Nhiều nguy cơ để nghiện, ngộ độc rượu

02:03, 22/03/2017

Báo chí gần đây đưa tin nhiều về các trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol- một dạng cồn công nghiệp- ở một số địa phương.

Báo chí gần đây đưa tin nhiều về các trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol- một dạng cồn công nghiệp- ở một số địa phương.

Tình hình phức tạp đến nỗi, lãnh đạo một địa phương lớn ở phía Bắc kiên quyết chống ngộ độc rượu sẽ mạnh như “ra quân” vỉa hè. Ngộ độc rượu, nhất là rượu có cồn công nghiệp hiện có thể nói đang đáng báo động.

Ở đây, người viết ghi nhận tình trạng ngộ độc rượu, loạn thần do nghiện rượu và uống rượu nhiều đã và đang điều trị ở một số cơ sở y tế tại tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng N. đang điều trị loạn thần do rượu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Hoàng N. đang điều trị loạn thần do rượu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long.

Muôn kiểu vào viện điều trị do rượu

Ông Nguyễn Hoàng N. (55 tuổi, ngụ xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long hôm 15/3/2017 và đây là lần thứ 4 ông vào điều trị chứng loạn thần do rượu. Còn đến nhận thuốc về uống thì “đâu cũng hơn 10 lần rồi”- bà Nguyễn Thị Vân (vợ ông N.) cho biết.

Ông N. kể mình khi ở nhà, có việc thì đi phụ hồ, còn ở không thì chiều chiều hay lai rai với mấy ông bạn hay hàng xóm. “Trước, thường tôi uống khoảng nửa lít!”- câu trả lời của ông N. khiến chúng tôi không khỏi giật mình về “tửu lượng” của ông ấy.

Chúng tôi hỏi thêm 2 trường hợp chung phòng và cạnh phòng ông N. cũng đang điều trị loạn thần do rượu, nhưng người nhà và 1 bệnh nhân từ chối trả lời bằng câu nói “thôi hỏi gì chú ơi...!”

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, ông N. nằm trong số 31 trường hợp vào điều trị nội trú ở Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long về chứng loạn thần do rượu.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Anh Đông- Phó trưởng Khoa Điều trị nam thuộc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long- phỏng đoán số người nghiện rượu đến điều trị nội trú tại viện khoảng 20% trên tổng số điều trị về tâm thần kinh.

“Trong hàng chục bệnh nhân điều trị chứng loạn thần do rượu, thì hầu hết là điều trị lần 2, lần 3 trở lên. Họ tỏ ra hợp tác tốt với mình trong các lần điều trị sau, vì có lẽ “biết mình thất hứa về việc bỏ rượu” với người nhà, với bác sĩ. Điều trị lần đầu rất phức tạp, vì đa phần họ chống đối, đòi về vì bỗng dưng bị đình lại, cắt cơn thèm rượu...”- bác sĩ Bùi Anh Đông nói.

Bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- giở sổ thống kê từ đầu tháng 1 năm nay đến hiện tại, khoa đã điều trị 9 trường hợp ngộ độc rượu. Hầu hết họ vào do ngộ độc ethanol.

“Đó là những trường hợp với bệnh sử uống nhiều rượu (có khi vào viện vẫn còn say xỉn), rối loạn tri giác, lơ mơ, vật vã, nồng độ cồn trong máu đo được trên 50 mg/dl”- bác sĩ Bích Thủy thông tin.

Khác với nghiện rượu kiểu “thiếu là không được”, rồi loạn thần do rượu sau khi uống liên tục qua nhiều ngày nhiều tháng, thì biểu hiện ngộ độc rượu theo các bác sĩ là một dạng biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán được.

Trong gần chục ca điều trị ngộ độc rượu trong hơn 2 tháng qua tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có 1 ca nữ 29 tuổi và 1 cụ ông 75 tuổi. Ca nữ ngụ xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè- Tiền Giang) được cho uống khá nhiều rượu, khi vào bệnh viện có biểu hiện hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán theo dõi ngộ độc rượu.

Còn cụ ông ở xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) thì uống rượu mà không ăn gì, dẫn đến hạ đường huyết, vào viện chẩn đoán bị ngộ độc rượu, phải can thiệp để tăng lượng đường trong máu...

Uống hạn chế để tránh nghiện và ngộ độc rượu

Bác sĩ Bùi Anh Đông cũng như các bác sĩ khác ở Khoa Điều trị nam đều khuyên ông N. về nhà cai rượu.

“Chuyến này về phải bỏ (uống rượu) tuyệt đối. Tui thấy rồi, nhấp lại một chút cũng không, nhấp là sẽ uống lại luôn. Còn đám tiệc, giỗ quải gì đó với họ hàng làng xóm cứ để tôi đi”- bà Nguyễn Thị Vân tỏ ra kiên quyết với những “giải pháp” đó để ông chồng bỏ rượu, giữ sức khỏe và không phải đến bệnh viện điều trị nữa.

Theo bác sĩ Bích Thủy, hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu kể trên đều được bệnh viện can thiệp, điều trị ổn định. Và đa phần các ca ngộ độc rượu vào bệnh viện là ngộ độc với ethanol (hầu như không có ca ngộ độc với methanol).

Nói thêm về ngộ độc rượu với cồn công nghiệp mà một số địa phương phía Bắc có người mắc phải, bác sĩ Bích Thủy cho rằng rất nguy hiểm. Phổi, não, gan,... nói chung là suy đa phủ tạng nếu người đó bị ngộ độc rượu với methanol và nhập viện cũng như can thiệp y khoa trễ.

Cũng theo bác sĩ Bích Thủy, người lớn tuổi bị ngộ độc rượu thường phức tạp hơn so với người trẻ. Bởi người có tuổi sẽ có nhiều bệnh nền, rồi cơ địa, tâm lý,... nên việc điều trị cũng như tiên lượng dè dặt hơn.

Từ thực tế ai cũng thấy, bác sĩ Bích Thủy cho rằng: nên hạn chế uống rượu, bia; nên uống phù hợp tình hình sức khỏe của mình; nên ăn đầy đủ khi uống rượu (thức uống này chỉ duy nhất hấp thu qua dạ dày, nên khi để bụng đói uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, ngộ độc rượu).

Tương tự, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người uống rượu, bia, việc lạm dụng đồ uống này còn ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, gánh nặng gia đình, xã hội.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Minh Thận- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long- nêu ý kiến để hạn chế việc uống rượu, nghiện rượu, điều trị loạn thần do rượu, người ta nên uống có chừng mực với sức khỏe của mình trong đám tiệc, lễ nghi và các tình huống.

Bác sĩ Bùi Anh Đông thì yêu cầu:Sau mỗi đợt điều trị, bệnh nhân xuất viện về, người nhà cần theo dõi trông chừng họ để hạn chế việc “nhấm nháp, lai rai” lại. Bởi thường họ hứa quyết liệt là khi xuất viện về sẽ không uống rượu nhưng rồi... Và khi rượu vào là tái phát liền chứng nghiện rượu, và lại vào viện điều trị loạn thần do rượu.

 

“Chuyến này về phải bỏ (uống rượu) tuyệt đối. Tui thấy rồi, nhấp lại một chút cũng không, nhấp là sẽ uống lại luôn. Còn đám tiệc, giỗ quải gì đó với họ hàng làng xóm cứ để tôi đi”- tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Vân tỏ ra kiên quyết với những “giải pháp” đó để ông chồng bỏ rượu, giữ sức khỏe và không phải đến bệnh viện điều trị nữa.

  • ™Bài, ảnh: MINH THÁI
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh