Cần phải tìm giải pháp căn cơ để cứu bờ biển ĐBSCL

10:06, 12/06/2017

Hàng trăm km bờ biển bị xói lở đe doạ tính mạng và tài sản của hàng chục nghìn hộ dân, tìm ra giải pháp cứu bờ biển ĐBSCL là việc làm hết sức cấp bách hiện nay.

Hàng trăm km bờ biển bị xói lở đe doạ tính mạng và tài sản của hàng chục nghìn hộ dân, tìm ra giải pháp cứu bờ biển ĐBSCL là việc làm hết sức cấp bách hiện nay.

Đoạn kè kiên cố tại đê biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Đoạn kè kiên cố tại đê biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

24 đoạn bờ biển bị xói lở, sạt lở với tổng chiều dài 147km đã làm mất hàng ngàn ha đất và rừng phòng hộ, đe dọa tính mạng tài sản của hàng chục nghìn hộ dân khu vực ven biển vùng ĐBSCL. Do vậy, việc tìm giải pháp căn cơ để cứu bờ biển ĐBSCL là việc làm hết sức cấp bách hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong những năm qua, Trung ương đã hỗ trợ kinh phí để xử lý sạt lở bằng ngân sách hàng năm, thực hiện các Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và địa phương huy động các nguồn lực… Các tỉnh đã tổ chức xử lý nhiều khu vực sạt lở nguy hiểm, trồng và khôi phục rừng ngập mặn cũng như tổ chức di dân ra khỏi những vùng sạt lở. 

Thống kê từ năm 2010 đến nay, các địa phương đã xử lý tổng cộng 12 đoạn xung yếu với chiều dài gần 37km, trồng mới gần 2.000ha rừng và khôi phục hơn 600ha diện tích rừng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc đầu tư các chương trình xử lý sạt lở bờ biển hiện nay chỉ mới triển khai với tính chất cục bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả. Theo ông Hoàng, các nguồn vốn được cấp hàng năm của tỉnh chỉ đủ làm từng đoạn kè biển nên không huy được hiệu quả. Mỗi năm chỉ làm được một vài trăm mét, sau đó khóa đuôi kè lại. Đến tháng 9, tháng 10, tháng 11 khi gió Đông Bắc thổi kết hợp triều cường dâng cao làm phá huỷ một số đoạn kè.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến gay gắt, sạt lở diễn ra hết sức phức tạp với nhiều đoạn tiếp tục bị sóng cuốn trôi, đánh mất rừng phòng hộ thì việc tìm giải pháp căn cơ để bảo vệ bờ biển là nhiệm vụ khẩn cấp. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, giải pháp được xem là căn cơ và lâu dài nhất là gây bồi, tạo bãi và trồng lại rừng thì mới bền vững. 

Ông Trung cho rằng, trong các nguyên nhân mà Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đưa ra, thì nguyên nhân quan trọng nhất là lượng phù sa bồi đắp. Các khu vực ở cuối nguồn sông Hậu như Bạc Liêu, Cà Mau sắp tới lượng phù sa thế nào, ở mức độ nào thì cần bồi lắng. Hiện nay, vùng sạt lở này chỉ còn một giải pháp căn cơ lâu dài nhất, đó là chúng ta gây bồi, tạo bãi và trồng lại rừng.

Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đánh giá việc xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan gây sạt lở bờ biển ĐBSCL rất phức tạp. Bộ Nông nghiệp đã giao các cơ quan nghiên cứu khoa học phối hợp với các chuyên gia hàng đầu ở trong và nước ngoài như Hà Lan, Nhật Bản, các tổ chức quốc tế nghiên cứu vùng ven bờ trên phạm vi cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo đó, tập trung vào việc nghiên cứ xói lở bờ biển, các giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng kế hoạch quản lý rừng… Đây là cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu, tính toán áp dụng đối với các khu vực sạt lở khác.

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, để ứng phó tình hình sạt lở bờ biển hiện nay, Trung ương và các địa phương cần có giải pháp khẩn cấp và và lâu dài một cách đồng bộ nhất. Đặc biệt ưu tiên đầu tư khu vực đang xói lở nhanh với sự vào cuộc của các nhà khoa học trong nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp nhất. Ông Thắng nhấn mạnh về việc cần rà soát lại quy hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và huy động các nguồn vốn để ứng phó. 

Trong buổi làm việc với các tỉnh ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh về nguyên gây ra tình trạng sạt lở bờ biển tại ĐBSCL, đó là sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết và cả sự tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tác động tiêu cực đến dòng chảy, ảnh hưởng đến bờ sông, bờ biển, kết hợp với địa chất mềm yếu của vùng nên dễ gây ra xói lở. 

Ngoài ra, sự mất cân bằng bùn cát do khai thác cát, tác động của sóng biển, tình trạng chặt phá rừng để khai thác, nuôi trồng thủy sản, khai thác nước ngầm… làm xói lở, suy thoái rừng ngập mặn diễn ra trong phạm vi ngày càng rộng và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều khu vực đã ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ, ngành Trung ương và địa phương bám sát từng diễn biến sạt lở để ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, gia cố khu vực sạt lở, bảo vệ rừng phòng hộ và hoàn thành phương án xử lý khẩn cấp các khu vực bị sạt lở. Về lâu dài rà soát lại quy hoạch, thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ sông, bờ biển cũng như sớm hoàn thiện các nghiên cứu về phòng chống xói lở để có giải pháp ứng phó phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển…/.

Theo Thạch Hồng/VOV-ĐBSC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh