Hiến máu- việc nhỏ ý nghĩa to

07:06, 15/06/2017

Phong trào hiến máu tình nguyện ở Vĩnh Long ngày càng lan rộng trong những năm gần đây. Nổi bật là những tấm gương cá nhân, gia đình và tổ chức tham gia hiến máu. 

Hiến máu cứu người- xin hiến thường xuyên.
Hiến máu cứu người- xin hiến thường xuyên.
Phong trào hiến máu tình nguyện ở Vĩnh Long ngày càng lan rộng trong những năm gần đây. Nổi bật là những tấm gương  cá nhân, gia đình và tổ chức tham gia hiến máu. 

Nói như bà Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh- thì hiến máu cứu người không khó nhưng không phải ai cũng làm được, việc làm đó thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Từ những tập thể điển hình

Phong trào hiến máu tình nguyện trong tỉnh phát triển từ năm 2012 đến nay. Trong năm 2016, đã tổ chức được 63 đợt tiếp nhận máu, qua đó có 18.600 người đăng ký và tiếp nhận được hơn 12.600 đơn vị máu.

Số người hiến máu nhắc lại đạt trên 78% tổng số người hiến máu. Bà Trần Thị Tuyết Mai nêu tên những tổ chức nổi bật trong phong trào này: huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang thít; khối trường học thì có ĐH Xây dựng Miền Tây, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Theo các đơn vị và tổ chức trên, để phát triển phong trào hiến máu- những người đứng đầu phải tiên phong. Ông Trương Văn Khâu- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân An Luông (Vũng Liêm)- là một điển hình.

“Để phát triển phong trào, tôi tham gia hiến máu và vận động con gái cùng tham gia”- ông Trương Văn Khâu cho biết. Đến nay, ông Khâu và con gái đã có hơn 20 lần tham gia hiến máu. Gia đình ông cũng nhận được danh hiệu gia đình hiến máu trong dịp 14/6 này. Nhờ đó, phong trào hiến máu nhân đạo của xã Tân An Luông ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm.

Ở ĐH Xây dựng Miền Tây, ĐH Sư phạm kỹ thuật phong trào hiến máu phát triển nhờ sự đi đầu của các cán bộ đoàn hội, như Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- Lê Trần Khánh Phương cũng là người tham gia hiến máu nhiều lần.

Còn nhiều lắm những đơn vị nổi bật như huyện Trà Ôn có nhiều lãnh đạo xã, huyện cũng tham gia hiến máu: ông Nguyễn Văn Kề, ông Hà Văn Thanh Khương. Nhiều gia đình tham gia hiến máu nhiều lần: gia đình ông Lê Văn Tám (Vũng Liêm) hơn 40 lần, gia đình ông Phương Thanh Xuân- bà Châu Ngọc Thanh (TX Bình Minh) 37 lần.

Đến những cá nhân sẵn sàng hiến máu

Dịp 14/6 này, Vĩnh Long vinh dự có một gia đình được Trung ương hội tặng bằng khen là gia đình chú Phan Thanh Hồng và cô Đồng Thị Cẩm Hoa ở thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh), với 69 lần tham gia hiến máu.

Là Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa TX Bình Minh, cô Hoa hiểu rằng máu có ý nghĩa rất lớn nên ngay khi có phong trào là cô đăng ký tham gia và rủ chồng cùng đi.

Cô Hoa hiến máu xong và nghỉ ngơi xíu thì thấy khỏe và đặc biệt là tâm trạng rất tốt, “con người mình thấy nhẹ nhõm, khoan khoái lắm”- cô Hoa nói. Đến nay, cô Hoa đã hiến máu 31 lần, chú Hồng hiến 30 lần.

Ngoài ra, cô chú còn vận động người con trai lớn là anh Phan Trọng Hiếu tham gia hiến máu được 8 lần. Chú Hồng nói: “Tôi thấy hiến máu vừa cứu người, vừa được kiểm tra sức khỏe nên khuyên con tham gia”. Chú Hồng còn cho rằng nhờ hiến máu nên cơ thể thường sản sinh lượng máu mới, da dẻ cũng hồng hào hơn.

Hiến máu cứu người thể hiện tính nhân văn sâu sắc và hành động ấy càng có ý nghĩa hơn khi người hiến máu trực tiếp cứu người. Anh Trần Văn Ngoãn (TP Vĩnh Long) có 24 lần hiến máu vừa được tôn vinh. Anh cho biết đã hiến máu từ năm 1995.

Lần hiến máu đầu tiên khi anh Ngoãn còn là bộ đội ở Huyện đội Phú Quốc (Kiên Giang): “Lần đó, có một sản phụ sanh khó bị băng huyết mất nhiều máu lắm, cần truyền máu để đưa được về đất liền. Cả đơn vị tôi đi xét nghiệm, cuối cùng chỉ 4 người có thể cho máu, trong đó có tôi”.

Nhờ những giọt máu nghĩa tình ấy, sản phụ đã về đến đất liền và mẹ tròn con vuông. Anh Ngoãn vẫn còn biết thông tin về mẹ con- người đã được anh hiến máu năm nào: “Cháu gái đó 22 tuổi rồi, sắp tốt nghiệp ĐH, xinh xắn lắm”.

Những cá nhân được UBND tỉnh tôn vinh có nhiều lần tham gia hiến máu.
Những cá nhân được UBND tỉnh tôn vinh có nhiều lần tham gia hiến máu.

Từ lần đầu tiên hiến máu còn bỡ ngỡ đó, những lần sau anh Ngoãn mạnh dạn tham gia khi bệnh viện cần. Rồi anh xuất ngũ về đất liền cũng mỗi năm một đôi lần đều đặn tham gia hiến máu.

Tiếc là lần: “Mẹ vợ tôi bệnh, mổ ở Bến Tre và cần máu gấp nhưng tôi lại đang ở Kiên Giang nên không về được, may mà tìm được máu thích hợp”. Vì tận mắt thấy ý nghĩa việc mình làm, trân quý từng giọt máu vì người thân từng trải qua giai đoạn khó khăn nên anh Ngoãn đều đặn hiến máu.

Anh vui vẻ: “Mỗi khi có đợt hiến máu, tôi thấy mình thật sự khỏe mới tham gia. Gần đây, tôi nhờ thử máu rồi hãy tiếp nhận dù tốn nhiều thời gian hơn nhưng tôi muốn máu mình cho phải chất lượng”. Anh còn vận động vợ tham gia hiến máu đến nay đã được 4 lần.

Tình nguyện hiến máu không phải là việc làm khó khăn, nhất là với những ai có đầy đủ sức khỏe và độ tuổi thích hợp.

Tuy nhiên, việc tưởng chừng đơn giản ấy mới chỉ có khoảng 1% dân số tỉnh Vĩnh Long thực hiện được. Tin rằng, với sự nỗ lực của các tổ chức, ban ngành, sự nêu gương của những cá nhân hiến máu sẽ đẩy phong trào này ngày càng phát triển hơn.

Tổng lượng máu tiếp nhận được trong 5 năm (2012- 2016) đạt trên 52.200 đơn vị máu. Trung bình mỗi năm tiếp nhận 10.400 đơn vị, tăng trên 4,2 lần so với 5 năm trước. Từ những năm đầu vận động hiến máu khó khăn, lượng máu không đủ cho các bệnh viện; đến nay, lượng máu thu được đã đáp ứng 95% nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh của các bệnh viện đa khoa trong tỉnh và khu vực.

 


Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh