Bà con Khmer Phù Ly làm ăn lớn

02:05, 17/05/2017

"Tích cực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, cũng chính là hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác Hồ rồi"- ông Valey- Bí thư ấp Phù Ly 1 vui vẻ chia sẻ.

Trong những ngày này, ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh) đang gấp rút chuẩn bị cho đại hội điểm, còn ấp Phù Ly 2 thì bà con đang náo nức những dự án “làm ăn lớn”.

“Tích cực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, cũng chính là hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác Hồ rồi”- ông Valey- Bí thư ấp Phù Ly 1 vui vẻ chia sẻ.

Lên liếp trồng cam trên diện tích đất HTX Bình Minh thuê của bà con ở ấp Phù Ly 2.
Lên liếp trồng cam trên diện tích đất HTX Bình Minh thuê của bà con ở ấp Phù Ly 2.

Nắm bắt cơ hội làm ăn

Những ngày này về xã Đông Bình, trên con đường liên ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2 thấy đang diễn ra không khí khẩn trương.

Nhóm người này đắp nền xây dựng nhà kho cho Hợp tác xã Sản xuất- thương mại- dịch vụ Bình Minh (gọi tắt là HTX Bình Minh), nhóm khác đốn cây bàn giao đất sạch cho HTX thuê, nhiều người đang đào mương lên liếp chuẩn bị cho vùng cam chuẩn bị xuống giống vào ngày 29/5 tới đây.

Đây là vùng chuyên canh cam của HTX Bình Minh thuê đất của 19 hộ dân/11,3ha. Ngoài ra, ở liền kề HTX, ông Sơn Mỹ Duyên- Trưởng ấp Phù Ly 2, cùng với ông Hiếu cũng đứng ra thuê của 5 hộ dân tổng cộng 1,55ha để trồng cam, cùng với 9 hộ dân khác đã cải tạo, lên liếp 4ha nữa. Như vậy, riêng ở ấp Phù Ly 2 đang hình thành vùng cam gần 17ha.

Chúng tôi về xã Đông Bình tìm hiểu về việc chuyển đổi lớn này với 3 mối băn khoăn: Việc thuê đất của bà con như thế nào? Sự chuyển đổi ồ ạt có dự liệu trước cho đầu ra của trái cam chưa và nhiều bà con Khmer lâu nay chỉ quen trồng lúa, thì vấn đề kỹ thuật canh tác ra sao? Ngoài ra, còn là vấn đề vốn để “nuôi” cây cam đến ngày cho trái?

Ghé nhà ông Sơn Mỹ Duyên, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy một nông dân Khmer chỉ có 7 công đất nhưng cơ ngơi chẳng khác nào một HTX nông nghiệp với những chiếc máy xới, máy cày lớn nhỏ, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm, nhẩm tính sơ sơ cũng tròm trèm... bạc tỷ.

Còn xung quanh nhà là mấy chuồng bò, chuồng heo, vựa rơm cao ngất. Thấy chúng tôi quan tâm chuyện thuê đất trồng cam của HTX Bình Minh, ông Sơn Mỹ Duyên- được xem là người đầu mối tại địa phương đại diện cho bà con đứng ra làm việc với HTX- lấy ra bản hợp đồng cho thuê đất của anh Sơn Vi Ra- con trai ông và cho biết: HTX thuê đất trong vòng 10 năm với giá là 4 triệu đồng/công/năm.

Tiền thuê đất sẽ được phía HTX trả làm 3 lần trong 10 năm. Sau đó, HTX sẽ trả thêm 4 triệu đồng/công để bà con ban liếp trở lại trồng lúa hoặc trồng cây khác thì tùy.

Giải thích thêm, ông Sơn Mỹ Duyên cho rằng: với giá cho thuê như vậy, nhiều người sẽ có được số vốn lớn trong tay.

Như con trai ông chủ yếu cùng ông đi cày, xới, gặt đập thuê nên đất canh tác cũng không hiệu quả lắm, giờ cho thuê hơn 4 công đất, vừa nhận tiền đợt 1 trên 51 triệu đồng; đợt 2 sẽ nhận tiếp trên 51 triệu đồng và đợt cuối là trên 68,5 triệu đồng, ngoài ra nhận tiền ban liếp là trên 16 triệu đồng nữa.

Đây là số tiền giúp cho nhiều bà con chuyển đổi công việc hoặc bảo đảm cho con cái có thể học hành lâu dài.

Ông Sơn Mỹ Duyên (trái) cùng bà con đốn cây chuẩn bị lên liếp trồng cam.
Ông Sơn Mỹ Duyên (trái) cùng bà con đốn cây chuẩn bị lên liếp trồng cam.

Tích cực phát triển kinh tế nông thôn

Khi chúng tôi đặt vấn đề đầu ra hay về kỹ thuật thì vẫn có nhiều nông dân chưa nắm vững nhưng tự chuyển đổi trồng cam, bởi “có gì HTX hứa hỗ trợ kỹ thuật, còn đầu ra thì... ăn theo HTX thôi”.

Mang nỗi băn khoăn này, chúng tôi ghé nhà ông Valey- Bí thư ấp Phù Ly 1, thấy ông bày trên bàn lũ khũ giấy tờ và hí hoáy ghi chép.

Ông Valey cười lớn giải thích: “À, đang gấp rút chuẩn bị thơ mời cho ngày Đại hội ấp đúng vào ngày sinh của Bác 19/5 tới đây”.

Địa phương tích cực phát động phong trào thi đua chào mừng, trong đó những ngày qua việc “làm ăn lớn” được mọi người rất quan tâm.

Đó là cơ hội chuyển đổi khi HTX Bình Minh sau khi xuống giống cam ở ấp Phù Ly 2, sẽ tiếp tục thuê đất ở Phù Ly 1 với diện tích lên đến 15ha. Chúng tôi đặt vấn đề: “Vậy ông đánh giá việc thuê đất này thế nào?”- Ông Valey trả lời ngay: “Có lợi cho bà con mà, lợi hơn trồng lúa nhiều”.

Ông Valey cho rằng hiện nay rất đông gia đình trẻ đều có việc làm ở các khu công nghiệp trong hoặc ngoài tỉnh. Có việc làm, có xe đưa rước, lại có thể chăn nuôi thêm, nguồn thu nhập tăng đáng kể.

Điển hình như vợ chồng đứa con gái ông Valey là chị Chanh Sol Phắc và anh Thạch So Pha (cùng sinh năm 1981), từ khi làm cho công ty bên Cần Thơ, vợ chồng thu nhập tầm 8-10 triệu đồng/tháng; canh tác 5 công ruộng, trong đó dành 1,5 công trồng cỏ nuôi 5 con bò.

“Sắp tới, nếu HTX triển khai thì tụi nó cũng cho thuê đất có thêm số vốn, chỉ chừa lại đất trồng cỏ nuôi bò tiếp. Vậy là kinh tế vững vàng rồi”- ông Valey cho biết.

Trước hết, mừng cho bà con vùng nông thôn đang có cơ hội tốt chuyển đổi làm ăn góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, mừng cho cách làm ăn lớn của HTX Bình Minh. Nếu tương lai xây dựng được thương hiệu và kết nối với nhà máy đóng hộp trái cây đang xây dựng ở địa phương, sẽ là một trong những mô hình hay về phát triển kinh tế vùng đồng bào Khmer.

 

Theo ông Trần Vĩnh Hạ- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bình Minh (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Minh, nay là TX Bình Minh), trong quá trình thuê đất, HTX không được quyền sử dụng sai mục đích ban đầu, cũng như không được quyền chuyển mục đích sử dụng cho bên thứ ba. Đây được xem là cam kết tạo niềm tin với bà con, đặc biệt việc thuê đất sẽ đem lại cho nhiều bà con cơ hội mới.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh