Là lực lượng sản xuất cơ bản tiên tiến, công nhân lao động (CNLĐ) đã và đang góp sức tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Là lực lượng sản xuất cơ bản tiên tiến, công nhân lao động (CNLĐ) đã và đang góp sức tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Không chỉ lao động chân tay đơn thuần mà CNLĐ còn làm việc ở những ngành nghề đa dạng với trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được nâng lên đáng kể. Họ được xem là “những đứa con” của nền công nghiệp mới.
Hầu hết CNLĐ làm việc rất nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, thu nhập cho mình. |
Khả năng tiếp cận tốt
“So với trước đây, trình độ học vấn CNLĐ đã được nâng cao, lao động phổ thông từng bước được củng cố kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp, được tào tạo chuyên sâu theo nhu cầu xã hội. Hiện, lực lượng “CN áo trắng” (viên chức văn phòng) từng bước phát triển.
Khả năng tiếp cận công nghệ mới của lực lượng “CN áo xanh” (lao động chân tay) nhạy bén hơn”- bà Lâm Thị Ngọc Hà- Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tỷ Xuân nhận định về CNLĐ hiện nay.
Anh Nguyễn Thanh Phong- nhân viên công nghệ thông tin- cho rằng: Khả năng hiểu biết của CNLĐ được nâng cao, đặc biệt là những người trẻ rất siêng năng và chịu khó tìm tòi, học hỏi. Khi được truyền đạt những kiến thức, công nghệ mới, đa phần mọi người nắm tiếp cận được rất nhanh.
Để nâng cao tay nghề cho CNLĐ, công ty thường xuyên tổ chức đào tạo tại chỗ, nhất là đào tạo lực lượng đa năng, có thể am hiểu và đảm nhiệm nhiều phần việc khác nhau.
Nếu như trước đây, lao động chân tay là chủ yếu, nay CNLĐ đã có thể tiếp cận công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là may theo lập trình với các loại máy móc hiện đại giúp tăng năng suất và tiết kiệm nguyên liệu.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ: “Khi mới vô làm, tôi được đào tạo nghề tại chỗ, học hỏi cách may lập trình theo công nghệ mới- công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, tập trung hết sức vào thao tác.
Qua hơn 1 năm, tôi đã thạo việc và tranh thủ học làm việc với các máy khác để có thể làm tốt vai trò một CN đa năng”.
“Khi đã được đào tạo theo yêu cầu và có kinh nghiệm, CNLĐ rất mau thích ứng và dễ dàng tiếp cận với hệ thống xử lý máy tính hiện đại cũng như công nghệ sản xuất mới...”- chị Nguyễn Thị Khánh Ly nói.
Trình độ hiểu biết nâng cao
“Nếu trước đây, CNLĐ đa số chỉ biết đi làm và lãnh lương thì nay họ đã hiểu hơn về Bộ luật Lao động, chính sách BHXH,...
Bản thân tôi, lúc trước khi nghỉ việc thì bỏ luôn BHXH, nhưng giờ tôi đã biết mình được lợi gì từ BHXH đến cả việc về hưu sẽ được tính như thế nào”- chị Trần Ngọc Trang chia sẻ.
“Khi tiếp thu được thông tin, CN sẽ nhận thức được rất nhiều điều mới, hiểu biết hơn về luật và các chế độ chính sách dành cho CNLĐ, nhất là BHXH, thậm chí nhiều người còn nghĩ đến là sẽ làm việc tới tuổi hưu”- anh Mai Quốc Thọ- CN Công ty TNHH 1TV NeObags nói.
Anh Võ Văn Thi- CN Công ty TNHH Bohsing cho biết: “Khi mới đi làm, tôi chỉ biết làm tháng nào lãnh tiền tháng đó chứ chưa nghĩ nhiều, nhưng giờ tôi rất quan tâm đến BHXH, mỗi lần đổi việc cũng phải cân nhắc rất nhiều.
Điều quan trọng là các công ty cũng rất muốn “giữ chân” CN đặc biệt là những CN giỏi, lành nghề. Các chế độ chính sách của công ty cũng ngày càng cải thiện”.
Qua 2 năm làm việc tại Công ty TNHH Bohsing, chị Trần Thị Hồng Hạnh được lên làm tổ trưởng CN nhờ may vượt chỉ tiêu. Hệ số lương, thưởng cũng được cải thiện đáng kể. “Đó chính là sự ghi nhận thiết thực của công ty đối với CNLĐ”- chị Hạnh nói.
Theo ông Nguyễn Việt Trung- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân, hiện công ty có hơn 21.000 CNLĐ, đa số đều được huấn luyện, đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm và tay nghề.
Từ kết quả sản xuất kinh doanh đã minh chứng rằng: Nếu chúng ta biết quý trọng và phát huy sức mạnh của CNLĐ và coi trọng CNLĐ thì hiệu quả sẽ tăng gấp bội lần.
Cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng nhiều hơn
Theo ông Nguyễn Thành Nhân- Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh: Đa số doanh nghiệp (DN) tại khu công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ nên tuyển dụng lao động phổ thông là chủ yếu.
Bên cạnh, đa phần CNLĐ xuất thân từ nông thôn, trình độ, tác phong công nghiệp bước đầu chưa đạt, nhưng khi vào làm việc, sẽ được đào tạo nâng cao tay nghề.
CNLĐ cũng cùng tham gia đóng góp trong xây dựng những quy định, quy chế, chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm, thỏa ước lao động tập thể... mà trình độ hiểu biết, về ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của CNLĐ ngày càng được nâng lên.
Theo bà Lâm Thị Ngọc Hà, hiện vẫn còn một số CNLĐ chưa thích nghi với môi trường mới; để đáp ứng yêu cầu trong tiến trình hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước,
CNLĐ cần trang bị cho mình những điều kiện cần thiết về trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp; có khả năng ứng biến tích cực, vượt qua những rào cản, khó khăn trong cuộc sống; trang bị kiến thức về pháp luật; xác định được nhu cầu cần thiết về ngành nghề lao động của xã hội để lực lượng CNLĐ ngày càng đông về số, mạnh về chất.
Với chủ đề Tháng công nhân 2017 là “Công đoàn đồng hành cùng DN và người lao động”, các cấp công đoàn đang tập trung vận động, phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao tay nghề cho CNLĐ để nâng cao năng suất, tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho CNLĐ; đồng thời, tổ chức hoạt động “cảm ơn” CNLĐ, xem họ là thành viên “hữu cơ” để DN phát triển, thể hiện sự ghi nhận đóng góp quan trọng của CNLĐ đối với DN, địa phương, xã hội; từ đó động viên CNLĐ gắn bó lâu dài với DN. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin