Hoạt động của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Tam Bình đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo ở nông thôn tăng thu nhập, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống
Hoạt động của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Tam Bình đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo ở nông thôn tăng thu nhập, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Từ giữa năm 2016 đến nay, giá lục bình bắt đầu tăng, lục bình khô được bán với giá từ 17.000- 22.000 đ/kg. Đây được xem là tín hiệu vui đối với những người trồng lục bình để bán. Tuy nhiên đó cũng chính là nỗi lo của hàng ngàn người lao động tại các làng nghề đan lục bình ở Tam Bình.
Nghề đan lục bình giúp người lao động có thêm thu nhập. |
Niềm vui khi lục bình tăng giá...
Năm 2010, khi thấy những đám lục bình trôi sông, bỏ thì tiếc nên chị Nguyễn Thị Trúc Linh (ngụ ấp Bình Điền, xã Bình Ninh) nghĩ đến việc cặm sào, buộc dây để trồng cặp mé sông trước nhà; đồng thời tìm cắt ở những ao mương trong xóm.
Hễ ai cho thì chị cắt để cung cấp cho lao động tại các làng nghề ở địa phương. Những tháng gần đây, do nhu cầu lớn và lượng cung không đủ nên giá lục bình tăng vọt.
Nếu như trước đây, giá lục bình tươi từ 600- 700 đ/kg thì nay tăng lên 1.000 đ/kg. Tuy nhiên, theo chị Linh thì lục bình phơi khô bán được giá hơn.
Nhu cầu lục bình khô cho ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ngày càng tăng, dây khô lại rất dễ bán.
Cứ 10- 12kg lục bình tươi sau khi phơi sẽ được 1kg lục bình khô với giá từ 17.000- 22.000 đ/kg. Do đó, thu nhập cũng tăng từ 1.500.000đ lên gần 2.500.000 đ/tháng, giúp chị có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt hàng ngày và nuôi 2 con nhỏ.
Chị Linh phấn khởi: “Hồi trước, lục bình khô chỉ có 10.000- 12.000 đ/kg thôi, bây giờ cái gì cũng tăng thành ra giá lục bình tăng giúp cho thu nhập của mình cũng khá hơn hồi đó. Mình dự định mướn đất để trồng thêm”.
... Và những nỗi lo của làng nghề...
Nếu như giá lục bình tăng là niềm phấn khởi của chị Linh và những hộ trồng lục bình để bán thì đấy lại là nỗi lo của các làng nghề và người lao động. Thời gian qua, từ việc tham gia làng nghề, nhiều hộ nghèo có thêm nguồn thu nhập ổn định, thoát được cảnh nghèo khó và vươn lên ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, khi lục bình rục rịch tăng giá thì thu nhập của người lao động tham gia làng nghề giảm dần.
Nguyên nhân là hầu hết người lao động tham gia làng nghề không chủ động được nguồn nguyên liệu, chủ yếu vừa nhận khung cũng như nguyên liệu từ đại lý cung cấp.
Điều đáng nói là giá lục bình nguyên liệu tăng khá mạnh, trong khi giá sản phẩm từ phía công ty giao lại không tăng hoặc tăng rất ít nên người lao động không có lời, dẫn đến một số lao động không mấy mặn nồng với nghề đan lục bình.
Chị Nguyễn Thị Nhính- người có gần 20 năm đan lục bình ở ấp An Hòa A- chia sẻ: “Lúc trước, thu nhập thoải mái hơn bây giờ.
Nếu như hồi xưa một trăm ngàn lời được sáu chục ngàn thì bây giờ chỉ lời được bốn chục ngàn thôi. Trung bình hồi đó được khoảng 1,7- 1,8 triệu đồng thì giờ còn khoảng 1,3- 1,4 triệu đồng thôi”.
Còn chị Lê Thu Tâm (ở ấp An Thạnh) thì cho rằng: “Giá lục bình tăng lên 17.000- 20.000 đ/kg, người đan gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu có dây nhà để đan thì được hưởng trọn, còn đan bằng dây của đại lý đưa xuống thì người lao động chỉ hưởng được phân nửa giá tiền.
Do vậy thu nhập hiện tại chỉ đủ lo cho con đi học hàng ngày, chứ không trang trải được sinh hoạt gia đình như trước kia. Trước tình hình này, nhiều người không đan nữa mà chuyển nghề đi làm cho các công ty”.
Bà Phạm Thị Tơ- Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng bên các sản phẩm làm từ nguyên liệu lục bình. |
Nếu như những năm 2014- 2015 mỗi tháng Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh) nhập 14 tấn dây nguyên liệu thì nay chỉ còn khoảng 4 tấn, do người lao động tại hợp tác xã giảm từ 1.029 người xuống còn 857 người.
Trước thực trạng khó khăn chung do lục bình tăng giá, để duy trì sản xuất, lãnh đạo hợp tác xã quyết định trợ giá cho người lao động khoảng 2.000 đ/kg dây
nguyên liệu.
Bà Phạm Thị Tơ- Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng thông tin: “Nguyên nhân là phía thương lái Trung Quốc qua mua nhiều, rồi nước bị nhiễm mặn nên nguồn nguyên liệu cạn kiệt, giá dây tăng vọt.
Thành thử người lao động làm không có lời nên người ta nghỉ nhiều, đi tìm các công việc khác để có thu nhập thêm. 3 năm về trước, ở đây làm liên miên, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 70%.
Hiện tại hợp tác xã gặp khó khăn về đầu vào và đầu ra cho nên hoạt động của hợp tác xã bị đình trệ, nguồn thu không cao như những năm 2014- 2015”.
Trước tình hình lục bình tăng giá như thời gian qua, lãnh đạo Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ đối với việc quy hoạch vùng nguyên liệu để hợp tác xã và người lao động an tâm duy trì hoạt động đối với các làng nghề, loại hình sản xuất đã từng mang lại nguồn thu nhập ổn định và xóa nghèo cho người dân.
Có thể nói, khó khăn của các làng nghề và người lao động ở xã Bình Ninh cũng là khó khăn chung của các địa phương trên địa bàn huyện hiện nay.
Việc hỗ trợ giá cho người lao động như cách làm của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng chỉ là cách làm trước mắt để duy trì hoạt động của hợp tác xã. Còn về lâu dài thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng.
Toàn huyện Tam Bình hiện có 13 làng nghề, trong đó có 12 làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu lục bình, tập trung ở các xã: Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, Hậu Lộc, Tường Lộc góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. |
Bài, ảnh: THU HÀ- VÕ CHÍNH (Tam Bình)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin