Trải qua bao sóng gió gian nan, cùng những mất mát không gì đong đếm được, nhưng nữ thương binh cũng là vợ liệt sĩ- bà Từ Thị Hai (thương binh 4/4, 69 tuổi, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) vẫn cố gắng vươn lên bằng mọi cách để nuôi đàn con thơ khôn lớn.
Trải qua bao sóng gió gian nan, cùng những mất mát không gì đong đếm được, nhưng nữ thương binh cũng là vợ liệt sĩ- bà Từ Thị Hai (thương binh 4/4, 69 tuổi, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) vẫn cố gắng vươn lên bằng mọi cách để nuôi đàn con thơ khôn lớn.
Đất nước thanh bình, những vết thương như đã lặn vào trong, làm thành những mảnh ghép của ký ức, lung linh vẻ đẹp chịu thương, chịu khó; yêu chồng, thương con của bà Hai, của người phụ nữ Việt Nam.
Từ ngày chồng- liệt sĩ Huỳnh Bửu Sinh- hy sinh trong lần bị giặc càn ở xã đến nay đã hơn 45 năm, ngày ngày bà Từ Thị Hai chỉ biết ngó lên bàn thờ nhìn di ảnh chồng trong quẩn quanh khói nhang cho đỡ nhớ. Điều đó đủ nói lên lòng thủy chung của người vợ gần nửa thế kỷ đã một thân, một mình gánh gồng nuôi con.
Quê bà Hai ở Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn). Năm 18 tuổi, bà kết hôn với chiến sĩ du kích Huỳnh Bửu Sinh.
Bà nói vui: “Lúc cưới, ảnh 26 tuổi, cũng do bị thương không tập kết ra Bắc được nên mới có vợ đó”. Bên tách trà nóng, những hạnh phúc thoáng qua rồi mãi mãi còn đọng lại trong hồi ức đẹp và buồn biết mấy ấy…
Chồng bà đã lưu lại thời khắc còn son trẻ qua tấm di ảnh này. Còn bà thủy chung vò võ nuôi con. |
Năm 1968, trong lần đi mua vật tư về làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng, chẳng may bà bị thương ở vai và ngực. Lúc đó, bà đang mang thai đứa con trai 7 tháng.
Do vết thương quá nặng, bệnh viện phải mổ bắt con cứu mẹ. Vừa bị thương vừa phải mất đứa con nhưng bà vẫn nén nỗi đau, động viên chồng góp công, góp sức phục vụ cách mạng.
Đến năm 1971, lại thêm lần nữa bà đối diện với mất mát hy sinh. Khi chồng dẫn đường cho đoàn cán bộ tìm hầm trú ẩn, ông đã bị địch bắn hy sinh ngay trên xã nhà.
Nghe tin bà muốn té xỉu, lúc đó đứa con trai út vừa qua đầy tháng được 4 ngày. Bà cắn răng, nuốt nước mắt vào lòng để nuôi con và tiếp tục nuôi chứa cán bộ cách mạng, chiến đấu trả thù giặc Mỹ đang sát hại bao người thân, đốt phá làng xóm quê hương mình.
Bà nhớ lại: “Thời chiến ô- buýt bắn dữ lắm, sống nay chết mai. Lúc vợ chồng bên nhau, luôn động viên nhau cố gắng đánh giặc để nước hòa bình, cố mần chăm lo sắp nhỏ.
Thương ảnh lắm, bị thương nặng, hay ho nhưng vẫn sẵn lòng nhường hầm cho cán bộ trốn bởi sợ mình ho thì địch phát hiện, rồi 2 đồng chí sẽ gặp nguy hiểm. Chồng hy sinh, một mình tui ngày đi cấy mướn, đêm nhổ mạ để kiếm gạo lo cho con, cho cách mạng”.
Nỗi đau chưa dứt thì chẳng bao lâu, căn chòi nhỏ nơi trú ngụ của bà và 4 đứa con thơ cũng bị địch bỏ bom sập nát. Đứa con gái thứ 3 bị tức hơi chết.
Rồi, con trai út của bà cũng mất khi vừa “qua thôi nôi vì bị phát ban”. Lần nữa gạt nước mắt, nén nỗi đau, bà đưa các con về quê ngoại để làm ăn sinh sống.
Cuộc sống khó khăn, bà lam lũ “bắt này bắt kia” (mần ruộng, chèo đò, nuôi heo, mần mướn) để lo cho con. Dù vất vả, song bà vẫn nuôi chứa cách mạng, chăm sóc bộ đội từng bữa ăn, viên thuốc bởi: “Chồng làm cách mạng, mình biết phải lo cho bộ đội được no lòng ấm dạ để họ có sức đánh Mỹ, để đất nước độc lập”.
Bà Hai nhắc lại chuyện xưa. |
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, dù mang trong người thương tật, vừa chăm sóc cha chồng, vừa lo cho con ăn học, bà vẫn tích cực tham gia BCH Hội Phụ nữ xã và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bà cười tươi khi nhắc những kỷ niệm ít ỏi về người chồng của mình: “Ảnh hiền lắm, lại thương vợ thương con. Đi đánh giặc thì thôi chứ về nhà là tranh thủ ra ruộng mần phụ vợ, rồi đi giăng lưới, câu cá bữa mấy ký lô để dành rộng cho tụi nhỏ ăn, dư thì mần mắm.
Thấy tình hình êm êm là ảnh ốp miệng chài vô mấy góc dừa, được mấy ký tôm càng kho tàu cho tụi nhỏ. Rồi ảnh nướng cá, 2 đứa nhỏ ngồi trong lòng, 2 đứa ngồi trên bắp vế. Nhìn 5 cha con ăn cá nướng, cười nói rổn rảng hạnh phúc lắm!”
Sau trăm ngàn gian nan khốn khó, vết thương ở ngực vẫn còn hành bà đau mỗi khi trái gió trở trời cùng với huyết áp tuổi già cứ “quậy hoài”, phải đo theo dõi mỗi ngày.
Hiện nay bà sống chung với gia đình con gái thứ 5- chị Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN xã. Nhìn các con có cuộc sống ổn định, các cháu ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. Cả nhà luôn được sống trong không khí ấm cúng, sum vầy, đất nước thanh bình. Với bà, cuộc sống như vậy đã là hạnh phúc lắm!
Bà Từ Thị Hai là 1 trong 3 đại biểu tiêu biểu của tỉnh tham dự hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2016. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin