Việt Nam với hơn 90 triệu dân, có đến 50,3% người dưới tuổi 30, đây là đội ngũ vô cùng quan trọng tạo nên "sức mạnh mềm" cho đường lối ngoại giao nhân dân
Việt Nam với hơn 90 triệu dân, có đến 50,3% người dưới tuổi 30, đây là đội ngũ vô cùng quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm” cho đường lối ngoại giao nhân dân; trong đó, giáo dục- đào tạo chính là “kênh” hữu hiệu thiết lập nên những mối giao lưu chặt chẽ, bền lâu, tạo nên sự hiểu biết sâu sắc về đất nước, con người và văn hóa dân tộc, cũng là góp phần trao đổi, phát triển nguồn nhân lực quan trọng cho mỗi quốc gia.
Với đặc thù các yếu tố địa lý, kinh tế- xã hội của một tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong điều kiện tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhiều năm qua Vĩnh Long đã lặng lẽ góp phần tích cực vào việc thu hút, đào tạo du học sinh trong khối cộng đồng Asean và đưa nhiều du học sinh đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Đóng góp nhất định vào công tác ngoại giao văn hóa của đất nước.
Kỳ 1: Thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào
Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị từ những thời kỳ gian khó nhất, đó là mối quan hệ “không thể tách rời” của yếu tố địa lý, vừa mang tính quá trình của lịch sử dài lâu trong chiến tranh cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tỉnh Vĩnh Long đã kết nghĩa với tỉnh Xiêng Khoảng- Lào, qua đó hai bên đã có nhiều chương trình hợp tác, giúp đỡ Xiêng Khoảng trên nhiều lĩnh vực, đặt biệt là đào tạo bậc đại học.
Ông Somsay SANAM-OUNE- Tổng lãnh sự Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chụp ảnh lưu niệm với SV Lào trong chuyến thăm Vĩnh Long vào tháng 4/2017. |
Đào tạo nhân lực
Trường ĐH Cửu Long là nơi có nhiều SV Lào theo học nhất trong tỉnh với 42 em. TS. Nguyễn Thanh Dũng- Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Có 6 sinh viên được chúng tôi hỗ trợ học bổng toàn phần. Ngoài ra, đối với các em học Tiếng Việt tại trường, chúng tôi cũng hỗ trợ bớt chi phí học tập”.
TS. Nguyễn Hoa Bằng- Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn cho biết thêm: “Trường ĐH Cửu Long đã được công nhận đủ điều kiện dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và có nhiều sinh viên Lào đang được chúng tôi giảng dạy. Các em thuận lợi hơn nhiều so với việc phải lên TP Hồ Chí Minh học như trước đây”.
Ký túc xá SV Lào ở Trường ĐH Cửu Long nằm giữa những hàng cây xanh mát. Các bạn vừa mới được căn tin trường làm một buổi tiệc chiêu đãi miễn phí.
SV Souksavanh Keokhampet, có tên thân mật là Tươi cũng là Trưởng phòng ký túc xá nữ. Tươi có nụ cười tỏa nắng như cái tên của mình và rất rành tiếng Việt.
“Lúc mới qua Việt Nam học tiếng Việt, Tươi thường hay điện thoại về nhà và khóc vì nhớ nhà! Giờ thì quen rồi và học khá nữa nhen”- Tươi khoe. Còn đối với Soukyannee Sengsai thì: “Học ở đây vui lắm, có đủ các phong trào hết”.
Nói về lý do tại sao chọn Việt Nam thì Xaisavanh Tansavath- SV ngành kế toán, ĐH Cửu Long cười hì hì: “ Đi du học nước ngoài là nhất rồi!
Ở bên nước em mà học ở Việt Nam về dễ xin việc làm hơn”. Souksavanh Keokhampet- Tươi thì đang cố gắng học xong cho sớm chương trình để còn liên thông lên cao học, Tươi nói: “Bố mẹ em thấy con học biết nhiều thứ nên cũng ủng hộ em học lên tiếp nữa!”
Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long có 7 SV Lào đang theo học, trong đó 3 SV đã tốt nghiệp về nước và có việc làm ổn định. Các SV này đều ở tỉnh Xiêng Khoảng và du học với hình thức được nhận học bổng toàn phần.
Các em được ở ký túc xá miễn phí, miễn học phí và được cấp tiền sinh hoạt phí đều đặn mỗi quí hơn 6 triệu đồng.
Là bạn nữ duy nhất trong nhóm SV Lào ở đây, Nanthavong Somxay cho biết: Những ngày đầu qua Việt Nam, ba mẹ của Nanthavong rất lo lắng và ngày nào cũng điện thoại hỏi thăm “các bạn có tốt với con hông? Thầy cô có tốt không?
Con học có được không? Ăn ở có quen không...”- Nanthavong nói tiếp “Nhưng bây giờ thì một tuần gọi một lần hà, vì ở nhà yên tâm lắm rồi!”
Vun đắp tình hữu nghị keo sơn
SV Lào vui Tết Bunpimay ở Việt Nam (Trong ảnh là nghi thức buộc cổ tay nhằm mang lại may mắn trong năm mới) |
Mỗi chương trình dịp lễ, tết của Trường ĐH Cửu Long hay CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long đều có một tiết mục văn nghệ của các bạn Lào. Với những đôi tay khéo léo, đôi mắt to và nụ cười rất duyên, các tiết mục văn nghệ luôn thu hút người xem.
Với Nock Vilaysak- SV ngành kế toán, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long thì Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình.
“Ban đầu em còn chưa quen do chưa rành tiếng Việt, bây giờ thì khỏe rồi, giao tiếp được nên bạn bè cũng hiểu nhau hơn”. Nói về điểm khác biệt giữa Xiêng Khoảng và Vĩnh Long, các bạn đều cho là khí hậu ở đây ôn hòa dễ chịu hơn.
Từ những ngày đầu “chập chững” như đứa trẻ khi đến Vĩnh Long và chỉ “ê a” mấy câu tiếng Việt, nay, Phetmany Soulideth đã nói tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai.
Hơn thế nữa, bạn còn là thành viên câu lạc bộ của trường. Phetmany khoe: “Em là người thường vừa đàn ghita, vừa hát trong những buổi biểu diễn”.
Điều quan trọng khi học ở Vĩnh Long là có thêm bạn bè Việt Nam, được thầy cô quan tâm chăm sóc. Từ chuyện học hành, ăn ở đến những chuyện vui chơi giải trí hay cá nhân như tình cảm, thầy cô quản lý đều hiểu rõ và sẻ chia. Nock nói: “Thầy cô ở đây quan tâm tụi em lắm, có chuyện buồn cũng kể cho cô nghe được”.
Các bạn không chỉ được học tập mà còn hòa nhập vào nhiều hoạt động văn hóa thể thao của trường. BouaKham Somvanchit- SV ngành tài chính ngân hàng cũng là thành viên đội bóng đá của trường và “từng thắng nhiều giải lớn”.
BouaKham yêu Việt Nam, yêu bạn bè và nhớ cả những món ăn. Mỗi khi về Lào, bạn còn nấu những món Việt Nam cho cả nhà thưởng thức.
Dịp Tết té nước (Bunpimay) của người Lào tháng 4 vừa qua, Trường ĐH Cửu Long đã tổ chức tết cho sinh viên Lào tại trường.
Buổi lễ ấm cúng với đầy đủ nghi thức của Lào: té nước, buột cổ tay với ý nghĩa cầu chúc khỏe mạnh, hạnh phúc.
Tham dự và tiến hành các nghi thức trong buổi lễ, bà Phengsavat Keokhamphet- Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Hua Siêu, Champasak (Lào) cho biết bà rất cảm động khi sang Việt Nam và làm lễ Té nước cho các SV Lào.
Các em học ở đây không những được tạo điều kiện học tập mà còn có đời sống tinh thần phong phú.
Ông Nguyễn Cao Đạt- Hiệu phó Trường ĐH Cửu Long cho rằng: “Do Tết té nước trong những ngày thường ở Việt Nam, thời gian nghỉ ít nên các em sinh viên Lào không về quê. Chúng tôi tổ chức tết này cho các em vơi nỗi nhớ quê hương, đồng thời cũng là dịp giao lưu văn hóa”.
Phát biểu tại chuyến thăm Trường ĐH Cửu Long, Tổng Lãnh sự Lào Som xay Sanam Oune bày tỏ niềm vui về sự quan tâm, chăm lo của Ban giám hiệu Trường ĐH Cửu Long, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các em sinh viên có môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi,…
Ông cũng động viên các SV này cố gắng học tốt, góp phần xây dựng đất nước Lào tươi đẹp, đồng thời bồi đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt- Lào ngày càng gắn bó keo sơn, bền vững.
Hội hữu nghị Việt Nam- Lào tỉnh Vĩnh Long vừa được thành lập ngày 21/4/2017, mục đích tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, hợp tác, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào nói chung, nhân dân tỉnh Vĩnh Long và nhân dân Lào nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước. |
Kỳ cuối: Đẩy mạnh chương trình thực tập sinh Nhật Bản
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin