Sạt lở ở ĐBSCL: Khai thác cát khiến các con sông bị biến dạng

09:05, 18/05/2017

Từ nhiều năm qua, người dân sinh sống cặp bờ sông Tiền luôn đứng ngồi không yên bởi tình trạng sạt lở cứ tái diễn.

Từ nhiều năm qua, người dân sinh sống cặp bờ sông Tiền luôn đứng ngồi không yên bởi tình trạng sạt lở cứ tái diễn.

Cát vàng trên tuyến sông Tiền, khu vực Tân Châu, An Giang rất được ưa chuộng, được các nước mua với giá cao.
Cát vàng trên tuyến sông Tiền, khu vực Tân Châu, An Giang rất được ưa chuộng, được các nước mua với giá cao.

Tình trạng sạt lở “bủa vây” ĐBSCL mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước đã cho thấy sự bất ổn của tự nhiên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cư dân tại đây.

Cùng với triều cường, nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc khai thác cát tràn lan, sự can thiệp thô bạo của con người đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, đời sống của hàng vạn hộ dân.

Từ nhiều năm qua, người dân sinh sống cặp bờ sông Tiền, đoạn qua xã Long Thuận và Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp luôn đứng ngồi không yên bởi tình trạng sạt lở cứ tái diễn.

Tuy nhiên, điều đau lòng hơn là người dân nơi đây nhiều lúc bất lực khi hàng ngày nhìn thấy những sà lan lớn nối đuôi nhau để lấy nguồn cát khai thác đem đi nơi khác tiêu thụ. Đã nhiều lần, người dân bí mật bắt quả tang các phương tiện khai thác cát vào gần bờ để múc cát để rồi sau đó… đâu lại vào đấy.

Theo phân tích của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sạt lở ở các bờ sông của miền Tây. Và nguyên nhân hàng đầu chính là do việc khai thác cát lòng sông quá mức phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp và xuất khẩu cát. Hoạt động này đã gây nên hậu quả nặng nề là khiến các lòng dẫn của nước bị đào sâu xuống một cách trầm trọng.

Theo ông Tuấn trong 20 năm qua, cát trên Sông Tiền và Sông Hậu đã bị khai thác khủng khiếp. So sánh hình thái dòng sông ở ĐBSCL từ 1998 - 2008, sông Tiền và Sông Hậu đã mất khoảng 200 triệu tấn cát, làm lòng sông của hai con sông này bị hạ thấp trung bình 1,3 m, có những nơi khai thác cát tạo ra những hố rất sâu.

Một nguyên nhân sâu xa nữa đó là do phía thượng nguồn hình thành chuỗi đập thủy điện, đã giữ lại lượng lớn phù sa tại hồ chứa.

Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa nay do ít vật liệu truyền dẫn hơn khiến gia tăng hiện tượng "nước đói phù sa", dòng chảy trở nên mạnh và hung dữ hơn. Vì thế, PGS-TS Lê Anh Tuấn hình dung khi nước "đói" sẽ "ăn" dần đất ở hai bên bờ sông và lòng dẫn.

Phân tích về những tác động mang tính hệ thống của tình trạng sạt lở, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, vụ sạt lở gần đây ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang không phải là một sự kiện đơn lẻ mà là hiện tượng mang tính quy luật. Đây được xem là sự cảnh tỉnh đối với các địa phương vùng ĐBSCL. Bởi sạt lở bờ sông gắn liền với hoạt động khai thác cát trong những năm qua diễn ra nghiêm trọng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích: cát ở ĐBSCL là loại phù sa lắng đọng lâu dài và có 3 vai trò. Thứ nhất là ổn định và bồi đắp bờ sông, bờ biển. Thứ hai, đóng vai trò sinh thái và thứ ba là làm nguồn vật liệu xây dựng, san lấp. Vì thế, cát như là bộ khung định hình cho diện mạo của ĐBSCL. Thiếu cát, sẽ là một thảm họa khó lường. Tuy nhiên, rất tiếc rằng hiện nay chỉ nhìn nhận một vai trò thứ 3 mà thôi.

Ông Thiện nói: “Việc khai thác cát không chỉ ảnh hưởng tại chỗ mà ảnh hưởng xa hàng trăm km trên toàn hệ thống sông. Khi khai thác cát sẽ tạo ra những hố sâu và khi cát bị đẩy về không đi tiếp được. Sau này khi các đập thủy điện Mekong xây dựng xong, dự báo 100% lượng cát sỏi không về ĐBSCL nữa. Khi đó, sạt lở sẽ dữ dội hơn”.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông trên diện rộng ở ĐBSCL hiện nay là do sự mất cân bằng do thiếu phù sa mịn và cát sỏi; đồng thời do các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông MeKong nên lượng phù sa về các năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng.

Với tình hình này chắc chắn cát sẽ không về ĐBSCL trong tương lai, số cát còn lại trên Sông Tiền, Sông Hậu phải được xem là tài nguyên quí, cần phải gìn giữ cẩn thận.

Cùng với đó, cần có quy hoạch tổng thể về khai thác cát cho toàn bộ 2 nhánh sông. Đồng thời cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác cát lậu./.

Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh