Nông cụ của một thời khai khẩn đất phương Nam là một phần di sản không thể quên của nền văn hóa lúa nước. Nền văn hóa này đang dần lùi vào quên lãng với một tốc độ rất nhanh, khi mà vài ba thập niên trước nó còn đóng vai trò quan trọng, giờ thì những: bù cào, mỏ sảy, phảng, bừa, lưỡi hái, trâu, bò... đều đã được "gác bếp" từ lâu rồi.
Nông cụ của một thời khai khẩn đất phương Nam là một phần di sản không thể quên của nền văn hóa lúa nước. Nền văn hóa này đang dần lùi vào quên lãng với một tốc độ rất nhanh, khi mà vài ba thập niên trước nó còn đóng vai trò quan trọng, giờ thì những: bù cào, mỏ sảy, phảng, bừa, lưỡi hái, trâu, bò... đều đã được “gác bếp” từ lâu rồi.
Những thành tựu của tiến bộ văn minh sẽ dần thay thế, làm nhạt phai một số giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng gìn giữ và bảo tồn những di sản văn hóa là nhiệm vụ “sống còn”, là mạch nguồn tạo nên sức mạnh cội nguồn của một dân tộc.
Các loại nông cụ do Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long sưu tầm: Những chiếc bừa và trục. |
Con trâu- “nông cụ” sống
Chỉ nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đã thấy có sự phong phú, đa dạng của nông cụ thời khai khẩn phương Nam.
Đương nhiên, nông cụ Vĩnh Long nằm trong hệ thống chung là kho tàng sáng tạo vô giá của cha ông ta trong nền văn hóa lúa nước buổi đầu “va chạm” với vùng đất mới Nam Bộ, tuy nhiên, nông cụ Vĩnh Long vẫn có một số nét riêng do phải thích nghi với địa hình đặc thù riêng của địa bàn này.
Theo những lão nông thì ở Vĩnh Long, có thể chia ra làm 3 loại đất chủ yếu là: đất đồng, đất biền và đất bưng.
Theo Đại Nam Quốc âm tự vị (1895), đất đồng là cuộc đất mênh mông, tương đối bằng phẳng có thể gieo trồng được; đất biền là “đất thấp ở dựa mé mương, mé rạch”; còn đất bưng là “đất thấp nổi nước tự nhiên”, có thể hiểu là đất lung, trầm thủy quanh năm nên phủ đầy các loại cỏ, năn, lát nên vào mùa nước cạn đây chính là những ổ cá tự nhiên.
Vĩnh Long không có nhiều đất bưng, điển hình vài nơi như: Bưng Sẩm ở xã Hòa Bình, bưng ở ấp Mỹ An (xã Tân Mỹ- Trà Ôn), Bưng Sen ở xã Bình Ninh, Bưng Cây Dong ở xã Hòa Hiệp (Tam Bình), đây là những nơi ngày xưa không trồng trọt được gì.
Tùy theo địa hình đất đồng, nông dân xưa thích sử dụng trâu hoặc bò, vì trâu phù hợp nước hơn, còn ở miệt đất cao đầu nguồn thì người ta chuộng nuôi bò hơn.
Đây có thể xem là nông cụ sống gắn bó mật thiết nhất với nông dân ta. Đây cũng là loại “nông cụ” không cần phải đi sưu tầm như các loại khác và ngày nay chúng ta vẫn có thể gặp chúng trên các nẻo đường nông thôn.
Chính vì sự gắn bó thân thiết, lâu đời, nên hình ảnh con trâu được đi vào nhiều kho tàng văn hóa nghệ thuật nước ta; thậm chí một trong những bài học thuộc lòng ngày xưa của lớp 1 luôn có bài lục bát “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”.
Cũng vì thế, người dân Nam Bộ có cả một kho tàng nghệ thuật xem hình tướng con trâu. Nông dân Vĩnh Long chia trâu ra làm 3 chạng, trong đó chạng 3 chỉ to hơn con bò một chút nên thường không được chuộng, mà chỉ sử dụng chạng 1 và chạng 2.
Phảng, nọc cấy lúa. |
Trong dịp đi mua trâu ở miệt Hậu Giang cùng lão nông Sáu Nai, tôi được “vỡ lòng” bài học căn bản xem tướng trâu.
Theo ông Sáu, trâu ở chạng lớn con nhưng tướng tá phải “liền lạc”, có thân hình nở nang cân đối có “vai đôi, đít đôi”, nhưng phải “mình ống” tức bụng thon tròn đều mới lẹ; chớ không nên chọn loại “bụng bồ đài” tức phình to ở giữa và túm lại ở hai đầu, thì trâu rất chậm chạp. Hoặc trâu “cổ lãi” (cổ dài) sẽ rất yếu, không bền.
Để biết trâu khỏe hay ốm yếu, có thể phân biệt cặp sừng, nếu sừng mướt, đen bóng thì đạt, còn loại có sừng khô nổi mốc thì không nên mua.
Hay như cặp tai nằm sát gốc cặp sừng là loại trâu sung mãn. Ngoài ra, người dày kinh nghiệm còn xem đủ ở cả đuôi trâu, xoáy lưng, chân, móng...
Ngay trong Gia Định Thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có nhắc đến con trâu và vùng nê địa Nam Bộ. “Ruộng cỏ: ruộng này năn, lác bùn lầy, lúc nắng khô mới nứt nẻ như mu rùa, có nhiều trũng thấp, hố sâu, phải chờ mưa xuống đủ nước thấm nhuần rồi mới cày bừa, mà trâu cày phải lựa con có sức mạnh, móng chân cao mới kéo cày nổi, nếu không thì sa lầy, không rút chân lên được”.
Đó là những kinh nghiệm truyền đời qua nhiều thế hệ được đúc rút lại thành những bài học tuyệt vời của nông dân Nam Bộ.
Những nông cụ “của ngày xưa”
Chiếc cộ dùng chở lúa bó từ ruộng về sân. |
Còn lại đa phần những nông cụ của một thời mở cõi, ngay những loại chỉ cách đây vài thập niên thôi đã bị xếp vào một góc và dần lãng quên.
Trong số này có thể nói cây phảng gắn bó và theo chân người đi mở cõi dọc theo suốt chiều dài đất nước, vào đến tận vùng đất phương Nam, nơi mà có những vùng đất chỉ cần dùng phảng phát cỏ là gieo trồng và đạt năng suất cao, điển hình nhất là vùng đất Vĩnh Long.
Vấn đề này đã được Lê Quý Đôn ghi chép rất chi tiết trong Phủ biên tạp lục: “Xét bản kê của cai bạ Dinh Long Hồ là Hiền đức hầu Nguyễn Khoa Thuyên... thì các huyện thuộc Tân Bình (Gia Định), Phước Long, Quy An, Quy Hóa có cày để cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 100 hộc thóc; còn Tam Lạch (Mỹ Tho), trại Bá Canh (Cao Lãnh), châu Định Viễn (Vĩnh Long) thì ruộng không phải cày, chỉ phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 300 hộc”.
Cây phảng từ miền Bắc vào Trung Bộ, nhưng khi đến khai phá vùng đất Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long... người Việt đã sáng tạo thêm rất nhiều loại có tên gọi khác nhau: phảng gai, phảng giò nai, phảng cổ cò, phảng cổ lùn, phảng nắp.
Sa quạt lúa, cối xay lúa. |
Đó là tùy theo phảng dùng để phát cỏ vùng đất ngập nước cạn, ngập nước sâu; hoặc phảng dùng để chặt cỏ bờ, phát rạ trên ruộng. Mà trong đó, Vĩnh Long có thể là nơi chứng kiến rõ nét quá trình phát triển của các loại phảng này. Người Khmer ở Vĩnh Long có sử dụng phảng nắp và phảng cổ lùn và họ gọi là “dao”.
Có một điều khá thú vị nữa, Vĩnh Long cũng là nơi tiến hành quá trình cải tạo ruộng trồng lúa từ đất “trầm thủy” ngập sâu sang đất “trâu cày” được, đó có thể gọi là việc làm thủy lợi trên vùng đất mới một cách sáng tạo của người Việt.
Ban đầu Vĩnh Long là đất bùn sâu, nên không cày được mà chỉ phát cỏ rồi gieo cấy. Do đó, người ta bao bờ xung quanh từng khu đất nhỏ, khi thu hoạch lúa mùa xong, gần tết thì nước trong đồng rút ra hết, cứ như thế trong vài năm thì đất dần cứng chân và bớt cỏ.
Từ phát cỏ đến cày bừa, rồi tiến tới cày, bừa, trục, trạc, gieo cấy,... đó là một quá trình sáng tạo thích nghi và cải biến vùng đất mới của nông dân Nam Bộ.
Cũng từ đây, nông dân đã tự tạo thêm hàng chục, hàng trăm loại nông cụ nữa, từ trong quá trình khai phá, cải tạo đất, đến gieo trồng và thu hoạch, lưu trữ nông sản...
Một kho tàng đã từng bị xem thường và đang bị lãng quên rất cần được gìn giữ, bảo tồn bởi đó là những bằng chứng ghi dấu lịch sử khai khẩn miền đất phương Nam này.
Công tác sưu tầm các loại nông cụ của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mới đây là việc làm đáng mừng và bước đầu đã thu hoạch những kết quả khả quan.
Đây cũng là cơ sở tiến tới thành lập Bảo tàng Văn minh lúa nước trong tương lai, cũng là thực hiện mong muốn, tâm huyết lớn lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời.
Những lão nông hiện nay còn nhớ một số loại giống lúa quý ngày xưa như: lúa tàu hương, ba túc, cuốn trầu, gãy xe, lúa đen, hủng hinh, trắng tép, huyết rồng, ba chục; rồi nàng hương, nàng phệt, nàng điều,... Nếp thì có: nếp than, nếp lem, nếp điều, nếp ruồi, nếp mương, nếp giàn bầu, nếp mắc cửi... Đó là thành quả của quá trình lao động sáng tạo, là một phần của di sản nền văn hóa, văn minh lúa nước ở Nam Bộ. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin