Xây dựng đường dây nóng về xâm hại tình dục trẻ em từ cơ sở sẽ giúp gia đình và các em được tư vấn ban đầu một cách hiệu quả.
Xây dựng đường dây nóng về xâm hại tình dục trẻ em từ cơ sở sẽ giúp gia đình và các em được tư vấn ban đầu một cách hiệu quả.
Trẻ bị xâm hại tình dục chưa được nhận trợ giúp pháp lý (Ảnh minh họa) |
Cần sự trợ giúp pháp lý thuận lợi
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo “Tham vấn ý kiến cộng đồng về Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý”, do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Luật và Phát triển nhấn mạnh: Mặc dù thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng, nhưng đối tượng này vẫn chưa được sự trợ giúp pháp lý do luật không “phủ sóng”.
Do đó, các gia đình phải tự vận động, thuê luật sư để đi tìm công lý cho con. Nhiều gia đình nghèo, “lực bất tòng tâm”, thiếu hiểu biết pháp luật, không biết dựa vào ai, không biết nên cầu cứu cơ quan nào, do đó họ đành bất lực và cam chịu với những sự việc đã xảy ra. Vì thế, kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hậu quả thì nạn nhân và gia đình phải âm thầm gánh chịu.
Dẫn lại sự việc ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) và TP Vũng Tàu, GS.TS Lê Hồng Hạnh cho biết, đây là những trường hợp có bố mẹ, gia đình hiểu biết và rất kiên quyết. Mặc dù vậy, đối với vụ việc dâm ô trẻ em ở TP Vũng Tàu, phải đến khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý kiến thì mới được đẩy lên; hoặc vụ ở quận Hoàng Mai, khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xác minh làm rõ thì kẻ phạm tội mới bị bắt để điều tra.
Vậy đối với những trường hợp gia đình thiếu hiểu biết, hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì những vụ việc tương tự ai sẽ đứng ra trợ giúp cho gia đình trẻ bị xâm hại? Điều này đặt ra câu hỏi xã hội nên làm gì?
Theo ông Lê Hồng Hạnh, điều này có liên quan đến khía cạnh “bất lực” và “thiếu hiểu biết pháp luật”. Đối với những trường hợp gia đình bất lực và không hiểu biết pháp luật thì xã hội nên tìm cách giúp đỡ họ. Nhưng rất đáng tiếc, điều này chưa được luật hóa. Bởi trong Luật trợ giúp pháp lý 2006 không đề cập đối tượng trẻ bị xâm hại tình dục được trợ giúp pháp lý, mà chỉ có trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn hoặc trẻ bị bạo lực gia đình. Trong Dự luật mới đang lấy ý kiến trình Quốc hội cũng không bao gồm đối tượng này.
“Đối với những gia đình có con bị xâm hại tình dục, nên có sự hỗ trợ từ phía xã hội, đặc biệt từ các tổ chức, luật sư, luật gia… làm sao để cho họ biết việc dâm ô với trẻ em là hành vi tội phạm đáng lên án và gia đình cần phải đấu tranh, bảo vệ, mang lại công lý cho trẻ bị xâm hại cũng như sự trừng phạt cho kẻ phạm tội.
Theo tôi, Luật trợ giúp pháp lý tới đây, khi đã quy định trẻ em bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý, thì không có lý do gì trẻ em bị bạo lực tình dục lại không được đưa vào. Điều này là rất cần thiết, bởi đây là một trong những phương thức có thể góp phần ngăn chặn tình trạng gia tăng của hiện tượng này” – GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.
GS.TS Lê Hồng Hạnh cho biết thêm, trong trường hợp trẻ em bị xâm hại thuộc những gia đình không nghèo, các em và cha mẹ, người thân vẫn cần nhận được trợ giúp pháp lý. Về triết lý, trợ giúp pháp lý thường hướng tới những người nghèo, vì họ không có tiền thuê luật sư. Nhưng những trường hợp đặc biệt, gia đình rất cần nhận được sự tư vấn, giúp đỡ, tạo điều kiện trợ giúp pháp lý.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế, nhưng do nhận thức chưa được cao, nên họ chưa hiểu được hành vi ấu dâm để lại hậu quả như thế nào, nếu không ngăn chặn thì con cái họ sẽ ra sao trong tương lai; nếu không phản ứng sẽ không tốt cho con cái, nhưng phản ứng như thế nào thì họ không biết cách, cho nên họ cũng cần trợ giúp pháp lý.
Trong khi đó, bác sĩ, luật gia Trịnh Thị Lê Tâm – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS cho rằng, ở nước ta, tỉnh nào cũng có Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước và có chi nhánh ở các quận, huyện.
Do đó, khi có sự việc bạo lực tình dục đối với trẻ em xảy ra ở địa phương, cán bộ tư pháp cấp xã, phường phải nắm được để có tư vấn, trợ giúp pháp lý ban đầu, sau đó chuyển lên trên.
Bà Trịnh Thị Lê Tâm đề xuất xây dựng đường dây nóng về xâm hại tình dục trẻ em do các cán bộ tư pháp địa phương trực tiếp tiếp nhận thông tin. Từ đó, gia đình và các em sẽ nhận được sự hỗ trợ, tư vấn pháp lý ban đầu một cách hiệu quả./.
Theo Lại Thìn/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin