Vẹn nghĩa nặng tình, giúp nhau vượt khó

01:12, 08/12/2016

Với tinh thần "hạt muối chia đôi, tấm chăn sẻ nửa" từ chốn lao tù, trở về đời thường những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiếp tục noi gương Bác Hồ đoàn kết giúp nhau vượt khó vươn lên.

 

Cơ sở đan dây nhựa của bà Xuyến đã tạo việc làm cho nhiều hội viên và con cháu của hội viên.
Cơ sở đan dây nhựa của bà Xuyến đã tạo việc làm cho nhiều hội viên và con cháu của hội viên.

Với tinh thần “hạt muối chia đôi, tấm chăn sẻ nửa” từ chốn lao tù, trở về đời thường những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiếp tục noi gương Bác Hồ đoàn kết giúp nhau vượt khó vươn lên.

Phải đem lại lợi ích, giúp đỡ đồng đội

Chúng tôi tìm đến người nữ tù kháng chiến Nguyễn Thị Kim Xuyến (ấp Hậu Thành, xã Long An- Long Hồ), thời gian tưởng chừng sẽ xóa nhòa tất cả, nhưng những năm tháng tù đày, bị tra điện khảo cung tại Khám Vĩnh Long vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi đối với bà. “Lúc đó, tui thà chịu đựng một mình để bảo vệ an toàn bí mật cho tổ chức, cho đồng đội”- bà Xuyến nhớ lại.

Hòa bình, bà xin nghỉ công tác để về quê chăm lo cho gia đình. Bà được Nhà nước cấp xuồng và cây để cất nhà. Để cải thiện đời sống, hàng ngày bà đi cấy lúa mướn, “10 công thì được trả 4 giạ lúa”. Nhờ vậy, bà có vốn để chăn nuôi gà vịt, khi có “của ăn, của để” bà dành thời gian để chăm lo cho những đồng đội còn khó khăn.

Năm 1993, khi Hội Người tù kháng chiến xã được thành lập, với vai trò là Chủ tịch hội, bà luôn trăn trở “phải làm gì để giúp đỡ cho đồng đội”.

Qua điều tra, hầu hết hội viên đều không có việc làm ổn định, bà đã đứng ra phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và dạy nghề lao động nông thôn. Bà còn cùng với cháu gái đứng ra mở cơ sở đan gia công xuất khẩu, tạo việc làm cho 124 người. Trong đó, có 38 hội viên và con cháu của hội viên.

Từ lúc mở cơ sở, bà Nguyễn Thị Nhân cùng nhiều nữ tù kháng chiến ở địa phương đã có thêm việc nhận hàng đan gia công. Ngoài làm ruộng và lo việc nhà, mỗi ngày bà Nhân làm 3- 4 cái hàng xếp, kiếm được 30.000- 40.000đ.

Vừa ngồi đan dây nhựa cho 4 mặt thùng, bà Nguyễn Thị Na Em cho biết, ngoài nuôi vịt đẻ và giữ cháu, bà còn nhận gia công thùng với giá 5.000 đ/cái, mỗi tuần thu nhập khoảng 400.000đ. Lúc nông nhàn, bà Nguyễn Thị Minh Đức cũng tranh thủ vừa làm việc nhà, vừa nhận hàng về đan và bỏ túi hơn 1 triệu đồng/tháng đi chợ.

Ngoài tạo việc làm tại chỗ cho hội viên, bà Xuyến còn giới thiệu vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; vận động giúp nhau về cây, con giống, ngày công lao động; đa dạng hóa các hình thức hùn vốn xoay vòng bằng tiền, lúa, vàng để giúp nhau làm kinh tế và cất nhà.

Nhờ vậy, đến nay đã cơ bản không còn hội viên khó khăn về kinh tế hay nhà ở. Thành quả có được ngày hôm nay chính là nhờ bà luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Đẩy mạnh phong trào thi đua

Kết thúc chiến tranh, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trở về đời thường, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và sức khỏe suy yếu bởi những trận đòn tra tấn dã man của quân thù.

Để giúp nhau vượt khó vươn lên, các cấp hội đã vận động hội viên phát huy nội lực, thi đua bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội giúp nhau làm kinh tế và gây quỹ hội để thăm đau, điếu tang. Điều đáng quý là mọi người nhận thức rất sâu sắc ý nghĩa phong trào nên tham gia rất tích cực.

Nhà có 2 công vườn trồng dừa nhưng không có tiền mua phân bón và thiếu kỹ thuật chăm sóc nên cây cằn cỗi, không có trái, cuộc sống bà Đặng Thị Khéo (ấp Phú Nông, xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) gặp nhiều khó khăn.

Thông qua phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội”, bà Khéo được hội cho mượn 1 triệu đồng để mua phân bón, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.

Nhờ vậy, vườn dừa phát triển tốt giúp bà có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ kết quả này, Hội Người tù kháng chiến xã Trung Thành Đông thống nhất mỗi quý góp 100.000 đ/hội viên, thu được 1,5 triệu đồng để xét giúp 1 hội viên khó khăn, như vậy sẽ có 4 hội viên nhận vốn trong năm.

Riêng năm 2016, số tiền tiết kiệm được 10,5 triệu đồng giúp cho 6 hội viên. Từ những chuyện nho nhỏ vậy song đã là động lực hỗ trợ hội viên khắc phục khó khăn, đời sống khá lên và không còn hộ nghèo.

Phong trào giúp nhau làm kinh tế đã giúp nhiều người tù kháng chiến có điều kiện vươn lên.
Phong trào giúp nhau làm kinh tế đã giúp nhiều người tù kháng chiến có điều kiện vươn lên.

Tại Ấp 8 (xã Tân An Luông- Vũng Liêm), nhờ nguồn quỹ tiết kiệm, hội viên làm ăn có hiệu quả, mặt khác do được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 31/CP của Chính phủ nên có điều kiện đóng góp cao hơn.

Theo bà Châu Thị Lùng- Chi hội trưởng Chi hội Người tù kháng chiến ấp, tuy số tiền hội viên nhận không nhiều (2- 7 triệu đồng/người) nhưng nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả nên đến năm 2014 toàn hội đã xóa hết hộ nghèo. Nhiều hội viên khi chuyển về địa phương khác vẫn không chịu rút vốn để cùng hội duy trì phong trào.

Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh nhận định: Qua 2 phong trào thi đua lớn, đã phát huy tinh thần tự lực tự cường giúp nhau vươn lên của hội viên.

Trong năm, có 953 hội viên bỏ ống tiết kiệm trên 770 triệu đồng và đã giúp cho 528 lượt người nhận vốn làm kinh tế; đồng thời thu quỹ thăm đau, điếu tang với gần 751 triệu đồng. Kết quả mang lại không chỉ thể hiện ở con số mà qua đó còn cho thấy sự nối tiếp truyền thống kiên trung, bất khuất trong tù đến tinh thần đoàn kết, tình nghĩa, thủy chung ở ngoài đời.

 

23 năm qua, các cấp hội đã vận động bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội hơn 2,3 tỷ đồng, hùn vốn xoay vòng hơn 21,8 tỷ đồng giúp nhau làm kinh tế. Hơn 8.400 hội viên tham gia hiến 10.000m2 đất góp gần 15.000 ngày công lao động và gần 226 triệu đồng xây dựng giao thông nông thôn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh