Kỳ và các cộng sự của mình còn thường xuyên kiểm tra, giúp hội cơ sở trưởng thành nhanh. Đến cuối năm 2015, trên 80% hội cơ sở xếp loại mạnh; tổng quỹ vận động của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN toàn tỉnh đạt 65 tỷ đồng, riêng hội cơ sở đạt trên 30 tỷ đồng (nhiều xã vận động đạt 500- 600 triệu đồng, riêng xã Trà Côn đạt 1,75 tỷ đồng) đã đem lại phúc lợi cho các đối tượng ngày càng tốt hơn.

Nhiệm kỳ 2017- 2022, ông Sáu vẫn tiếp tục hoạt động hội với vai trò là cố vấn. Và Hội tiếp tục thực hiện 8 chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, để đạt được mục tiêu, ông Sáu và Ban Thường vụ Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN đã xác định: phải thường xuyên chăm lo, củng cố, xây dựng tổ chức hội các cấp- nhất là cấp cơ sở- chọn cán bộ hội phải theo tiêu chuẩn: “Không quá già, không quá trẻ, có sức khỏe, biết chạy xe, biết tham mưu và biết làm kế hoạch”.

Và các đối tượng yếu thế- ngoài được hưởng các chính sách của Nhà nước, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN còn phải chăm lo, để đến cuối nhiệm kỳ, người khuyết tật nặng có đủ 3 công trình vệ sinh (nước sạch, hố tiêu, nhà tắm) trong nhà; xã- phường mỗi năm có ít nhất 1 hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi thoát nghèo…

Gần 70 năm cống hiến cuộc đời cho xã hội- với phương châm sống mà Bác Hồ đã dạy: “Người cán bộ cách mạng trước hết phải lo nỗi lo của dân, đau nỗi đau của dân”- đã mang lại cho ông những giá trị cao quý. Để đến hôm nay, ở tuổi cây cao bóng cả nhưng “Ông Sáu 01” hay “Ông Sáu Bảo trợ” vẫn đang “tỏa sáng” để sống những ngày tháng rất đẹp và đáng quý!

Từ năm 2011- 2016, tổng giá trị phúc lợi toàn Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và BNN tỉnh vận động được trên 320 tỷ đồng và hơn 2,3 triệu lượt người yếu thế đã được hỗ trợ thiết thực.

Theo báo cáo nhận xét của Hội Bảo trợ Trung ương: Hội Bảo trợ Vĩnh Long có nhiều sáng tạo trong hoạt động, thành tích dẫn đầu toàn quốc nhiều năm liền.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT- BÍCH VÂN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh