Luật sư đề xuất nên "thiến hóa học" kẻ xâm hại tình dục trẻ em

10:03, 15/03/2017

Luật sư cho rằng cần tăng nặng hình phạt với những kẻ bị tòa kết án xâm hại tình dục trẻ em, sử dụng biện pháp "thiến hóa học".

Luật sư cho rằng cần tăng nặng hình phạt với những kẻ bị tòa kết án xâm hại tình dục trẻ em, sử dụng biện pháp “thiến hóa học”.

Chiều 14/3, tại buổi tọa đàm về nạn xâm hại tình dục trẻ em, nhiều chuyên gia xã hội học, tâm lý, luật sư đã đưa ra những giải pháp ngặn chặn loại tội phạm này.

Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm mang tựa đề
Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm mang tựa đề "Im lặng hay lên tiếng?"

Thảo luận tại cuộc tọa đàm, Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.

Luật sư Diệp cho hay, bà đang tham gia vào một chương trình nghiên cứu quốc tế nhằm đóng góp, xây dựng pháp luật tại Việt Nam.

“Bản thân tôi là một người mẹ, mấy ngày nay tôi cũng rất bức xúc về các vụ xâm hại tình dục liên tiếp xảy ra. Tôi rất mong có thể tiếp tục vận động để ra được hình phạt nặng hơn cho những đối tượng bị tòa kết án tội xâm phạm tình dục trẻ em. Bao gồm cả hình phạt thiến hóa học, sử dụng các biện pháp hóa học để kẻ đó không còn khả năng có thể tiếp tục phạm tội nữa”, bà Diệp cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm ở khu vực châu Á, luật sư Diệp cho biết, đã có nhiều nước trong đó có Indonesia và Hàn Quốc áp dụng đạo luật “thiến hóa học” để tiêu diệt dục tính đối với tội phạm ấu dâm.

Bà Diệp dẫn chứng cụ thể các nước ở Châu Âu như: Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan… đều đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý tội phạm ấu dâm. Ngoài ra, tại nước như: Argentina, Australia, Israel, New Zealand... cũng áp dụng hình phạt tương tự như vậy.

Theo các chuyên gia y tế, “thiến hóa học” là một liệu pháp hormone với cách làm phổ biến là tiêm vào người đối tượng phạm tội chất kháng testosterone (androgen hay antiandrogen), khiến nồng độ hormone testosteron trong cơ thể giảm xuống mức trước tuổi dậy thì.

Vì vậy, những nhu cầu hay ảo tưởng về tình dục giảm tới mức thấp nhất, những khoái cảm trong quan hệ tình dục cũng gần như không còn.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.

Thời gian gần đây, truyền thông và xã hội đã có rất nhiều phản ánh về tình trạng xâm hại trẻ em. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ lo âu là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã không bị chặn đứng và có chiều hướng gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng vấn đề quan trọng là phản ứng và hành động của các chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện quyền trực tiếp như khối các cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội, cơ quan hành pháp, truyền thông và gia đình.

Thực tế cho thấy, khi các trường hợp này xảy ra, các phản ứng và hành động của các bên liên quan đã chưa được kịp thời và hiệu quả, dẫn tới thiếu các hoạt động can thiệp phù hợp. Sự chậm trễ này đã tạo nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, gia đình của các cháu cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội./.

Theo Thủy – Yến – Trang/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh