Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kiên Giang, trong năm 2016, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, cơ sở hạ tầng và nhà cửa của người dân, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kiên Giang, trong năm 2016, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, cơ sở hạ tầng và nhà cửa của người dân, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.
Thiên tai làm hàng ngàn ha lúa bị chết khô và hàng trăm ngôi nhà ở Kiên Giang bị sập, thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng |
Điển hình là trận hạn, mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô năm 2016, đã làm thiệt hại 56.506ha lúa vụ mùa và ĐX; 26,7ha rau màu... với 31.175 hộ nông dân bị ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại là 1.489,5 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 13.772ha do độ mặn tăng quá cao (trên 30g/l).
Nắng hạn và xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng đã làm cho 44.256 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, tập trung ở các xã ven biển và hải đảo thuộc huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Hải. Riêng tại TP Rạch Giá, từ tháng 2 - 6/2016, có 3 đợt mặn xâm nhập sâu khiến nhà máy nước không thể lấy nước ngọt vào hồ, trong đó có đợt kéo dài gần 1 tháng, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Về hạ tầng, nắng hạn kéo dài làm mực nước ở các kênh bị hạ thấp gây sạt lở 977m tuyến đê bao ngoài vùng đệm vườn quốc gia U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng), trong đó bị sạt lở hoàn toàn là 340m; làm sạt lở 46 căn nhà và 11 căn nhà có nguy cơ bị sạt lở, ước giá trị thiệt hại 13,8 tỷ đồng.
Mưa lớn, lốc xoáy trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đã làm sập 338 căn nhà của các hộ dân trên địa bàn tỉnh, tốc mái 4 phòng học; gây thương vong cho 6 người, thiệt hại về vật chất 12,3 tỷ đồng.
Năm 2016, trên vùng biển Kiên Giang xảy ra 10 vụ thiên tai, hậu quả làm 1 người chết, 1 người mất tích, 11 phương tiện bị chìm và hư hỏng.
Để phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, diễn tập để nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là cho ngư dân về phòng, tránh, ứng phó với thiên tai. Các đơn vị như Quốc phòng, Công an, NN-PTNT có kế hoạch về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia công tác sơ tán, di dời dân, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống hạn, mặn, lũ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và quản lý tàu cá, tìm kiếm, cứu nạn chuyên ngành thủy sản...
Theo Đ.T.CHÁNH (Nông Nghiệp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin