Trước thực trạng quấy rối tình dục, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, cha mẹ cần làm gì để dạy con nhận diện và phòng tránh nguy cơ này.
Trước thực trạng quấy rối tình dục, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, cha mẹ cần làm gì để dạy con nhận diện và phòng tránh nguy cơ này.
Ảnh minh họa: KT |
Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Điều đáng nói là 93% nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình.
Có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề xâm hại tình dục theo báo cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi". Cho nên, đây là vấn đề xã hội rất nặng nề, cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm để bảo vệ trẻ em.
Cha mẹ có vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính và giáo dục tình dục cho trẻ
Theo ông Trần Thành Nam - Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên (ĐHQGHN), không phải nhà trường, cũng không phải xã hội mà chính cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cũng như phòng ngừa các vấn đề tình dục cho trẻ. Không nhất thiết cha mẹ phải là chuyên gia am hiểu về vấn đề này mới giáo dục được con. Chính thái độ của cha mẹ với vấn đề giới tính, tình dục mới là điều quan trọng để giúp trẻ định hướng đúng đắn.
Tuy nhiên, để có thể dạy con một cách hiệu quả, đầu tiên cha mẹ cần đấu tranh với những niềm tin sai lầm như: Con tôi sẽ mất đi sự ngây thơ nếu tôi dạy chúng về vấn đề giới tính, tình dục. Dạy con về các nguy cơ bị xâm hại sẽ làm cho con chấn thương tâm lý. Tôi chẳng để con tôi một mình với người khác bao giờ nên chẳng việc gì phải dạy con về các nguy cơ bị quấy rối hay xâm hại. Hay con tôi chẳng cần học về động chạm an toàn hay không an toàn vì chúng luôn kể với tôi mọi thứ…
Thứ hai, cha mẹ cần học cách bao dung những vấn đề giới tính bình thường của con. Ví dụ, ở một độ tuổi nhất định, hành vi con sờ vào bộ phận sinh dục là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ chỉ cần nhắc nhở con không được làm như vậy ở nơi công cộng. Những đứa trẻ dưới 7 tuổi thường xem xét bộ phận sinh dục của nhau và so sánh, bình luận thì đó cũng là việc bình thường so với sự phát triển lứa tuổi. Trẻ nói các từ thể hiện bộ phận sinh dục nam và nữ sau đó bụm miệng cười thì cha mẹ cũng không nên làm trầm trọng hóa mà bao dung nhắc nhở không nên nói trước đông người.
Thứ ba, bản thân cha mẹ cũng không được có những hành động vi phạm liên quan đến vấn đề giới tính của con. Chẳng hạn trẻ dây bẩn, ị đùn thì cha mẹ cũng tuyệt đối không được lột quần áo trẻ ở nơi công cộng hoặc ở những hoàn cảnh làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi, mất thể diện.
Cha mẹ cần dạy con những gì để tránh xâm hại tình dục
Theo TS.Trần Thành Nam, cha mẹ cần dạy con những bài học về giới tính phù hợp với lứa tuổi của con. Thông thường, với trẻ nhỏ, cách giáo dục tốt nhất là kể các câu chuyện giới tính và cùng trẻ trao đổi, bình luận, từ đó rút ra những bài học ứng xử phù hợp.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ gọi tên các bộ phận kín và vùng riêng tư, dạy trẻ thế nào là khoảng cách an toàn, cách thức gọi tên cảm xúc, cách thức phản ứng khi nhận ra những cảm xúc tiêu cực (Ví dụ như cự tuyệt – tránh xa – nói ra); Nói ra những dự cảm xấu với những "vệ sĩ" của mình (kể cả vệ sĩ thực và vệ sĩ tưởng tượng, ví dụ như viết nhật ký…).
Tuy vậy, với những em nhỏ, dạy kỹ năng cho con mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là chính cha mẹ cần tỉnh táo để nhận biết kẻ xâm hại; tỉnh táo để nhận diện sớm các dấu hiệu tiềm năng của việc bị xâm hại và tin tưởng bất cứ những sự việc trẻ báo cáo dù có khó tin như thế nào.
Với những trẻ trong giai đoạn tuổi dậy thì, cha mẹ cần dạy cho con các kiến thức mang tính hệ thống và các khái niệm khoa học hơn. Ví dụ như thế nào là quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục sẽ bao gồm 4 yếu tố: Hành động (thể hiện qua hành vi hoặc lời nói hoặc cử chỉ, cái nhìn…); Không trông đợi (con không mong muốn nó xảy ra); Có hàm ý tình dục; Gây ra ảnh hưởng tiêu cực (làm con cảm thấy khó chịu, có dự cảm hoặc cảm xúc tiêu cực một cách mạnh mẽ).
Cha mẹ cùng thảo luận, giúp con nhận diện những hành vi được coi là quấy rối tình dục, nguy cơ dẫn đến xâm hại tình dục
TS.Trần Thành Nam chia sẻ, những hành vi quấy rối tình dục có thể nói là "muôn hình vạn trạng". Đó có thể là động chạm thể chất đến thái độ, cử chỉ, thậm chí là những hành vi trên mạng xã hội như: Đùa giỡn, bình luận về một bộ phận cơ thể hay có những cử chỉ nhạy cảm đối với một ai đó; Thêu dệt một tin đồn (bằng lời nói trực tiếp, tin nhắn hay trên mạng); Viết thông tin liên lạc của người khác ở những nơi công cộng với ý đồ xấu; Cho ai đó thấy những hình ảnh hoặc video không thích hợp; Yêu cầu ai đó gửi hình ảnh khỏa thân; Đăng những bình luận, hình ảnh và video về tình dục trên mạng xã hội hoặc gửi những tin nhắn có nội dung không phù hợp; Đưa ra những bình luận hoặc yêu cầu về tình dục khi giả vờ là một người khác trên mạng Internet; Sờ, nắm hay cấu véo ai đó theo cách sàm sỡ, khiếm nhã một cách có chủ đích; Kéo quần/áo của ai đó và cố tình chạm vào cơ thể họ một cách khiếm nhã; Ép ai đó hẹn hò với mình hết lần này đến lần khác cho dù người đó đã từ chối…
Những cách ứng phó mà con nên hoặc không nên sử dụng
Sau khi giúp con nhận diện những hành vi quấy rối tình dục hoặc nguy cơ xâm hại tình dục, cha mẹ có thể giúp con hiểu rằng ở trong những tình huống như vậy, có những cách ứng phó nào, hệ lụy của nó ra sao và khuyến khích con sử dụng những cách thức phù hợp. Thông thường, cha mẹ nên nói với con những cách thức thường gặp.
- Phớt lờ: coi như không có chuyện gì (để nó tự biến mất). Đây là cách thức được nhiều người sử dụng nhất nhưng thực tế, hành động đó không tự biến mất.
- Chối bỏ: Tự nhủ với bản thân rằng họ chỉ đùa, vô tình, đang tán tỉnh mình; mình nhạy cảm quá… Cũng nhiều bạn trẻ sử dụng cách thức này nhưng cách này chỉ làm họ cảm thấy thoải mái hơn một chút về tinh thần chứ không thay đổi được thực tế.
- Né tránh: xin nghỉ; xin chuyển lớp; hạn chế những tình huống có nguy cơ phải đối diện với kẻ quấy rối. Cách thức này không bền vững và sẽ gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống của các em.
- Tham gia: Thành kẻ hưởng ứng và cũng đi quấy rối người khác. Nhiều bạn đã sử dụng cách này để làm cho mình cảm thấy an toàn hơn nhưng trên thực tế hành vi của các em là sai lầm.
- Đương đầu: Nói với họ rằng điều này không vui tí nào đâu; Hành vi đó không chấp nhận được; Dừng lại nếu không tôi sẽ mách người lớn. Đây là cách ứng phó tích cực đòi hỏi các em cần có sự dũng cảm và luyện tập trước kỹ năng ứng biến.
- Báo cáo: Báo cáo những hành vi này với những người có trách nhiệm. Đây cũng là hình thức ứng phó tích cực; giải quyết vấn đề một cách bền vững và có thể ngăn ngừa sự lặp lại trong tương lai.
Tóm lại, các bậc phụ huynh cần khuyến khích con dũng cảm sử dụng những hình thức ứng phó kiểu đương đầu và báo cáo thay vì các hình thức thường được các em lựa chọn trong các phương thức ứng phó phớt lờ, chối bỏ, né tránh hay tham gia./.
Theo Hồng Minh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin