
Tiện lợi, nhanh, giá rẻ… là lựa chọn của nhiều người dân với những thức ăn được bày bán trên vỉa hè, lề đường hàng ngày. Song, vấn đề sạch rất đáng báo động và chính là mối nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Tiện lợi, nhanh, giá rẻ… là lựa chọn của nhiều người dân với những thức ăn được bày bán trên vỉa hè, lề đường hàng ngày. Song, vấn đề sạch rất đáng báo động và chính là mối nguy hại cho sức khỏe người dùng.
![]() |
Nhiều người tiêu dùng dù biết thực phẩm đường phố không an toàn nhưng vẫn thích ăn. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH |
Vì nhanh, rẻ nên... “nhắm mắt ăn đại”
Dạo quanh những tuyến đường có đông dân cư sinh sống vào những buổi sáng hay giờ tan tầm, đâu đâu chúng tôi cũng thấy thức ăn được bày bán tràn lan, mặc cho khói xe, bụi đường.
Khi ngồi thưởng thức ở vỉa hè, các “thượng đế” không chỉ hít bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, mà còn được khuyến mại thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải ngay bên vỉa hè hay từ tay của người bán không được đảm bảo vệ sinh...
Điều đáng ngạc nhiên là bất kỳ người tiêu dùng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng chẳng người nào quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Và, họ vẫn vô tư ngồi ăn một cách ngon lành.
Phần lớn các khách hàng của hàng quán vỉa hè là học sinh, sinh viên, người lao động, người có thu nhập thấp. Và, muốn nhanh và rẻ thì phải liều mà ăn thôi, còn chất lượng thì tùy lòng hảo tâm của người bán.
Em P.Q.A. (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) cho biết: “Em là khách hàng ruột của các quán cơm bình dân, hủ tiếu gõ, bánh mì gần trường, vì vừa rẻ vừa tiện đường đi học, gần chỗ trọ.
Cơm sinh viên bình dân mà ăn bao no, còn việc ăn sạch thì nhìn là biết là thấy hết rồi. Kệ, nhắm mắt ăn đại, chứ con trai lười nấu lắm”.
Còn em H.Q.T. kể: “Có bữa chưa kịp ăn hết tô bún riêu thì trong tô của em xuất hiện vài sợi tóc dài ngoằng, đụng vào cái tô thấy nhơn nhớt, chắc tại rửa chưa kỹ, em cũng thấy hơi ơn ớn. Nhưng giờ không ăn thức ăn vỉa hè mà sinh viên ít tiền lại không có điều kiện nấu ăn như tụi em thì biết ăn ở đâu?”
Người bán hàng rong, thức ăn sẵn trên đường thường sử dụng các phương tiện, dụng cụ tiện lợi để dễ dàng di chuyển, dọn dẹp nhanh chóng (để dễ gom chạy khi bị dẹp đuổi).
Rau giá rửa qua loa. Chỉ với 2 xô nước, người bán hàng có thể rửa, dọn “sạch sẽ” tô, chén của cả buổi bán. Hay một ca nước đá, vài cái ca mủ nhỏ phục vụ cho hàng chục khách hàng. Các bệnh viêm gan, lao phổi,... lây qua đường hô hấp, tiêu hóa được dịp tung hoành.
Chị L.N.T. (Phường 2- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Hẻm gần nhà tôi buổi sáng, chiều đều có bán cháo lòng, hủ tiếu nhưng lâu lâu tôi mới ăn và đem tô nhà ra mua chứ không ăn tại chỗ, bởi họ chỉ có 2 xô nước rửa. Lúc đắt khách, họ rửa tô cho có lệ. Bàn tay người bán thì vừa rửa tô, vừa lau bàn, rồi bàn tay đó thối tiền, chùi tay vô giẻ lau bàn để bỏ thịt, bỏ rau vô tô cháo người ăn”.
Còn em N.T.V. (Trường THPT Lưu Văn Liệt) cho biết: “Không ít người bán nước hổng có tâm. Họ sử dụng lại ống hút, nước đá của người uống trước đó. Hôm em uống ly sữa đậu nành, mấy khía ly thì đen kịn, cái ống hút thì bị móp ở đầu chứng tỏ người bán rửa ly rất ẩu và dùng ống hút cũ”.
Mối nguy hại từ thức ăn đường phố
Đi dọc các tuyến đường dọc công viên, bờ kè sông Tiền, Quảng trường TP Vĩnh Long, chúng tôi đếm thử có trên 40 xe đẩy bán đồ chiên ăn nhanh, bắp xào, hột gà nướng, nước giải khát. Những xâu cá viên chiên, xúc xích, trứng cút, bò viên bỏ vào chảo dầu đã ngả sang màu nâu.
Song, nhiều người chẳng hề để ý đến chảo dầu đó mà cứ ăn ngon lành. Một học sinh hồn nhiên: “Hầu như ra quảng trường hóng mát là em ăn đồ chiên chấm tương ớt, tương cà, ngon lắm.
Mẹ khuyên đừng ăn vì sợ dầu chiên đi chiên lại, thức ăn hổng đảm bảo vệ sinh. Nghe thì thấy cũng lo lo nhưng món ruột của em rồi, hổng ăn thèm lắm”.
Sự dễ dãi của người tiêu dùng khiến thực phẩm “bẩn” có nhiều đất sống. Họ biết thực phẩm đường phố không an toàn nhưng vẫn ăn bởi sự tiện lợi nhưng cũng chính là mối nguy hại tới sức khỏe người sử dụng.
Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, một số phụ gia trong hộp nhựa, túi ny lông hòa tan vào thực phẩm ở nhiệt độ 70-80 độ C sẽ sản sinh ra chất độc hại, tích tụ lâu dài là mầm bệnh nan y.
Sử dụng thức ăn chứa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm sẽ bị tích tụ độc tố trong các cơ quan như gan, thận, não, cơ quan sinh dục... gây suy gan, suy thận, dễ vô sinh, rối loạn nội tiết... Bên cạnh đó, việc sử dụng dầu mỡ cũ chiên đi chiên lại nhiều lần (kể cả đã lọc lại cho trong) cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư gan, hệ tiêu hóa...
Nguy cơ không an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố được các cơ quan truyền thông, các ngành chức năng khuyến cáo rất nhiều và liên tục nhưng vì lý do khách quan nhiều người vẫn tìm đến thức ăn ven đường như nhu cầu tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng văn minh thì cần phải xem xét điều chỉnh các thói quen có hại. Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng sức khỏe người dùng nếu như không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70- 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến, đặc biệt là bệnh ung thư. |
MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin