"Học trò nhiều em thấy thương lắm, hoàn cảnh nghèo khó. Mình xem mấy em như con nên lo gạo, tập sách, quần áo,… để các em được yên tâm mà tiếp tục đến trường"- đó là tâm sự của thầy Nguyễn Minh Trí- Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Long Hồ khi nói về "Quỹ con nuôi" mà trường đã thực hiện gần 9 năm qua.
“Học trò nhiều em thấy thương lắm, hoàn cảnh nghèo khó. Mình xem mấy em như con nên lo gạo, tập sách, quần áo,… để các em được yên tâm mà tiếp tục đến trường”- đó là tâm sự của thầy Nguyễn Minh Trí- Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Long Hồ khi nói về “Quỹ con nuôi” mà trường đã thực hiện gần 9 năm qua.
“Thương học trò gian nan con đường đến lớp…”
“Tụi nhỏ nhiều đứa hoàn cảnh tội lắm, cha mẹ đi làm xa, có đứa phải bán vé số hay đi phụ quán ăn kiếm tiền trang trải việc học... Chỉ sợ vì hoàn cảnh khó khăn mà các em nghỉ học thì tội nghiệp”- đó là điều khiến tập thể cán bộ, thầy cô giáo Trường THCS thị trấn Long Hồ trăn trở mãi.
Những hoạt động vui chơi bổ ích được các thầy cô triển khai đã góp phần gắn kết tình cảm giữa thầy và trò. |
Xuất phát từ tâm tư đó, thầy Phó hiệu trưởng- Nguyễn Minh Trí đã chủ động đề xuất xây dựng “Quỹ con nuôi” và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ tập thể nhân viên, giáo viên trong trường. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ trích 10.000đ tiền lương mỗi tháng để mua gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết.
“Ban đầu, trường chỉ nhận nuôi có 8 em học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn, gia đình không có đất canh tác, mồ côi,… Sau này số lượng cũng tăng lên.
Riêng năm học 2016- 2017, ngoài 15 học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn được nhận gạo thường xuyên mỗi tháng (10kg/suất), còn có 11 trường hợp cách một tháng sẽ nhận gạo một lần”- thầy Nguyễn Minh Trí cho biết.
Bên cạnh việc tự lực duy trì “Quỹ con nuôi”, các giáo viên trong trường cũng vận động thêm các Mạnh thường quân, kết hợp với hội phụ huynh học sinh để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khác.
Nhờ đó, vào các dịp như khai giảng năm học mới, Tết Nguyên đán, bế giảng năm học,… nhà trường có thêm kinh phí để trao quà, hỗ trợ tiền khám chữa bệnh và xây dựng nhiều hoạt động tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.
Mới đây, phong trào góp sách cũ, quần áo cũ do nhà trường phát động cũng được các em hưởng ứng nhiệt tình.
“Thông qua phong trào này, chúng tôi gián tiếp giáo dục cho các em tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta”- thầy Nguyễn Minh Trí nhấn mạnh.
“Các em tham gia rất nhiệt tình, em nào cũng mong muốn được đóng góp để có thể giúp đỡ được bạn của mình. Nhiều em trích tiền đi học hàng ngày để góp quỹ giúp bạn.
Giáo viên ai cũng vui vì các em có tinh thần như vậy”- cô Phạm Thị Lan Phương- giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1 phấn khởi nói.
Tháp tùng cùng thầy Nguyễn Minh Trí, tôi đến thăm nhà em Nguyễn Thành Công (học sinh lớp 9/1) ở Khóm 5 (thị trấn Long Hồ). Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm là nơi cư ngụ của Thành Công và ông ngoại ở tuổi xế chiều cùng người dì bị bệnh bại liệt, còn mẹ em thì đi làm thuê ở tận TP Hồ Chí Minh.
“Sáng đi học, chiều về em đi làm ở quán hải sản kiếm thêm tiền. Nhờ cô giáo giới thiệu chỗ người quen chứ không thì đâu ai nhận.
Đi làm vậy cũng đỡ, rồi thầy cô cho gạo hàng tháng, nhà em ai cũng mừng, cũng mang ơn hết. Tình cảm của thầy cô, mọi người dành cho em sẽ nhớ mãi. Đó cũng là động lực để phấn đấu học tập”- Công rơm rớm nước mắt tâm sự.
“Xem học sinh như con…”
Nhiều hoạt động trao tặng quà được thực hiện góp phần nâng bước những hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. |
Hiện, Trường THCS thị trấn Long Hồ có hơn 1.000 học sinh, trong đó có 120 em học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn và khó khăn, do vậy, để có thể nắm rõ hoàn cảnh của từng em mà có phương án hỗ trợ hợp lý thì không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện nguồn kinh phí còn khá hạn hẹp.
Nói đến đây thầy Nguyễn Minh Trí rút trong tủ một xấp phiếu khảo sát. “Giáo viên chủ nhiệm là người chủ chốt nắm rõ hoàn cảnh của từng em thông qua phiếu khảo sát, như các em có hoàn cảnh thế nào, cần gạo, xe đạp, tập, sách hay đồng phục”- vừa chỉ tay vào xấp phiếu trên bàn thầy vừa nói.
Từ những thông tin sơ bộ trong phiếu khảo sát, thầy cô giáo sẽ chủ động gặp gỡ, trao đổi nhiều hơn với các em.
Và công việc đến thăm hỏi tường tận gia đình của học sinh là công việc được các thầy cô giáo của trường thực hiện thường xuyên vào mỗi năm học.
“Có đi như vậy chúng tôi mới có cái nhìn sâu sát hơn về các em. Đặc biệt, là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì mình sẽ biết được các em cần gì mà hỗ trợ cho kịp thời, tránh trường hợp các em bỏ học vì không có điều kiện”- cô Lan Phương tâm tình.
Với học sinh lớp 6, công việc khảo sát có phần khó hơn vì các em còn rất mới, có em rất e dè khi nói về hoàn cảnh của mình. Đối với những trường hợp này “chỉ còn cách tìm hiểu qua bạn học của em đó, rồi tìm cách liên lạc với gia đình, sau đó mới đến nhà thăm hỏi”.
“Thương và xem tụi nhỏ như con cháu thì làm được hết thôi”- cô Thanh Thu- giáo viên chủ nhiệm lớp 6/4 vui vẻ bảo.
Chính vì sự nhiệt tình, tận tâm đối với học sinh bằng nguồn kinh phí được trích ra từ tiền lương ít ỏi của các thầy cô giáo, “Quỹ nuôi con” đã góp phần hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều học sinh, tạo thêm động lực để các em tiếp bước trên con đường học vấn.
Và niềm vui, niềm hạnh phúc của các thầy cô giáo chính là được nhìn thấy các em được “Quỹ con nuôi” hỗ trợ ngày nào giờ thành công quay trở về thăm trường”.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin