
Việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non được đăng tải trên mạng xã hội khiến dư luận hết sức bất bình về hành vi bạo hành, thiếu nhân văn đối với trẻ. Dù bất cứ lý do nào, việc bạo hành trẻ mầm non là không thể tha thứ.
Việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non được đăng tải trên mạng xã hội khiến dư luận hết sức bất bình về hành vi bạo hành, thiếu nhân văn đối với trẻ. Dù bất cứ lý do nào, việc bạo hành trẻ mầm non là không thể tha thứ.
![]() |
Trẻ em sẽ phát triển tốt, biết yêu thương nếu được dạy dỗ trong tình yêu thương. |
Bức xúc nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non
Những vụ bạo hành trẻ mầm non liên tiếp xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có một thực tế cần nhìn nhận là đa số những giáo viên này đều ở các trường ngoài công lập hay nhóm trẻ tư thục và trình độ không đạt yêu cầu.
Vào tháng 3/2016, tại Cơ sở Mầm non Tư thục Ngôi Sao Xanh (huyện Nhà Bè- TP Hồ Chí Minh), dư luận bức xúc khi xem clip ghi từ camera giám sát cảnh một giáo viên đang mang bầu cầm tay xách ngược cháu bé đang nằm ngoài lên, ném xuống nằm giữa các bé khác như ném thú bông, rồi lấy tay hất mạnh các cháu khác ra ngoài để lấy chỗ cho bé này nằm.
Chưa dừng lại ở đó, cô quay ra tủ và ném liên tiếp gối ôm và chiếc cặp vào mặt các bé đang nằm ngủ. Khi đứa bé vui đùa, chiếc cặp rớt ra ngoài nền thì cũng chính giáo viên này nhặt lên rồi thẳng tay ném vào mặt một bé trai lần nữa.
Vụ cô giáo Trường Mầm non Sông Lô (xã An Tường, TP Tuyên Quang) tát chảy máu miệng và đạp gãy xương đùi cháu bé 3 tuổi, vì cháu không chịu ngủ trưa.
Vụ ở Trường Mầm non thị trấn Cầu Kè (Trà Vinh), một cô giáo tát mạnh liên tiếp vào miệng một cháu bé trong giờ ăn, bé khóc kêu đau, van xin nhưng cô giáo vẫn vô cảm tát thêm 3 cái tát nữa vào miệng mới thôi.
Gần đây nhất, vừa nghỉ tết, trên mạng xã hội xuất hiện clip khoảng 2 phút gây bức xúc cho nhiều người xem về cảnh một giáo viên mặc logo của Trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng- Hà Nội) cầm dép đánh vào đầu, tát, chửi mắng trẻ mầm non khiến bé khóc khản cả tiếng.
Một hình ảnh khác trong clip ghi cảnh giáo viên xịt nước lạnh, vệ sinh cho một học sinh với vẻ lạnh lùng, thờ ơ, không quan tâm tới việc có thể làm trẻ bị lạnh.
Ngoài ra, cũng có thêm hình ảnh một em bé đứng khóc lớn, thay vì cưng nựng dỗ dành thì cô giáo lại dùng đầu gối huých vào người, yêu cầu bé nín khóc, sau đó nhéo tai quát lớn “Đi lên ghế ngồi ăn đi, nhanh!”
Những hành động thật là nhẫn tâm và cũng thật xót xa cho những đứa trẻ phải ngày ngày chịu đựng những trận đòn của những người trông trẻ vô nhân tính.
“Nghẹt thở” khi xem clip bạo hành trẻ
Bị tát vào mặt liên tục, bị cào, véo, đá, đạp; bị dán băng keo vào miệng; bị ép trút sữa vào miệng, bị ném xuống sàn như ném thú nhồi bông; những cánh tay bé nhỏ yếu đuối giơ lên đỡ cái “dúi đầu”, chiếc dép của “cô”; những bữa ăn chan đầy nước mắt; những gương mặt đầm đìa nước mắt, nước mũi, đầy sợ hãi;…
Thật sự, những trái tim của bậc làm cha mẹ như muốn “nghẹt thở” khi xem nội dung các clip bạo lực của các “cô nuôi dạy trẻ” ở các trường mầm non.
Vừa chập chững bước đi, rời vòng tay âu yếm ba mẹ đến trường, một số trẻ đã phải chịu những cú sốc đầu đời- nỗi đau đớn, sợ hãi bởi nạn bạo lực học đường, thay vì các em được yêu thương, chăm sóc, vỗ về.
Chị Nguyễn Thị Nhật Linh (Phường 1- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Chị không dám xem những clip đánh trẻ con, nhất là từ khi có con. Cứ tưởng tượng đó là con mình là nghẹn, nghẹt tim, tức run người”.
Không ít giáo viên mầm non nghĩ đơn thuần chuyện đánh, nhéo, trói tay chân, dán băng keo vào miệng trẻ sẽ theo thời gian lành lặn mà không ảnh hưởng gì.
Họ không ý thức được những hành động đó còn là những dạng bạo hành về tâm lý và trẻ sẽ bị ám ảnh suốt đời. Chị Phạm Mai Anh tâm sự: “Tôi cũng là nạn nhân của việc bạo hành ở trường mầm non cách đây hơn 30 năm.
Có lần tôi không chịu ăn, tôi đã bị cô giáo tên Ngọc ẵm tôi lên quạt máy đang quay dọa không ăn thì quạt máy sẽ chém. Lúc đó, tôi hoảng hốt khóc dữ lắm.
Chưa kể tôi thường xuyên bị nạt, bị tát vào mặt do ăn chậm. 30 năm rồi nhưng ký ức đó vẫn còn ám ảnh trong tôi. Đến giờ có con gái gần 2 tuổi, trước những vụ bạo hành liên tiếp như vậy, tôi vẫn đắn đo chưa dám tin tưởng gửi trẻ…”.
Các cô giáo bạo hành trẻ đều bị kỷ luật và xử phạt nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng thiết nghĩ, làm nghề giáo viên mầm non cần phải có cái tâm, phải yêu thương trẻ em.
Không ít cô giáo chọn nghề nhưng không yêu nghề, yêu trẻ; không theo năng lực, sở thích của bản thân nên không chịu đựng được áp lực của nghề, trở nên cay nghiệt, sẵn sàng trút giận lên đầu trẻ nhỏ.
Nếu không yêu mến trẻ thì học sinh phổ thông không nên thi vào ngành này, thậm chí, các sinh viên đang theo học cũng nên chuyển sang học nghề khác sẽ thành công hơn.
Mỗi phụ huynh khi gửi con đến trường đều hy vọng là con mình được chăm sóc tận tâm, được yêu thương, được nâng niu. Song, nếu công tác đào tạo ở các trường và khâu tuyển dụng giáo viên không được quan tâm tốt hơn thì không biết sẽ còn biết bao chuyện buồn đau, phẫn nộ có thể xảy ra với con em chúng ta.
Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng, khi bạo lực xảy ra, trẻ em là đối tượng dễ bị khủng hoảng tâm lý nhất, trẻ sẽ dễ bị trầm cảm. Trẻ em không biết nói dối, nếu được cô giáo yêu thương thì các bé lúc nào cũng vui tươi và không ngừng nhắc tới cô. Song, nếu bị ngược đãi, biểu hiện sợ hãi sẽ thể hiện rõ ngay trên khuôn mặt. Vì vậy, ba mẹ nên sớm nhận biết dấu hiệu con bị khủng hoảng tâm lý như ngủ hay giật mình, tiểu dầm, chậm chạp, đờ đẫn, la khóc, rụt rè, nhút nhát, kém tập trung, sợ người lạ, ăn uống kém, hoảng sợ khi gặp đối tượng gây bạo hành cho trẻ… |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin