Đã đến lúc cần có thái độ và hành động quyết liệt trước tình trạng bạo lực mang khuôn mặt ngày càng "trẻ hóa" ở lứa tuổi học đường.
Đã đến lúc cần có thái độ và hành động quyết liệt trước tình trạng bạo lực mang khuôn mặt ngày càng “trẻ hóa” ở lứa tuổi học đường.
Bạo lực học đường lây lan nhanh chóng và diễn biến ngày càng phức tạp, và đang trở thành một vấn nạn nhức nhối trong đời sống xã hội hiện nay. Phải tìm ra những giải pháp gì thật căn cốt, bền vững để giảm thiểu tối đa bạo lực, hướng đến một cuộc sống an toàn thân thiện cho con trẻ.
Nhận diện
Không ai có thể yên lòng khi người thân của mình - nhất là các cháu nhỏ, mỗi khi ra khỏi nhà lại canh cánh nỗi âu lo. Sự việc xảy ra, khi thì “gây xôn xao dư luận”, lúc “khiến nhiều người rùng mình”, lúc “khiến cộng đồng bức xúc”, thậm chí “khiến ai nhìn cũng xót xa, đau lòng”.
Mới đây clip hai nữ sinh đánh một bạn nữ đến ngất xỉu lan truyền trên mạng xã hội Facebook được xác định là học sinh của Trường Trung học phổ thông Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa); clip 2 nữ sinh lao vào đánh tới tấp bạn ở giữa đường tại Huế; clip nam sinh đánh bạn bằng búa ở Tiền Giang… khiến “cộng đồng mạng choáng váng”!...
Minh họa của V.Thọ |
Chỉ cần tra từ khóa “bạo lực học đường”, trong 0,22 giây, Google đã cho 2.480.000 kết quả, điều đó phần nào cho thấy tính chất nguy cấp của vấn đề. Đã đến lúc cần có thái độ và hành động quyết liệt trước tình trạng bạo lực mang khuôn mặt ngày càng “trẻ hóa”, mà có thể gọi chung là ở lứa tuổi học đường.
Nguyên nhân của những cuộc ẩu đả, mà đa số là dùng bạo lực ở lứa tuổi học đường thời gian qua chắc hẳn có nhiều, song trước hết phải nói đến đặc điểm và sự phát triển tâm lý của lứa tuổi. Bên cạnh còn có những yếu tố khác: sự quan tâm của gia đình, cộng đồng dân cư, tập thể trường lớp, bạn bè, đoàn thể, sự bùng nổ của công nghệ thông tin… có thể tác động tới việc nảy sinh tình huống và quyết định ứng xử của các em.
Bị khủng hoảng về tinh thần, tâm lý hoặc do không được dạy dỗ chu đáo ngay trong chính gia đình của mình; hoặc bị đối xử chưa công bằng, hoặc thiếu thiện chí; chưa được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng sống phù hợp trước những thử thách của môi trường giao tiếp cộng đồng… đều dễ nảy sinh những hệ quả khôn lường.
Tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học đường thời gian qua thực sự là điều nhức nhối cho toàn xã hội và để lại nhiều hệ lụy. Bởi theo thời gian, vết thương trên thịt da có thể sẽ được chữa lành, nhưng những nạn nhân bị làm nhục, bạo hành từ tuổi ấu thơ thì vết thương lòng vô cùng đau đớn ấy bao giờ mới có thể nguôi ngoai, thậm chí nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tạo nên những sang chấn tâm lý và để lại bao di họa khôn lường.
Vào cuộc đồng bộ và tăng cường trách nhiệm
Có ý kiến cho rằng: việc xảy ra bạo lực ở lứa tuổi học đường là do nhà trường “chưa dạy các em đến nơi đến chốn” - trong khi đó nhà trường “tiếp nhận”, bắt đầu công việc giáo dục của mình từ khi các em đã có “vốn liếng trải nghiệm” từ chính gia đình và địa bàn sinh sống của các em. Chỉ chú trọng đến một yếu tố nào cũng là phiến diện; cho nên, đặt vấn đề cộng đồng trách nhiệm của từng gia đình và các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với nhà trường ở đây là để thấy hết những trọng trách phối hợp có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai phát triển của mỗi trẻ em.
Theo đó, mỗi gia đình cần xác định vai trò và bổn phận là cội nguồn và gốc rễ; cùng cộng đồng dân cư quan tâm trực tiếp nhằm tạo nền tảng ban đầu về đạo đức lối sống đúng đắn của học sinh trong giao tiếp hằng ngày với những người thân và môi trường xung quanh.
Đồng thời, không ngừng nâng cao “kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, thông qua các nội dung học tập và tu dưỡng, nhà trường chăm lo phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất công dân cho từng học sinh nhận thức đúng đắn về hành vi ứng xử thân thiện và nhân văn; tăng cường hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ học sinh rèn luyện đạo đức và các kỹ năng sống, nhất là kỹ năng kiểm soát hành vi và giải quyết xung đột nếu gặp phải.
Thiết nghĩ, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm quản lý và kết nối thường xuyên giữa các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với gia đình và nhà trường trong việc phân tích, đánh giá, phê phán hay biểu dương kịp thời về các biểu hiện đạo đức, lối sống của học sinh trên địa bàn là yếu tố then chốt có tính giải pháp căn cốt, bền vững để góp phần khắc phục vấn nạn bạo lực ở lứa tuổi học đường./.
Theo Nguyễn Trọng Huân/Báo TNVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin