Theo Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017, việc cha mẹ đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng có thể vi phạm pháp luật.
Theo Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017, việc cha mẹ đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng có thể vi phạm pháp luật.
Lâu nay, nhiều phụ huynh vẫn thường đăng ảnh khoe con lên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo... Tuy nhiên, theo Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017, việc cha mẹ đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng có thể vi phạm pháp luật.
Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 bắt đầu có hiệu lực. Một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Nghị định 56 của Chính phủ ban hành ngày 9/5 vừa qua quy định chi tiết thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em...
Nếu người lớn tự ý đăng những thông tin này của trẻ sẽ bị coi là phạm luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này không phải phụ huynh nào cũng hiểu các quy định của luật.
Không nên đăng những thông tin cá nhân của con như bảng điểm lên mạng xã hội. |
Chị Nguyễn Thu Huyền, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Mấy ngày hôm nay qua báo chí tôi cũng có biết qua thông tin về Luật cấm công khai thông tin cá nhân của con.
Tôi cũng chưa biết rõ cụ thể là như thế nào, nhưng cũng thắc mắc là có cơ quan chuyên trách nào để theo dõi việc này và liệu có xử lý được không.
Có cơ quan nào theo dõi được hết các trường hợp không chứ không thể nhà tôi đăng bị phạt mà nhà khác đăng lại không bị phạt".
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng thực thi việc cấm đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ em lên mạng xã hội là khó khả thi. Bởi lẽ, đây là quyền cá nhân của mỗi người, mỗi gia đình.
Chị Mai Phương Hà, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết sẽ cân nhắc kỹ hơn trước khi tiếp tục chia sẻ hình ảnh và thông tin của con mình.
"Có những khoảnh khắc vui, hạnh phúc của gia đình hoặc những kỷ niệm thời thơ ấu của các cháu nhờ đăng hình ảnh, clip lên mạng xã hội, chúng tôi lưu giữ lại được để sau này có thể xem lại, ôn lại kỷ niệm.
Có những gia đình có người thân đi công tác xa hoặc ở nước ngoài rất mong muốn được nhìn thấy hình ảnh của con, cháu mình từng ngày lớn lên thế nào.
Tôi nghĩ việc up ảnh cá nhân của con cũng có mặt tích cực của nó. Mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần phải tự nhận thức và chịu trách với việc lựa chọn hình của con cái để chia sẻ" - chị Hà nói.
Mạng xã hội có thể giúp lưu giữ kỷ niệm của con trẻ và gia đình. |
Những thông tin quá chi tiết của trẻ nếu đăng tải lên mạng xã hội, rất có thể vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn đang âm thầm theo dõi trên mạng.
Trong khi đó nhiều trẻ không muốn công khai những hình ảnh, thông tin lên mạng xã hội. Luật Trẻ em 2016 quy định:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: "Để những quy định của Luật trẻ em và Nghị định 56 đi vào cuộc sống, chúng tôi cho rằng cần rà soát lại các bộ luật và luật liên quan khác để làm sao những vi phạm trong việc công bố, phổ biến bí mật đời sống riêng tư của trẻ em mà gây tác hại cho trẻ em thì phải được xử lý.
Ngoài ra, cần giáo dục lại cho các bậc cha mẹ hiểu rõ tác hại khi phổ biến rộng rãi và quá chi tiết những thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em.
Thực tế đã cho thấy những thông tin này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và gây tổn hại lâu dài đến trẻ em. Bởi vì một thông tin tung lên mạng sẽ rất khó thu lại và có thể đi theo đứa trẻ đó đến hết cuộc đời".
Hiện nay, đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với mình bằng cách gọi điện đến tổng đài quốc gia về trẻ em 18001567.
Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vận hành.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động, theo Nghị định 56 quy định./.
Theo Vân Anh/VOV-Trung tâm Tin
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin