Thắp lên ánh sáng từ... trái tim

10:12, 23/12/2016

Bao năm đồng hành với người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long không chỉ là nơi tập hợp những người cùng hoàn cảnh để yêu thương và chia sẻ mà còn là nơi đào tạo việc làm, giúp đỡ cho hội viên khó khăn.

Bao năm đồng hành với người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long không chỉ là nơi tập hợp những người cùng hoàn cảnh để yêu thương và chia sẻ mà còn là nơi đào tạo việc làm, giúp đỡ cho hội viên khó khăn. Nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần của người khiếm thị trong tỉnh được nâng lên đáng kể.

Cơ sở massage “Ánh sáng và niềm tin” tạo việc làm ổn định cho hội viên hội người mù.
Cơ sở massage “Ánh sáng và niềm tin” tạo việc làm ổn định cho hội viên hội người mù.

Nơi tìm thấy “ánh sáng”

Đối với nhiều hội viên Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long, việc đến với hội như tìm thấy ánh sáng và niềm tin vì ở đó họ được học chữ, học nghề, được hát ca.

Cô Nguyễn Thị Nhu (xã Song Phú- Tam Bình) là một trường hợp như thế. Khi vừa học xong cấp I, cô bệnh mắt và dù gia đình hết lòng lo trị bệnh nhưng cuối cùng cô phải sống trong bóng tối. Theo cô Nhu: “Lúc đó, tôi sống mà như chết vì đau khổ, tuyệt vọng”.

Đến năm 2011, cô xin tham gia Hội Người mù tỉnh và CLB âm nhạc người khiếm thị và trở thành thành viên tích cực sinh hoạt đều đặn hàng quý.

Vui vì được thể hiện năng khiếu, năm 2014 trong đêm văn nghệ Tiếng hát Người khuyết tật lần thứ I, cô Nhu tham gia và đạt được giải A cấp thành phố, giải 3 cấp tỉnh. Từ các chương trình văn nghệ, cô Nhu đã vận động gây quỹ mua nhiều phần quà cho hội viên.

“Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2015, tôi được Hội Người mù tỉnh giới thiệu và được Hội Người mù Việt Nam cấp bằng khen là hội viên tiêu biểu toàn quốc”- cô Nhu nói.

Cô gái 22 tuổi Nguyễn Thị Diễm (Bình Tân) sinh ra và lớn lên như những đứa trẻ bình thường. Năm 15 tuổi, Diễm bị bệnh mắt và sau 3 năm điều trị thì… mắt em không còn nhìn thấy gì nữa! Diễm cho biết: “Lúc đó, em chỉ biết khóc và ở miết trong phòng không đi ra ngoài”.

Và khi Diễm đến với Hội Người mù tỉnh, em đã tìm thấy “ánh sáng” cho mình. “Em được cô chú ở Tỉnh hội dạy chữ Braille.

Sau đó, được đưa ra Hà Nội học lớp “giáo viên dạy chữ Braille”- Diễm vui vẻ, nói thêm- “Khóa học kết thúc, em rất vui sướng khi cầm trên tay tấm bằng loại khá. Vui hơn nữa, khi Tỉnh hội mở lớp dạy chữ Braille cho hội viên, em đã đứng trên bục giảng”.

Và niềm tin vào cuộc sống

Tìm thấy “ánh sáng” sau bao mất mát, những hội viên thêm niềm tin yêu vào cuộc sống. Họ không chỉ vui sống mà còn được đào tạo, được học nghề và tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.

Ông Hồ Văn Sôul là Ủy viên BCH Hội Người mù huyện Trà Ôn, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1971, ông bị thương trong chiến đấu và không còn nhìn thấy gì nữa!

“Hụt hẫng, đau đớn, chỉ muốn chết đi cho xong” là những gì mà ông Sôul nghĩ lúc đó, nhưng tình yêu của mẹ, của vợ đã giúp ông vượt qua khó khăn và Hội Người mù đã giúp ông hòa nhập vào cuộc sống.

“Vợ tôi chính là đôi mắt của tôi”- ông Sôul nói thêm.

Ông tham gia công tác hội ở huyện và cùng gia đình chí thú làm ăn. Với 6 công đất vườn, ông Sôul chuyển từ trồng nhãn sang trồng cam và bưởi, lợi nhuận hàng năm khoảng 200 triệu đồng.

Bên cạnh, ông còn bàn với các con tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá lóc, lợi nhuận của việc nuôi cá hàng năm khoảng 280 triệu đồng cho một vụ (5- 6 tháng).

Với Nguyễn Thị Diễm, em không dừng lại ở việc làm giáo viên dạy chữ Braille mà còn học nghề xâu hạt cườm. Học xong, Diễm còn hướng dẫn lại cho các bạn cùng hoàn cảnh để có thu nhập.

Khi Hội Người mù tỉnh thành lập Cơ sở massage “Ánh sáng và niềm tin”, Diễm đăng ký với hội cho đi học lớp “xoa bóp- bấm huyệt” ở TP Hồ Chí Minh và hiện làm việc tại cơ sở của hội với thu nhập bình quân 1 triệu/tháng, bao ăn ở.

Ngoài Diễm, Cơ sở massage “Ánh sáng và niềm tin”của Hội Người mù tỉnh còn tạo việc làm cho 4 người khiếm thị khác.

Đồng hành cùng với những người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh đã là địa chỉ tin cậy, tạo niềm tin và tình yêu cuộc sống, đem “ánh sáng từ trái tim” cho những người khiếm thị.

Bên cạnh đó, người khiếm thị còn rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội để họ vượt qua mặt cảm, khó khăn hòa nhập cộng đồng.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 854 người khiếm thị, trong đó có 477 hội viên. Có 741 người khiếm thị được hưởng trợ cấp thường xuyên, chiếm 86,8%. Trong năm 2016, các cấp hội đã vận động hơn 820 triệu đồng hỗ trợ cho hơn 3.000 lượt hội viên, người khiếm thị. Trong đó, Tỉnh hội vận động gần 650 triệu đồng, hỗ trợ cho hơn 2.300 lượt hội viên, người khiếm thị.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh