Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

08:05, 04/05/2017

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các thành viên trong Tổ Công tác xã hội (CTXH) thuộc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ bệnh nhân nghèo chi phí điều trị, giúp đỡ các cụ già neo đơn, giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông liên lạc với gia đình... 

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các thành viên trong Tổ Công tác xã hội (CTXH) thuộc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ bệnh nhân nghèo chi phí điều trị, giúp đỡ các cụ già neo đơn, giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông liên lạc với gia đình...

Thành lập từ tháng 10/2016, tổ CTXH trở thành điểm tựa giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua bệnh tật.

“Thiên thần nhỏ” bị bỏ rơi

Bé trai thiếu cha vắng mẹ, được các y- bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chăm sóc.
Bé trai thiếu cha vắng mẹ, được các y- bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chăm sóc.

Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh giữa tháng 3/2017 tiếp nhận một bé trai tên Đ.N.T., bị mẹ bỏ lại bệnh viện sau khi sinh 3 ngày vì không có điều kiện nuôi bé. 

Tại Phòng Dưỡng nhi, tiếng khóc oe oe của các bé nằm kế bên thật to, 2 chị điều dưỡng tất tả tới cho các bé bú sữa, dỗ dành… vậy mà bé Tiến vẫn ngủ ngoan, giấc ngủ trẻ sơ sinh trông bình yên làm sao.

Dường như bé chưa cảm nhận được rằng đã bị mẹ từ bỏ vì bé đang được các cô điều dưỡng chăm sóc rất chu đáo.

Điều dưỡng Mai Hồng Hợp cho biết: “Bú tốt, ngủ ngoan, mấy cô cứ xuýt xoa mà hổng dám khen trước mặt bé. Sáng tắm mát, thay tã sạch sẽ, bú cái ót 90ml sữa là ngủ. Nghe tiếng “ảnh” ọ ẹ là chỉ cần thay tã, cho bú, “ảnh” nằm chơi xíu là tự ngủ hà. Cưng lắm”.

Chị Hợp cho biết cách đây vài năm, phòng dưỡng nhi chăm cùng lúc 6 trẻ bị bỏ rơi. Nhiều bé rất dễ thương, cân nặng tốt, sức khỏe bình thường vẫn bị bỏ.

Qua tìm hiểu đa phần mẹ bé có thai không được thừa nhận, gia cảnh khó khăn, chưa đến tuổi thành niên,… thường bỏ con. Dường như trời cũng thương và bản thân các bé cũng biết “tự vươn lên”. Trẻ bị bỏ rơi thường rất ngoan, bú giỏi và ít khóc. 

Dẫn chúng tôi đi thăm một sản phụ có ý định bỏ con lại bệnh viện ở Khoa Sản, bé N.M.H. nằm kế bên mẹ ngủ ngon lành. Bé nằm nghiêng qua tìm hơi ấm của mẹ. Hai mẹ con đắp chung cái mền cũ kỹ.

Người mẹ trẻ vừa trải qua ca phẫu thuật sanh con, mặt còn nhợt nhạt mệt mỏi, lấy tay mình nựng nựng má con trai khi chúng tôi khen: “Con trai nhìn cưng quá em à, ngủ “ghét” chưa!” Anh Nguyễn Văn Đen (thành viên Tổ CTXH) nhỏ nhẹ: “Em ơi, hãy vì tình mẫu tử mà cố gắng vượt qua khó khăn, nuôi con.

Nhiều trường hợp hiếm muộn chạy chữa hết sức, tha thiết có một mụn con mà không được. Hôm qua, mọi người mừng rơn khi em thôi ý định cho con, hôm nay em lại đổi ý.

Em cho địa chỉ nhà ba trên Sài Gòn, anh lên đó nói chuyện với ba em”. Người mẹ trẻ lắc đầu, nước mắt chảy dài: “Không được, không được.

Họ hàng bên nội em sát nhà. Ba em vừa cưới vợ. Không được…” Không để cho sản phụ xúc động vì sợ ảnh hưởng sức khỏe sau sinh, chúng tôi lặng yên.

Em tâm sự: “Ba mẹ em ly hôn. Em làm công nhân ở Quận 7, bị người yêu bỏ khi biết em có thai. Em nói dối ba về Vĩnh Long mần để thuê nhà trọ chờ ngày sinh con.

Em có để dành tiền sanh con. Lúc em bầu 6 tháng, có gọi cho mẹ hay. Mẹ kêu bỏ thai đi nên giờ sanh con em không gọi cho mẹ. Mẹ cũng lấy chồng rồi…”

Anh Đen trăn trở: “Đôi khi mình cũng bất lực, nghẹn thắt khi hết lòng khuyên gia đình giữ con lại nuôi mà không thành. Mọi quyền quyết định là ở người mẹ.

Theo quy trình, sau khi nhận thông tin từ các bác sĩ Khoa Nhi về trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, Tổ CTXH mời gia đình đến để tư vấn, thuyết phục, nhưng gia đình vẫn nhất quyết cho bé. Để tránh trường hợp bé bị bỏ rơi không ai nuôi dưỡng, bé sẽ được chăm sóc tại bệnh viện đến khi cứng cáp thì làm thủ tục chuyển các bé về Trung tâm CTXH”.

Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

Thành viên Tổ CTXH tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân Thạch Thành (xã Trà Côn- Trà Ôn).
Thành viên Tổ CTXH tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân Thạch Thành (xã Trà Côn- Trà Ôn).

Tổ CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long được thành lập từ tháng 10/2016 với 12 thành viên là cán bộ y tế đang công tác ở các khoa, phòng của bệnh viện.

Tổ kịp thời tư vấn, can thiệp giúp đỡ nhiều bệnh nhân giải quyết những khó khăn trước mắt như thường xuyên hỗ trợ chi phí điều trị cho 34 lượt bệnh nhân nghèo; tiếp nhận, xử lý thông tin 1 trường hợp trẻ bị bỏ rơi, 1 trường hợp sản phụ sinh con ngoài giá thú có nhu cầu cho con.

Ngoài ra, Tổ CTXH cũng tham vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về chính sách BHXH, BHYT, trợ cấp xã hội trong khám chữa bệnh.

Cử nhân Trần Đạo Khiêm- Tổ trưởng Tổ CTXH- cho biết, đây là mô hình ra đời từ sự phối hợp của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long và BVĐK tỉnh nhằm giúp các bác sĩ gần gũi hơn với bệnh nhân, tạo sự phối hợp giữa nhân viên Tổ CTXH với các cán bộ y tế, qua đó kịp thời phát hiện những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ.

  Họ chính là cầu nối để có thể tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân, từ đó giúp Tổ CTXH có kế hoạch hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Ngay khi nhận được thông tin về người bệnh, Tổ CTXH sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ chi phí điều trị bằng việc vận động các nguồn lực từ bên ngoài.

Với những bệnh nhân neo đơn không nơi nương tựa, các thành viên trong Tổ CTXH kết nối với địa phương xác minh hoàn cảnh và thực hiện các thủ tục giúp họ được hưởng những chính sách chăm sóc.

Gần đây nhất, Tổ CTXH tiếp xúc và tư vấn để cụ bà Nguyễn Thị Thu (80 tuổi, quê TP Hồ Chí Minh) thuê trọ ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) để bán vé số. Bà Thu điều trị ở bệnh viện nhiều ngày, các thành viên Tổ CTXH không liên hệ được với 4 người con của bà.

Tuy không có người thân, nhưng bà Thu vẫn được các y bác sĩ, thành viên trong Tổ CTXH điều trị bệnh, thăm hỏi, chăm sóc ăn uống đầy đủ.

Đến ngày xuất viện, bà không chịu về nhà bởi “ở bệnh viện được lo ăn uống, được uống thuốc, hổng phải lội bán vé số, bệnh hổng ai lo”.

Tổ đã động viên bà đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương tiến hành xác minh hoàn cảnh và thực hiện các thủ tục để xét duyệt đưa bà vào Trung tâm CTXH.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng cho biết, Tổ CTXH giúp đỡ được nhiều bệnh nhân là đối tượng không có người nuôi dưỡng, trẻ em bị bỏ rơi, qua đó góp phần giảm áp lực cho bệnh viện.

“Là bác sĩ, chúng tôi có nhiệm vụ chữa trị bệnh lý cho bệnh nhân, còn Tổ CTXH góp phần điều trị về mặt tinh thần cho họ.

Bệnh viện rất ủng hộ hoạt động của Tổ CTXH và sẽ tạo điều kiện để các cán bộ y tế của bệnh viện tham gia hoạt động này.

Hy vọng với sự nhiệt tình và tấm lòng của người thầy thuốc, hoạt động của Tổ CTXH sẽ ngày càng phát triển, trở thành “điểm tựa” cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân neo đơn”- TS. BS Thu Hằng chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Long- cho biết, thông qua hoạt động của Tổ CTXH tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm CTXH đã kịp thời tiếp nhận và hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, Trung tâm CTXH sẽ vận động thành lập quỹ cứu trợ đột xuất để hỗ trợ hoạt động của Tổ CTXH với hy vọng sẽ giúp đỡ được nhiều hơn cho những người bệnh.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh