Khi cơn gió chướng bắt đầu se lạnh, người người lại nô nức đón chờ xuân đến, mong ngóng khoảnh khắc đoàn tụ cùng gia đình sau tháng ngày xa quê. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để về lại quê nhà trong những ngày tết đến xuân về…
Khi cơn gió chướng bắt đầu se lạnh, người người lại nô nức đón chờ xuân đến, mong ngóng khoảnh khắc đoàn tụ cùng gia đình sau tháng ngày xa quê. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để về lại quê nhà trong những ngày tết đến xuân về…
Trong khi nhiều người tất bật về quê đón tết sum vầy thì vẫn còn những người như anh Thắng, chị Loan,… vì mưu sinh mà phải đón tết xa quê. |
Gạc nổi nhớ….
Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần. Người người, nhà nhà tạm gát lại những bề bộn của một năm để về quê đoàn tụ với gia đình. Song đâu đó vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa thể về quê để cùng gia đình đón xuân, có người vì điều kiện kinh tế khó khăn, cũng có người xem đây là cơ hội để kiếm thêm thu nhập.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng (quê ở Hà Nội) vào Vĩnh Long sinh sống bằng nghề bán hột gà nướng, cá viên chiên đã hơn 7 năm, song anh chỉ về quê được 2 lần. “Có việc cần lắm mới về, ngày thường về đã mất mấy triệu tiền tàu xe. Ngày tết mà về còn tốn kém dữ hơn nữa.
Hai vợ chồng cố gắng làm dành dụm vài năm nữa rồi về luôn”- anh Thắng rầu rầu nói. Còn vợ anh thì rơm rớm nước mắt bảo: “Tết không về cũng buồn. Chỉ thương hai đứa con gái, với mấy đứa cháu ở quê gần tết lại gọi điện hỏi “khi nào mẹ về”.
Rồi anh chị lại kể cho tôi nghe về một miền quê bên triền sông, nơi đó có những người già ngồi mong ngóng con , nơi đó có những đứa trẻ cần vòng tay ba mẹ, ông bà… những chiếc bánh chưng được luộc sôi ùn ục chờ thời khắc giao thừa để dâng lên ông bà tổ tiên.
Buồn đó mà cũng vui đó, anh Thắng lại khoe: “Thấy vậy chứ mấy ngày tết buôn bán lu bu lắm, người ta đi chơi đông bán được nhiều, nên có lời nhiều. Bữa giao thừa là bán nhiều nhất, vừa bán vừa đón giao thừa luôn. Tới mùng 10 mới đi chợ mua ít thịt, con gà về ăn cho nó có tết với mấy em ở xóm trọ”.
Tương tự với tình cảnh vợ chồng anh Thắng, chị Loan (quê Hà Tĩnh) gắn bó với vùng đất Vĩnh Long đã 5 năm rồi. “Ngoài quê cũng còn họ hàng, nhiều lúc nghĩ tết mà không về được cũng buồn lắm. Nhưng phải ở lại, mấy ngày này là phải bán tới 30 tết luôn”- chị Loan thổ lộ.
“Ngày thường thì bán chăn, ga, áo gối, tới tết bán thêm bao lì xì, mấy món đồ trang trí. Toàn ăn cơm bụi. Ngày cuối cùng mới đi mua thịt, chưng ít hoa cho có không khí, ở đâu cũng ăn tết mà, lo buôn bán ăn tết trễ hơn người ta chút”- Bé Hoa con chị Loan bộc bạch.
Không thiếu hương vị quê nhà
Mấy ngày nay, khu tập thể địa chất xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long), bà con nhộn nhịp sắm sửa trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón xuân.
“Năm nào cũng vậy, xóm ăn tết vui vẻ, ở đâu cũng ăn tết thì phân biệt chi. Không có họ hàng ở bên thì ăn tết cùng láng giềng. Ở đây, đa phần là người ở các tỉnh miền ngoài như: Ninh Bình, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng…nên cũng thương nhau lắm.
Cứ khoảng 27, 28 tết là nhà nào cũng xúm lại gói bánh chưng cho có hương vị của quê nhà, rồi nhà này đi chúc tết nhà kia, vui lắm”- cô Nguyễn Thị Tín, quê ở Hải Phòng vào Nam mưu sinh đã hơn 40 năm và chọn đất Vĩnh Long làm quê hương thứ hai của mình vui vẻ nói.
Cô Tín cũng cho biết dù họ hàng, tổ tiên đều còn ở quê nhưng tết cô vẫn ăn tết ở Vĩnh Long vì công việc làm ăn của gia đình với lại các con cô đều đã lập nghiệp và có gia đình trong Nam và “lâu lâu cô và chú lại sắp xếp để về thăm cố hương”.
Ăn tết xa quê, để không thiếu đi hương vị đặc sản quê hương, ngoài bánh chưng nhiều người đã đến siêu thị hoặc đi mua nguyên liệu về nhà làm cho có không khí. Anh Nguyễn Đức Liêm (quê ở Quảng Trị vào Nam sống gần chục năm nay.
Công việc của một kỹ sư xây dựng vốn cũng bộn bề, nhưng từ nửa tháng trước anh đã cùng vợ lên tận TP.HCM để tìm mua những vật dụng trang trí nội thất trang hoàng cho nhà cửa, đặc biệt là quà bánh mang hương vị quê nhà. “Nhớ quê thì rất nhớ nhưng vì mưu sinh không về quê được. Qua tết rỗi rãnh, vợ chồng cùng đứa con mới sắp xếp về quê thăm ông bà ngoài đó”- Đức Liêm chia sẻ.
Những cái tết xa quê sẽ trở nên đầm ấm hơn với hương vị bánh quê nhà. |
Không quá buồn và lo lắng, em Thanh Xuân (sinh viên năm 2, trường ĐH Xây dựng Miền Tây) tâm sự, quê Xuân ở Sóc Trăng, không quá khó để bắt xe về, song em lại rất muốn trãi nghiệm công việc đi làm thêm như nhiều bạn khác.
“Tết thì nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn mọi khi, nên em sẽ đi xin việc làm và ăn tết ở đây- cái tết xa nhà đầu tiên. Mấy ngày trước mẹ gọi bảo sẽ gửi bánh, mứt nhà làm, em rất vui. Như vậy là em vẫn có tết, mà cũng rất ấm lòng”- Xuân thích thú cho hay.
Tết xa quê sẽ trở nên ấm cúng hơn bởi nó được xây dựng từ tình làng nghĩa xóm, hay những món quà mang hương vị quê nhà. Xin chúc cho những “người con đất khách” đã chọn Vĩnh Long làm quê hương thứ 2 của mình sẽ có một mùa xuân vui tươi, ấm cúng trên quê hương Vĩnh Long thanh bình bên dòng Cổ Chiên thơ mộng, hiền hòa.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin