Gia tăng mạnh các vụ ngộ độc và tai nạn giao thông do rượu

08:01, 27/01/2017

Từ dịp nghỉ Tết dương lịch đến nay, ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu được chuyển tới Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Từ dịp nghỉ Tết dương lịch đến nay, ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu được chuyển tới Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Cứ đến dịp tất niên đón Tết Nguyên đán là gia tăng số ca ngộ độc rượu và các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu. Năm nay, cũng không phải là một ngoại lệ, thậm chí đang tăng mạnh, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề này.

Một ca tai nạn giao thông ngày cận Tết.
Một ca tai nạn giao thông ngày cận Tết.

Từ dịp nghỉ Tết dương lịch đến nay, ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu được chuyển tới Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Càng gần Tết Nguyên đán, số ca ngộ độc rượu càng tăng, có  ngày tiếp nhận đến 5 ca. Phần lớn số ca ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân hôn mê hoặc ngừng tim không còn cơ hội sống. Đến ngày 26/1, còn hơn 10 bệnh nhân phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết đều trong tình trạng nặng.

Bệnh nhân Đặng Đình Ký 40 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội uống rượu liên tiếp 3 ngày qua tại nhiều nơi và uống nhiều loại rượu khác nhau dẫn đến hôn mê sâu, phù não..., không có khả năng phục hồi nên đã được gia đình đưa về quê lo hậu sự. Bệnh nhân Nguyễn Viết Kiên 25 tuổi ở Long Biên, Hà Nội mấy ngày trước đến nhà bạn uống vài chén rượu ngâm quả nhàu, sau đó lại đến quán bar uống 2 cốc rượu rồi bị ngộ độc dẫn đến suy thận cấp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết, uống rượu có thể dẫn đến ngộ độc Ethanol và nguy hiểm nhất là uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp dẫn đến ngộ độc Methanol.

Bác sĩ Nguyên cho biết: “Ngộ độc rượu có 2 loại. Thứ nhất là ngộ độc Ethannol trong rượu nấu từ thực phẩm. Đây là dựng ngộ độc phổ biến nhất. Ethannol làm cho người uống giảm khả năng phán xét, nhận định tình hình, giảm khả năng điều khiển các động tác, nhất là khi nồng độ cồn trong máu vượt quá  50miligam/100 mililit máu. Thứ là ngộ độc Methanol, nguy hiểm hơn rất nhiều và tỷ lệ tử vong rất cao. Dù dạng ngộ độc này ít hơn nhưng đang có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây. Nguồn rượu chứa Methanol trên thị trường hiện nay chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp".

Rượu là một dạng thuốc ngủ và làm giảm khả năng điều khiển các động tác nên còn là nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông trong những ngày này. Nhất là sau các cuộc liên hoan tất niên nhiều người vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Tại Bệnh viện Việt Đức, đơn vị tuyến cuối về ngoại khoa, số ca tai nạn giao thông đang tăng lên từng ngày. 3 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca tai nạn giao thông nhập Bệnh viện này tăng khoảng 20% nhưng đến ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, tỷ lệ này đã tăng lên gần gấp đôi. Trong đó, số trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến rượu tăng khoảng 5  lần so với trước.

Qua tổng hợp hồ sơ bệnh án, Điều dưỡng Đinh Quang Trường, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Nói chung nồng độ cồn của những bệnh nhân tai nạn giao thông trong dịp này, nhất là đối với giới trẻ thì phần lớn là có nồng độ cồn trong máu, cả bệnh nhân nam và nữ đều có. Thời điểm này, nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu thường tăng lên”.

Theo thống kê, cứ 100 người chết do tai nạn giao thông thì có tới 20 trường hợp do uống rượu bia. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong khi đó, Việt đứng thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới về sử dụng rượu bia. Chỉ riêng số tiền tiêu thụ bia ở nước ta đã gấp 72 lần ngân sách dành cho thể dục thể thao và 3 lần ngân sách chi cho y tế quốc gia./.

Theo Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh