Đưa sách đến thiếu nhi vùng sâu

05:05, 29/05/2017

Thư viện tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa phối hợp với Phòng GD- ĐT huyện Trà Ôn đem sách về vùng sâu.

 

Học sinh hào hứng tham gia trả lời câu hỏi từ sách.
Học sinh hào hứng tham gia trả lời câu hỏi từ sách.

Thư viện tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa phối hợp với Phòng GD- ĐT huyện Trà Ôn đem sách về vùng sâu.

Nhìn những khuôn mặt bé thơ “ngấu nghiến” trên từng trang, từng trang sách, mới thấy việc làm thật sự rất ý nghĩa. Tiếp cận với sách, từ đó dạy cho các em tình yêu và thói quen thích đọc sách- đó là nội dung mà Thư viện tỉnh muốn mang lại qua mỗi chương trình thư viện lưu động đến với thiếu nhi vùng sâu.

Buổi triển lãm, giới thiệu sách và giao lưu với các em học sinh tiểu học ở Thuận Thới đã thật sự trở thành món quà tinh thần cho các em vùng nông thôn đang “khát” sách. Trường Tiểu học Thuận Thới B hôm nay như vui hơn dù sắp vào hè, đầy tiếng nói cười của 150 học sinh.

Các em đang nghe một bạn đọc chuyện “Thỏ và rùa”. Mỗi học sinh đều cầm trên tay một quyển sách và khi cán bộ Thư viện tỉnh đọc tên sách, em nào đang giữ quyển sách ấy sẽ đọc cho các bạn cùng nghe.

Sau mỗi câu chuyện là phần trả lời câu hỏi có quà. Nhiều cánh tay giơ lên “em cô… em cô…” làm rộn cả sân trường. Bên cạnh đó, các em còn được cán bộ thư viện giới thiệu sách, chơi các trò chơi dân gian có quà.

Nguyễn Hải Đăng (lớp 2/2) mừng rỡ cùng xem quyển truyện mới với bạn mình. Đăng nói: “Con thích đọc sách mà không có mua được, cha mẹ thường chỉ mua sách giáo khoa đi học chứ ít mua sách khác cho con”. Em Kiều Tiên (lớp 3/1) ngồi kế bên góp lời: “Sách trong thư viện trường không có nhiều loại và mới như vầy. Con thích lắm”.

Bên quầy triển lãm, 300 bản sách thiếu nhi đầy màu sắc với nhiều chủ đề: tranh ảnh động vật, truyện dân gian, truyện cổ tích, truyện tranh thiếu nhi... Chốc lát, lại có vài em lên đổi cuốn sách mới vì “con đã đọc hết quyển này rồi”.

Lần giở từng trang sách đầy màu sắc, ánh mắt của những đứa trẻ vùng nông thôn như sáng lên niềm vui. Các em chia thành từng nhóm, vừa đọc vừa bình luận sôi nổi về một cuốn sách nào đó. Chương trình thân thiện, thoải mái nên quầy sách lưu động luôn “đắt khách”.

Thiếu nhi là độ tuổi thích hợp để rèn luyện thói quen đọc sách.
Thiếu nhi là độ tuổi thích hợp để rèn luyện thói quen đọc sách.

Em Nguyễn Trung Quân (lớp 5/2) tò mò khám phá quầy sách lưu động như thứ gì đó rất mới mẻ. Quân giở từng quyển sách lên xem rồi cẩn thận để lại chỗ cũ: “Ở nhà em không có được đọc sách, đi học về chỉ chơi với bạn bè trong xóm chứ không có sách đọc”- Quân buồn hiu cho biết.

Một giáo viên trong trường cho biết ở đây thì chỉ có sách giáo khoa, Thư viện trường thì các em chỉ đọc tại chỗ. Muốn mua sách, truyện tranh phải xuống thị trấn Trà Ôn nhưng cũng không có nhiều.

Đọc sách lại không phải là thói quen của nhiều người nông thôn. Chính vì thế, những đứa trẻ quê cũng không có sách và thói quen đọc sách. Một phụ huynh đưa con đến tham gia buổi triển lãm sách, khi được hỏi có từng mua sách cho con đọc không, chị ngập ngừng nói: “Tui chỉ biết có sách giáo khoa thôi”.

Đọc sách không chỉ để giải trí mà còn là cách mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Theo cô Lê Thị Kiều Chinh- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long: “Thói quen đọc sách phải được rèn luyện từ nhỏ và tiểu học là tuổi thích hợp nhất”. Đọc sách là thói quen tốt và cũng giúp phụ huynh dễ quản lý con em hơn về nội dung, thời gian.

Môi trường sống xung quanh có vai trò rất lớn hình thành thói quen và nhân cách của trẻ. Nếu không được khuyến khích đọc sách, không có cơ hội tiếp cận sách thì trẻ sẽ không ý thức được nhu cầu đọc.

Vì vậy, cô Lê Thị Kiều Chinh cho biết tháng 9 tới, chương trình sẽ đến với TX Bình Minh. Những năm sau, thư viện sẽ cố gắng phối hợp để có xe lưu động đưa sách về với thiếu nhi nông thôn nhiều hơn nữa.

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh