Vị trí đặt pháo có thể kiểm soát 3 con sông và một số khu vực TP.HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ít người biết rằng, xung quanh pháo đài lớn bậc nhất Đông Dương này có không ít điều bí ẩn.
Vị trí đặt pháo có thể kiểm soát 3 con sông và một số khu vực TP.HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ít người biết rằng, xung quanh pháo đài lớn bậc nhất Đông Dương này có không ít điều bí ẩn.
Vị trí pháo đài Rạch Cát. |
Vị trí chiến lược
Đến huyện Cần Đước, tỉnh Long An, PV hết sức ngạc nhiên khi được giới thiệu về pháo đài Rạch Cát. Tuy nhiên, hiện nay, do cây cối mọc um tùm nên rất khó để hình dung ra sức mạnh như những gì diễn ra trong quá khứ. Đứng trên nóc của pháo Rạch Cát (hay còn gọi là đồn Rạch Cốc) có thể quan sát được 3 con sông: Cần Giuộc (Rạch Cát), Vàm Cỏ và Soài Rạp (Nhà Bè).
Nhằm củng cố thế lực, thời điểm đó, thực dân Pháp đã tính đến việc xây pháo đài này nhằm kiểm soát 3 con sông lớn trên. Đây cũng là cửa kiểm soát khu vực rộng lớn, gồm một phần các địa phương TP.HCM, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu và cả Tiền Giang ngày nay, đặc biệt là về đường thủy.
Về mặt quân sự lẫn kinh tế, ngã ba sông (Cần Giuộc, Nhà Bè và Vàm Cỏ) là nơi giao thương hàng hóa từ miền Tây lên khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn và Đông Nam Bộ. Hơn thế nữa, con đường thủy kết nối giao thương giữa Cần Giờ (TP.HCM) và Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) ra Biển Đông cũng nằm trong tầm ngắm của pháo đài. Trước vị trí chiến lược đó, đặt trong bối cảnh tình hình chiến sự lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã quyết chọn xây dựng một pháo đài tầm cỡ khu vực Đông Dương để trấn ải tại đây.
Theo thông tin trong cuốn Lịch sử xã Long Hựu Đông, vào thời điểm tham vọng chiến tranh của thực dân, đế quốc và phát xít đang bùng lên thì thực dân Pháp cũng đã tính đến nhiều phương án nhằm củng cố quyền lực tại Đông Dương. Để ngăn chặn làn sóng các thế lực khác từ Biển Đông tràn vào tranh giành thuộc địa cũng như các lực lượng từ bên ngoài theo đường thủy vào giúp Việt Nam, thực dân Pháp lên phương án chốt chặn, trấn giữ tại cửa ngõ phía Tây Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1902, thực dân Pháp cho quân đến khu vực làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An ngày nay) để khảo sát thực địa nhằm xây pháo đài. Trước đó có thông tin, thực dân Pháp cũng khảo sát một số địa điểm khác nhưng chưa tìm ra vị trí “chiến lược”. Khi thấy địa hình và đặc biệt là vị trí chiến lược của Rạch Cát, thực dân Pháp đã cho triển khai xây dựng ngay năm sau đó.
Sức mạnh của đồn Rạch Cát chính là các khẩu pháo đặt ở hai đầu của cánh cung. Vào thời điểm bấy giờ, thực dân Pháp đã đưa 2 nòng pháo hạng tiên tiến nhất để lắp đặt tại đây. Các nòng pháo này có tầm bắn tới gần 23km, có thể khống chế một vùng rộng lớn như đã đề cập ở trên và thậm chí là tới cả vùng Gò Công (địa phận tỉnh Tiền Giang ngày nay). Loại pháo này xoay vòng tròn nên có thể kiểm soát được mọi hướng. Trên bệ pháo có một ụ nổi (như mai rùa) dùng để ngắm và chỉnh pháo. Chưa dừng lại ở đó, thực dân Pháp còn cho lắp đặt thêm 2 khẩu Canon, loại 240mm (dùng cho tàu chiến) để tăng thêm sức mạnh cho trận địa này.
Thậm chí, tại đồn Rạch Cát, thực dân Pháp còn cho tăng cường thêm 4 khẩu pháo 95mm và 6 khẩu pháo phòng không 75mm. Vào thời điểm bấy giờ, trận địa pháo này được cho là có sức mạnh hủy diệt. Thực tế cho thấy, suốt quá trình tham chiến, những khẩu pháo này vẫn bình yên vô sự, vì chưa ai có thể phá được.
Chính vì thế, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã di dời các khẩu Canon 240mm đi nơi khác, chỉ để lại 2 tháp pháo chính và các loại pháo phụ trấn giữ khu vực này. Thế nhưng, khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, thực dân Pháp quay trở lại đầu tư cho đồn pháo này. Khi đó, họ đã trang bị thêm cho đồn này 2 nòng pháo lộ thiên ở 2 đầu cánh cung, loại 138mm, mỗi khẩu nặng tới 5,5 tấn.
Ngốn 7 tỷ Franc
Theo tìm hiểu, để xây dựng đồn pháo này, thực dân Pháp đã huy động rất nhiều nhân lực, vật lực, trong đó có cả người dân khu vực lân cận. Năm 1903, thực dân Pháp bước vào triển khai đồn pháo Rạch Cát với ý đồ rõ ràng. Họ cho tàu chở nguyên vật liệu từ nơi khác về, kể cả từ Sài Gòn – Chợ Lớn. Riêng các trang thiết bị thì vận chuyển từ Pháp sang.
Tuy nhiên, trong năm 1904, một cơn bão đổ bộ vào khu vực này và quét hết nguyên vật liệu trôi theo dòng sông. Năm đó, họ ngừng triển khai.
Những người cố cựu ở vùng này cho biết, trước đây, xung quanh đồn có hào nước cách ngăn, giống như nhiều lũy, thành khác ở Sài Gòn xưa. “Trong hầm có lối thoát ra các cửa sông và gắn bằng loại kiếng trong suốt để quan sát. Tuy nhiên, do thời gian, kiếng vỡ, nước, bùn tấp vào nên khu vực phía dưới không thể ra vào được”, ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ xã Long Hựu Đông cho biết.
Do đất đai khu vực này yếu nên phải mất gần 7 năm trời, thực dân Pháp mới thi công xong công trình lớn nhất nhì Đông Dương. Vào thời điểm ấy, việc xây dựng pháo đài này đã ngốn hết hơn 7 tỷ Franc, gấp hơn 3 lần so với Nhà hát Lớn Hà Nội, được xây dựng vào cùng thời điểm.
Đến thời điểm này, đồn pháo Rạch Cát đã tồn tại được hơn 100 năm. Nếu có dịp đến đây, khách tham quan sẽ còn thấy được một số vết đạn xung quanh các bức tường nhưng các nòng pháo phụ và loại 138mm thì không hề hấn gì. Riêng nòng pháo chính đã bị tháo, chỉ còn mỗi ụ pháo trơ trọi với 2 cái lỗ.
Vào thời điểm ấy, việc xây dựng pháo đài này đã ngốn hết hơn 7 tỷ Franc, gấp hơn 3 lần so với Nhà hát Lớn Hà Nội, được xây dựng vào cùng thời điểm. |
Trận địa pháo này cũng là bối cảnh của trên 10 bộ phim sau năm 1975, trong đó có phim “Đất Phương Nam” nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện nay, khách du lịch chưa thể vào tham quan, vì đang có một đơn vị của Quân khu 7 đóng tại đây. Vì thế, để vào được phải có sự cho phép của cơ quan chức năng.
Theo THANH TÙNG (Người Đưa Tin)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin