Mù đôi mắt nhưng sáng niềm tin

05:05, 04/05/2017

Căn bệnh sốt ban sởi lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi mắt của chị Nguyễn Thị Phóng- Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long, song chị đã vươn lên từ "ánh sáng" niềm tin bằng chính nghị lực của mình.

Căn bệnh sốt ban sởi lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi mắt của chị Nguyễn Thị Phóng- Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long, song chị đã vươn lên từ “ánh sáng” niềm tin bằng chính nghị lực của mình.

Chị Phóng hướng dẫn em Tuyền đàn tranh.
Chị Phóng hướng dẫn em Tuyền đàn tranh.

Tìm đường trong bóng tối

Chị được sinh ra sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nên ba chị đặt tên chị là Phóng. Lớn lên ở vùng quê xã Trà Côn (Trà Ôn), những tưởng cuộc đời của cô gái mù sẽ thầm lặng trôi qua cùng sự bảo bọc của gia đình. Tuy nhiên, sống chung với bóng tối nhưng ở chị luôn sáng bừng hoài bão.

Với khát khao được học chữ, học đàn, được hòa nhập, cùng với nghị lực đã giúp chị Nguyễn Thị Phóng tự tin trong cuộc sống.

Dù không được đến trường nhưng mỗi lần nghe anh chị học bài thì cô bé Phóng đọc thuộc ro ro những bài thơ. Năm 20 tuổi, chị Phóng tâm sự với người chị bà con là giáo viên “em muốn viết được chữ”.

Thương em, chị của Phóng đã miệt mài cắt mấy trăm chữ cái, số đếm từ bao thuốc lá và dạy chị ráp vần thuần thục. Sau đó, chị được học chữ nổi Brailla.

Chị nhớ lại: “Ngày biết viết chữ, tôi mừng, viết đến tận 3, 4 giờ sáng. Với những người mù như chị, học chữ không chỉ để thuận lợi cho công việc của mình mà quan trọng là để tiếp cận với kiến thức, với những cái mới, cái hay mà chỉ có biết chữ mới có thể làm được”.

Không dừng lại ở đó, với chất giọng ngọt ngào trời phú, chị đã sớm tập tành ca tài tử, rồi tham gia CLB Đờn ca tài tử xã Thới Hòa (Trà Ôn). Mân mê cây đàn tranh, chị Phóng kể: “Quà tặng của ba má. Hồi đó, chị học đờn từ bác sui.

Mê đờn quá, ba cho 5 giạ lúa bán được 160.000đ, má đi khắp đất Cần Thơ mua đờn. Đến khi có đờn nhưng giá tới 300.000đ thì má lột đôi bông bán vừa đủ tiền mua đờn cho con.

Cây đờn kỷ niệm này giúp chị thi đậu hệ trung cấp nhạc dân tộc của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh và theo chị những lúc biểu diễn”.

Kể về thời gian một mình ở TP Hồ Chí Minh vừa học vừa làm, chị nói: “Thời gian đó thật khủng khiếp, nhà khó khăn, chị thì tật nguyền nhưng nếu mình không quyết tâm, không tự tin thì mình sẽ sợ suốt đời”.

Chỉ nhờ gia đình trợ cấp đúng một học kỳ, 4 năm học còn lại chị Phóng đều tự lập, ra trường với tờ giấy chứng nhận loại giỏi.

Chị Phóng tâm sự: “Những ngày phải thức trắng đêm, ngồi nghe băng cát sét bài giảng của thầy cô để theo kịp bạn bè, rồi những đêm phải lang thang xin hát ở các phòng trà, những lần bị từ chối không cho biểu diễn đã cho mình học cách chịu đựng và những lần mình được chào đón, được đồng cảm bằng những tràng vỗ tay, những lời ngân nga theo tiếng đàn thì lại cho thêm nghị lực trong cuộc sống”.

“Ánh sáng” của niềm tin

Trong bóng tối, chị Phóng đã tự tìm động lực để vươn lên, hòa nhập với cuộc đời. Năm 2009, sau khi ra trường, những ngày ở lại TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghiệp cầm ca, chị tình cờ được giới thiệu tham gia đội bơi của Đội tuyển thành phố.

Công việc mới khó khăn và vất vả nhưng chị vẫn kiên nhẫn chinh phục. Kết quả sau nhiều năm gắn bó với môn thể thao này, chị giành được 6 huy chương vàng, 4 huy chương bạc trong các giải thi đấu dành cho người khuyết tật thành phố và giải toàn quốc.

Tháng 2/2015, chị Phóng về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long. Giờ đây chị phụ trách công tác tạo việc làm, đưa người khiếm thị đi học nghề đồng thời hỗ trợ CLB âm nhạc người khiếm thị của Hội Người mù.

Hàng ngày, chị tích cực tham gia công tác hội như tìm việc làm, tìm nguồn vận động hỗ trợ người mù nghèo.

Chị Phóng chia sẻ: “Tiếp xúc với các em, mình bắt gặp hình ảnh của mình ngày xưa, mặc cảm không dám gặp ai, không tự tin ra ngoài nên đôi khi việc vận động học nghề còn gặp khó”.

Rồi chị đúc kết: “Người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, hãy tự tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Xã hội luôn tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta hòa nhập với cộng đồng”.

Mặc cho nắng chiều cuối tuần oi bức, căn phòng trọ nhỏ ở đường Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long) của chị Phóng vẫn tấu lên những âm thanh lảnh lót, trong veo của tiếng đàn tranh.

Học trò cũng là người em ở chung phòng trọ- Trần Thị Ngọc Tuyền (27 tuổi, xã Đồng Phú- Long Hồ) nắm được hệ thống ngũ cung hò, xự, sang, xê, cống, khẽ chạm ngón tay nhỏ lướt trên những dây đàn và lắng nghe âm thanh...

May mắn hơn chị Phóng, đôi mắt Tuyền còn thấy được ánh sáng lờ mờ, song suốt ngày quanh quẩn trong nhà nên cô gái tuổi 20 càng thêm mất tự tin vào bản thân.

Rồi chị Phóng tìm tới nhà, động viên ba mẹ Tuyền cho con gái út lên TP Hồ Chí Minh theo đội tuyển bơi lội. Tuyền chia sẻ: “Em và chị Phóng ở chung với nhau từ năm 2013. Những tháng ngày ở thành phố, may mắn có chị Phóng bên cạnh hướng dẫn đường đi nước bước, bởi mỗi khi đi lạc em sợ muốn về nhà ngay.

Nhờ chị động viên, mỗi khi đi sinh hoạt lại dẫn em theo, em gặp gỡ được nhiều người, học hỏi nhiều em mới tự tin hơn. Chỉ về Vĩnh Long làm, em cũng theo.

Chỉ thương em như em gái”. Rồi Tuyền cười hiền: “Chị Phóng ca hay lắm, nghe tiếng đàn tranh em thích lắm. Tấm gương vượt qua bóng tối cùng lời ca, tiếng đàn của chị Phóng đã giúp em thêm nghị lực, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Ngoài việc tham gia công tác hội, bằng lời ca tiếng hát của mình, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Phóng còn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương và đạt được nhiều thành tích cao. Mới đây nhất là huy chương vàng Liên hoan Tiếng hát từ trái tim.

Năm 2016, chị nhận bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về thành tích phụ nữ khuyết tật tiêu biểu; bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long vì thành tích đóng góp cho phong trào công tác hội;…

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh