Trong bài viết mới đây đăng trên trang Inc.com, nhà báo Justin Bariso đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về giám đốc điều hành Satya Nadella của Microsoft.
Trong bài viết mới đây đăng trên trang Inc.com, nhà báo Justin Bariso đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về giám đốc điều hành Satya Nadella của Microsoft.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella. (Nguồn: Getty Images) |
Trong bài viết, Justin Bariso cho biết anh rất hâm mộ giám đốc Satya Nadella của Microsoft. Kể từ khi trở thành giám đốc điều hành cách đây ba năm, ông đã kết hợp sự lãnh đạo hiệu quả và những động thái kinh doanh sáng suốt để mang công ty công nghệ này về lại với thị trường.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Business Insider, Nadella cho biết cuốn sách bán chạy nhất của Carol Dweck, nhà tâm lý học đại học Stanford - Mindset (tạm dịch: Tư duy) - là nguồn cảm hứng cho văn hóa làm việc ông đang nỗ lực xây dựng tại Microsoft.
Satya chia sẻ: "Tôi đọc nó không phải trong bối cảnh văn hóa kinh doanh hay công việc, mà trong bối cảnh giáo dục của con tôi. Tác giả mô tả phép ẩn dụ đơn giản về trẻ con ở trường học.
Một bên là 'biết tất cả' và bên còn lại là 'học tất cả,' và những đứa trẻ 'học tất cả' luôn có thành tích cao hơn những đứa trẻ 'biết tất cả' dù những trẻ này khởi đầu với nhiều khả năng bẩm sinh hơn."
"Trở lại với việc kinh doanh: Nếu điều đó áp dụng cho cả con trai và con gái ở trường học, tôi nghĩ điều đó cũng đúng với những giám đốc điều hành như tôi và các tổ chức như Microsoft."
Chúng ta có thể tóm gọn chiến lược thông minh này trong một câu: "Đừng là người biết tất cả, hãy là người học tất cả."
Vì sao đây lại là một lời khuyên tuyệt vời?
Không thiếu các chuyên gia tự phong ở ngoài kia. Nhưng những danh hiệu tự phong không chỉ vô dụng mà còn nguy hiểm.
Đồng nghiệp của tôi, Mandy Antoniacci từng giải thích lý do vì sao trong một bài viết trước đây: "Đối với tôi, việc bạn tự gọi mình là một "chuyên gia" trong bất kỳ lĩnh vực nào có nghĩa là bạn đã sử dụng hết tiềm năng của mình.
Nó hàm ý rằng bạn đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp và rằng cơn khát kiến thức của bạn trong một lĩnh vực cụ thể đã bị dập tắt."
Nói cách khác, các chuyên gia coi họ là những người "biết tất cả."
Nhưng thay vì nghĩ mình là một chuyên gia, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn nghĩ bản thân là một học sinh?
Lúc này, bạn đã chuyển trọng tâm của mình đi hướng khác. Thay vì giới hạn bản thân hay trở nên quá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về bạn, mối quan tâm chính của bạn lúc này là sự tiến bộ. Sai lầm không còn là "thất bại" - đúng hơn, chúng là những cơ hội học hỏi.
Và điều đó ảnh hưởng đến toàn bộ cách bạn tiếp cận công việc và cuộc sống.
Ví dụ, hãy chú ý cách Nadella đã thực hiện tư duy này tại Microsoft: "Một số người có thể gọi đó là thử nghiệm chóng vánh, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi gọi nó là 'kiểm định giả thuyết.' Thay vì nói 'Tôi có ý này,' bạn nói 'Tôi có một giả thuyết, hãy kiểm chứng nó, xem nó có đúng không, và chúng ta có thể kiểm chứng nhanh đến mức nào. Và nếu nó không đúng, hãy chuyển sang giả thuyết tiếp theo."
"Chẳng có hại gì khi thừa nhận thất bại, nếu giả thuyết không hiệu quả. Với tôi, có thể nghĩ ra những cách làm mới, những cách định nghĩa thất bại và thành công mới, làm thế nào để một người đạt được thành công - là trải qua một chuỗi những thất bại, một loạt những kiểm chứng giả thuyết. Theo một nghĩa nào đó, đó mới là sự theo đuổi thực sự."
Nadella chắc chắn đã thực hiện những gì mình nói. Và khi người lãnh đạo làm gương, điều đó sẽ tạo động lực cho những người khác.
Vì vậy, dù bạn là giám đốc điều hành, nhân viên, cha mẹ, trẻ em, hay là bất cứ ai, hãy thử ngay hôm nay: Kiểm tra giả thuyết. Nếu nó hoạt động, hãy tìm cách để làm nó tốt hơn. Nếu không, hãy chuyển sang ý tưởng tiếp theo.
Nhưng dù thế nào đi nữa, hãy luôn nhớ rằng: "Đừng là người biết tất cả. Hãy là người học tất cả"./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin