Không đọc sách thì không thể thành tài

06:06, 11/06/2017

Bắt đầu từ năm 2014, ngày 21/4 được chọn là ngày Sách Việt Nam. Ở góc nhìn rộng, đây là ngày tôn vinh người làm sách, người nghiên cứu, viết sách để truyền lại kiến thức vô vàn quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bắt đầu từ năm 2014, ngày 21/4 được chọn là ngày Sách Việt Nam. Ở góc nhìn rộng, đây là ngày tôn vinh người làm sách, người nghiên cứu, viết sách để truyền lại kiến thức vô vàn quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tuy nhiên, khi nhìn ở một khía cạnh khác, một học giả chia sẻ “đó cũng là cách “giải cứu” nền văn hóa đọc của nước ta hiện nay”.

Ở những hội chợ sách được tổ chức mấy năm gần đây, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự. Các bạn đến các hội sách không chỉ để được vui chơi, mà còn để tìm hiểu về sách, về kiến thức của nhân loại. Ảnh chụp tại Hội sách Cần Thơ 2017.
Ở những hội chợ sách được tổ chức mấy năm gần đây, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự. Các bạn đến các hội sách không chỉ để được vui chơi, mà còn để tìm hiểu về sách, về kiến thức của nhân loại. Ảnh chụp tại Hội sách Cần Thơ 2017.

Người Việt đầu tư cho sách quá ít. Đây là khẳng định của ông Lê Hoàng- Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Cụ thể con số mà ông Lê Hoàng đưa ra để so sánh là một người Việt Nam chi 2 USD (tức chưa tới 50.000đ) mỗi năm để mua sách; một người Trung Quốc chi 10 USD, trong khi các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 200 USD mua sách hàng năm.

Con số thống kê cho thấy, mức đầu tư cho sách, đầu tư cho tri thức của người Việt ở mức không cao, nếu không muốn nói là quá thấp.

Trong một diễn đàn, GS. Ngô Bảo Châu nhận định “không có sách thì không thể thành tài”. Bản thân giáo sư chính là dẫn chứng cho nhận định của ông.

Còn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì chia sẻ: “Tôi viết được văn cũng nhờ đọc sách”. Những kinh nghiệm, nhận định, chia sẻ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng ấy, đáng để chúng ta lưu tâm.

Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại là hiện tại, mức độ đầu tư cho sách đã ít (như vừa dẫn chứng ở trên), nhưng khả năng đọc, khả năng chủ động tiếp thu kiến thức của người dân nước ta cũng còn quá hạn chế.

“Các bậc phụ huynh ngày nay lo con cái còi xương nhưng không lo chúng còi tri thức”- nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã không ngại chia sẻ suy nghĩ của mình.

Cũng theo ông Lê Hoàng, hiện tại con số sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường.

Và nếu bỏ ra khỏi rổ sách của người dân 2 loại sách này, số còn lại chia đều trên số dân đọc sách chỉ được khoảng 1 quyển/người/năm. Đây là vấn đề đáng lo ngại đối với văn hóa đọc của người Việt hiện nay.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng khó cải thiện này, theo các chuyên gia, thứ nhất là các ông bố bà mẹ ít chịu đọc sách cho con để hình thành thói quen cho con em từ bé; thứ hai là giáo dục của chúng ta vẫn còn nặng truyền đạt một chiều, dạy theo văn mẫu... trong khi các nước đã dùng phương pháp tương tác, sinh hoạt nhóm… để dạy và học, trong đó chắc chắn các học sinh phải tìm đọc trong sách mới hoàn thành việc học.

Có ý kiến lý giải rằng, người Việt Nam không có thói quen đọc sách như các nước phương Tây. Lý do là xuất phát của chúng ta là một nước thuần nông, công việc đồng áng khiến cho người Việt nói chung, nông dân nói riêng không chủ động trong tiếp thu kiến thức mà phần lớn là tiếp thu thụ động, qua các kênh như phát thanh, truyền hình.

Nếu hình ảnh những du khách nước ngoài thường xuất hiện với cuốn sách cầm trên tay để tranh thủ đọc lúc rảnh, hay lúc cần có thông tin về văn hóa bản địa, hoặc quyển tiểu thuyết mới xuất bản nào đó đang gây bão ở thị trường, thì hình ảnh dễ dàng và gần như là đại trà ở các khu vực công cộng, trên các xe buýt, quán cà phê, và thậm chí là trong thư viện của Việt Nam là các bạn trẻ không rời tay và mắt khỏi chiếc điện thoại thông minh.

Cũng có không ít người biện hộ rằng, cầm điện thoại thông minh là để đọc thông tin, hay nói quy mô hơn là tiếp thu kiến thức, điều này không sai, nhưng khiêm tốn lắm- một nhà nghiên cứu thị trường đọc sách Việt Nam chia sẻ.

Chúng ta luôn kêu gọi vì sự phát triển của một nền văn hóa đọc, nhưng... những con số thống kê lạnh lẽo làm những người yêu sách nhói lòng.

Thời đại hội nhập, việc chủ động tiếp thu kiến thức phải được chú trọng và đặt lên trên. Do đó, việc chọn ngày 21/4 hàng năm làm ngày Sách Việt Nam là để tôn vinh người viết, làm, lưu giữ và đọc sách.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc dành trọn một ngày cho sách cũng nhằm “giải cứu” văn hóa đọc của nước ta. Tất nhiên, trong bối cảnh nhiều phương tiện hiện đại giúp bổ sung kiến thức, thì sách không phải là kênh độc tôn.

Song, phải khẳng định một điều, một xã hội muốn phát triển văn minh, không thể thiếu sách. Và “không có sách thì không thể thành tài”.

Bài, ảnh: PHAN (TP Vĩnh Long)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh