Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (NTT-TMC- BNN) tỉnh Vĩnh Long đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con nghèo từ nhiều năm qua. Không chỉ dừng ở ý nghĩa từ thiện, Hội NTT-TMC- BNN còn có sức lan tỏa, khơi dậy trong mọi giới nét đẹp của tâm hồn, về tình yêu thương con người.
Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (NTT-TMC- BNN) tỉnh Vĩnh Long đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con nghèo từ nhiều năm qua. Không chỉ dừng ở ý nghĩa từ thiện, Hội NTT-TMC- BNN còn có sức lan tỏa, khơi dậy trong mọi giới nét đẹp của tâm hồn, về tình yêu thương con người.
Lãnh đạo Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN tỉnh thăm anh Bùi Văn Minh (khuyết tật nặng ở xã Bình Phước- Mang Thít, bìa phải). Từ ngày được hỗ trợ nhà vệ sinh tự hoại, sinh hoạt cá nhân của anh Minh đỡ bất tiện hơn trước. |
Hỗ trợ sinh kế bền vững cho người khuyết tật
“Huyết áp anh 14,9, hơi cao, anh ăn lạt lại, cữ mỡ động vật. Anh cố gắng xoay trở thường, đừng nằm hay ngồi lâu, tỳ đè một chỗ, người nhà chú ý vệ sinh kỹ hơn để tránh loét lở mông sâu nhe!”- bác sĩ Phạm Thành Tuấn- Trưởng Trạm Y tế xã Bình Phước (Mang Thít) nói, sau khi đo huyết áp, theo dõi vết thương bị loét sâu của ông Đặng Hoài Nhân (64 tuổi, ấp Phước Thới A).
Cách đây hơn 7 năm, ông Nhân bị tai nạn, gãy cột sống, liệt 2 chi, liệt trung và đại tiện. Từ một người khỏe mạnh, sau tai nạn ông nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều do người thân trợ giúp.
Do đi lại khó khăn, nhà đơn chiếc, ông không được thăm khám thường nên vết thương càng ngày bị loét sâu, làm mủ.
Ông Nhân tâm sự: “Nhờ y tế địa phương quan tâm, cứ 3 tháng bác sĩ xuống khám, cho toa lấy thuốc mà bệnh tình tui đỡ đau nhức hơn trước. Tui còn được Hội Bảo trợ NTT-TMC- BNN xã cấp cho xe lăn, nên được ngồi hóng gió, hổng còn nằm một chỗ nữa. Tui mừng lắm!”
Theo bà Lê Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ NTT-TMC- BNN tỉnh: Thời gian qua, hội mở rộng hệ thống cơ sở hội các xã- phường- thị trấn trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các hình thức đa dạng trong vận động, ủng hộ, tài trợ đã được phát huy hiệu quả.
Hội đã trở thành cầu nối đưa những tấm lòng thiện nguyện của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến giúp đỡ người khuyết tật (NKT) nghèo và TMC.
Bà tâm đắc: “Một trong những hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực là chương trình phối hợp với Sở Y tế chăm sóc, thăm khám sức khỏe tại nhà cho NKT đặc biệt nặng, để cung cấp thông tin cho các trạm y tế. Từ đó, các trạm y tế đã có chương trình chăm sóc thường xuyên cho những đối tượng này”.
Và ông Nhân là một trong gần 3.900 NKT nặng hiện nay được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt, đầy nhân văn như thế.
Cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh cho NKT là nội dung vận động đã được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm.
Từ chương trình này, đã có gần 1.500 nhà vệ sinh cho NKT được xây dựng với chi phí hơn 4 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho NKT và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh việc dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ phương tiện đi lại cho NKT vận động, các cấp hội còn vận động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ vốn, con giống giúp NKT và gia đình họ có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Cùng với Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN, các địa phương cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực để các gia đình NKT có điều kiện vươn lên.
Dự án hỗ trợ bò giống ở huyện Long Hồ những năm qua đã góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhiều NKT. Với 10 con bò giống ban đầu, đến nay dự án đã được nhân rộng và giúp được 21 hộ gia đình NKT; có 70% số hộ trong dự án thoát được nghèo, có hộ vươn lên khá.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Lâm (ấp Tân An, xã Tân Hạnh) là một trong những gia đình được nhận bò giống từ dự án này.
Anh có một con trai duy nhất bị khuyết tật từ nhỏ. Với con bò giống được hỗ trợ, đàn bò nhà anh dần dần phát triển. Vài năm gần đây, mỗi năm anh đều xuất bán bò giống hay bò thịt, cuộc sống dần ổn định.
Nhịp cầu tin yêu
Trong 5 năm qua, đã có 366 trái tim đau được hồi sinh, nối nhịp đập yêu thương sau những chương trình nhân đạo phẫu thuật tim miễn phí. Khi nhịp đập trái tim được nối lại thì những ước mơ về một tương lai tươi sáng được thắp lên.
Khám sức khỏe tại nhà cho người khuyết tật đặc biệt nặng là một trong những chương trình nhân văn, ý nghĩa của Hội Bảo trợ người khuyết tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. |
Bé Lê Minh Đăng (lớp 2/2, Trường Tiểu học Thanh Bình B, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) có gương mặt sáng, rất đáng yêu.
Nhìn bé Đăng hăng say phát biểu trong lớp học; giờ ra chơi cười giỡn cùng bạn bè, chúng tôi không nghĩ trước đó bé bị bệnh tim bẩm sinh. Vừa chào đời vài ngày, ba mẹ bé Đăng lặng đi khi bác sĩ chẩn đoán con bị chứng thông liên thất, tức tim bị khuyết một lỗ.
Thời điểm đó, ba của bé ngày ngày đi cắt bưởi thuê, còn mẹ thì ở nhà xe lõi lác. Số tiền kiếm được đều gói ghém cho những đợt tái khám, theo dõi định kỳ sức khỏe của Minh Đăng. Tới năm bé Đăng 4 tuổi, Hội Bảo trợ NTT- TMC-BNN vận động giúp bé phẫu thuật tim miễn phí.
Anh Trí Thức- ba bé Đăng- cho biết: “Nhờ được mổ mà con tui khỏe mạnh như vậy nè. Vợ chồng tui mừng và biết ơn dữ lắm! Con khỏe, giờ cố gắng mần lo tương lai con”.
Không chỉ trẻ em bị tim bẩm sinh, mà nhiều trường hợp người lớn cũng được hỗ trợ để được phẫu thuật giành lại sự sống. Hơn ai hết, họ hiểu về giá trị cuộc sống mà Hội Bảo trợ NTT-TMC- BNN đã mang đến hôm nay.
Chị Lê Thị Bé Hai (xã Thuận An- TX Bình Minh), mang trong mình bệnh tim hơn 10 năm nhưng không có tiền chữa trị. Năm 2015, bệnh trở nặng, gia đình chị tìm đến Hội Bảo trợ NTT-TMC- BNN và đã được giúp đỡ kịp thời.
Trái tim vốn yếu ớt, bệnh đau nay được tái sinh, không chỉ đem lại niềm hạnh phúc lớn cho bản thân chị Bé Hai, mà từ nay, các con của chị sẽ được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ.
Ai đã từng nuôi người thân nằm viện trong suốt một thời gian dài mới thấy hết ý nghĩa của các bếp ăn từ thiện của Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN đang phát triển ngày một nhiều ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Bệnh nhân nằm điều trị dài ngày, viện phí và các khoản tiền khác luôn vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Chăm lo cho bữa ăn của người bệnh cũng là một khoản chi phí không nhỏ, nên nhiều người có khi phải nhịn ăn để dành tiền mua thêm chút thức ăn bồi dưỡng cho bệnh nhân.
Chính vì thế, những suất cơm cháo từ thiện những lúc ấy có ý nghĩa vô cùng. Từ năm 2011- 2016, có 9 bếp ăn từ thiện trong tỉnh đã cấp phát cơm, cháo, nước sôi cho trên 1,2 triệu lượt người bệnh và người thân nuôi bệnh để họ không còn phải lo “chuyện đói, chỉ lo trị bệnh”, với giá trị trên 63 tỷ đồng.
Đã từ lâu rồi, bếp ăn từ thiện của tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi mà người bệnh nghèo coi là “bếp nhà” khi nuôi người thân, cứ tới giờ cơm là xách ca tới tổ cơm cháo từ thiện.
Cô Nguyễn Thị Hồng (xã Hòa Thạnh- Tam Bình) cho biết: "Chồng tui bị tai biến nên tháng về ít bữa là vô viện nằm.
Hổng nhờ cơm cháo, nước sôi từ thiện hàng ngày thì người nghèo tụi tui hổng kham nổi đâu. Đồ ăn chay, mặn gì cũng ngon hết. Hôm nay mùng 1 có tàu hủ kho, canh chua chay đều nóng hổi, chuối tráng miệng, ăn ngon lắm".
Nhiệm kỳ 5 năm là quãng thời gian nỗ lực không ngừng của những người tâm huyết vì NTT- TMC- BNN.
5 năm ấy, với số tiền vận động trên 320 tỷ, hơn 2,3 triệu người yếu thế được giúp đỡ, trong đó hàng triệu người được ấm lòng từ bữa ăn từ thiện; chương trình "Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo" đã giúp cho gần 10.000 người thoát khỏi nguy cơ khiếm thị; có những nhịp đập được hồi sinh; hàng ngàn NKT nghèo, cận nghèo được các cấp hội tạo điều kiện, vận động trợ giúp có mức thu nhập cá nhân vượt chuẩn nghèo mới; nhiều trẻ em nghèo mồ côi được sinh hoạt, học tập, vui chơi;...
Niềm hạnh phúc đó lớn lắm, không khác gì một lần tái sinh, kể sao cho hết những yêu thương, ân tình. Và, những thành viên của Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN sẽ tiếp tục là cầu nối những tấm lòng nhân ái, xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời, những gia đình kém may mắn và cứu giúp bao người nghèo thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, trở lại với cuộc sống vui khỏe.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh- Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN tỉnh Thành tựu lớn nhất của hội là đi sâu vào đời sống NKT Qua 5 năm, thành tựu lớn nhất của Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN là đã đi sâu vào đời sống của NKT. Qua khảo sát ý kiến của NKT, có 3 nhóm vấn đề mà họ đánh giá cao hoạt động của hội, thứ nhất là hội đã làm các thủ tục để giúp họ được hưởng chế độ; thứ hai là chăm sóc giúp cho cuộc sống của họ tốt hơn từ chuyện ăn, ở, nhất là việc xây dựng nhà vệ sinh cho NKT… Đây là ý tưởng của Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN tỉnh Vĩnh Long mà cả nước chưa ai làm, qua 2 năm, đã làm được 1.488 cầu vệ sinh cho NKT và được báo cáo điển hình ở Trung ương hội. Thứ ba là khám bệnh tại nhà đối với những trường hợp NKT nặng- đây cũng là ý tưởng của Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN tỉnh Vĩnh Long. Ngoài các hoạt động trên, Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN tỉnh Vĩnh Long còn quan tâm công tác giảm nghèo, chẳng hạn như NKT còn đi xe lắc được thì giúp họ đi bán vé số để có thêm thu nhập. Song song đó, hội còn vận động mổ tim bẩm sinh, điều trị bệnh phụ khoa cho phụ nữ… tất cả những hoạt động đó đều gắn thiết thực với cuộc sống của NKT. Hiện nay, nguồn lực vận động của hội ngày càng tăng, đây là điều kiện để hội tiếp tục thực hiện các chương trình của mình ngày càng hiệu quả hơn. Thời gian tới, chúng tôi quan tâm thực hiện để NKT có cuộc sống tốt hơn, mục tiêu đưa ra là giúp họ có cuộc sống tương đương với người có thu nhập trung bình. Đặc biệt, đối với các xã nông thôn mới thì người khuyết tật phải có nhà ở đàng hoàng, nhà phải có 3 công trình vệ sinh (nước sạch, hố tiêu, nhà tắm).
Bà Đỗ Thị Ngon- Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN TX Bình Minh Người làm công tác hội phải có sự đồng cảm sâu sắc với đối tượng, nhiệt tình với công việc Tham gia công tác hội từ năm 2005 bắt đầu từ con số không (không biết làm, không biết vận động ở đâu), đến nay Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN TX Bình Minh trở thành đơn vị mạnh trong việc vận động các nguồn lực chăm lo cho NKT. Tính từ năm 2005 đến nay, tổng giá trị phúc lợi do hội vận động trên 55 tỷ đồng (riêng năm 2016 được 7,4 tỷ đồng), qua đó giúp cho nhiều NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Để làm tốt điều này, người làm công tác hội phải có sự đồng cảm sâu sắc với NKT, nhiệt tình với công việc. Ngoài ra, để vận động được nhiều nguồn lực cần kết hợp nhiều phương thức, từ việc tổ chức thông tin tuyên truyền trên báo, đài; cần kết hợp tốt với các ban ngành đoàn thể, vận động nhiều nguồn, nhiều nhà hảo tâm… Một vấn đề rất quan trọng là phải làm tốt công tác công khai minh bạch, chỉ đúng người, đúng bệnh mới tạo được lòng tin của nhà hảo tâm.
Ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT- TMC- BNN huyện Trà Ôn Kiện toàn tổ chức hội đi đôi với đổi mới phương thức hoạt động Muốn làm tốt công tác bảo trợ NTT- TMC-BNN đi vào chiều sâu, có tính toàn diện hiệu quả lâu dài thì phải quan tâm hướng về cơ sở hội vì nơi đó là nơi quản lý các đối tượng, không ai hiểu đối tượng bằng cơ sở hội và nơi đó cũng là nơi các nhà hảo tâm sinh hoạt. Đối với Huyện hội, phải quan tâm thường xuyên bám sát cơ sở hội để động viên, tháo gỡ khó khăn cơ sở hội hoạt động. Đối với cơ sở hội, phải bám sát nắm rõ đối tượng để có kế hoạch cụ thể vận động trợ giúp đối tượng. Đa dạng hóa các hình thức vận động như gặp trực tiếp, thư ngõ, tổ chức văn nghệ, thùng từ thiện, mạng xã hội… Điều quan trọng là hội phải có dự án, kế hoạch và con người cần trợ giúp cụ thể để vận động nhà hảo tâm. Từ cơ sở mạnh đã góp phần rất lớn cho công tác bảo trợ đối tượng với tổng giá trị phúc lợi nhiệm kỳ qua trên 32,2 tỷ đồng, giúp đỡ cho trên 32.000 đối tượng. THÚY QUYÊN (ghi) |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin