Quân đội ta là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng, tiếp nối truyền thống ngàn xưa và được tôi luyện từ thực tiễn chiến đấu qua 2 cuộc kháng chiến, được Đảng, Bác Hồ khai sinh, lãnh đạo, dẫn đường.
Quân đội ta là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng, tiếp nối truyền thống ngàn xưa và được tôi luyện từ thực tiễn chiến đấu qua 2 cuộc kháng chiến, được Đảng, Bác Hồ khai sinh, lãnh đạo, dẫn đường.
Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo). |
Thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, nên “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Và có biết bao máu xương đã đổ xuống trên mảnh đất này.
Tổ quốc ghi công, nhân dân tri ân, đồng đội nhớ mãi những người “vắng mặt” hôm nay.
80 tuổi, ông vẫn đạp xe đi “đầu này, đầu kia”, lâu lâu nhớ quá tự mình bắt xe buýt, bắt xe ôm về chiến trường xưa thăm lại gia đình những đồng đội cũ; những người mà mỗi lần “kể chuyện” ông luôn nhớ từng tên tuổi, chức vụ, nhớ từng trận đánh, dù thời gian dễ chừng đã trên dưới 50 năm rồi còn gì- ông là Nguyễn Văn Út (chú Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh Đội phó Tỉnh Đội Vĩnh Long.
Chú Mười nói rằng: “Không thể nào quên những người lính đã dũng cảm hy sinh, chấp nhận ngã xuống vì nhiệm vụ, vì bao đồng đội của mình” và chú Mười “điểm danh” từng đồng đội thân yêu đã “vắng mặt” trong ngày độc lập: Anh Sáu Nhật- chính trị viên Đại đội cơ động của tỉnh Vĩnh Long, hồi năm 1963 hy sinh trận Bà Hào; anh Hai Hùng hy sinh trận lung Cống Sen ở chợ cũ Tam Bình; ngày 30/10/1965 thì anh Tư Cao- Trung đội trưởng, Đại đội 203 hy sinh trận đánh đồn Xã Sĩ; anh Sáu Thọ thì hy sinh ở Cải Ngỗ;...
Đó là cái thời đánh Mỹ, vũ khí hiện đại hùng hậu đổ vào nên chiến tranh bom đạn ác liệt hơn nhiều thời chống Pháp, nhất là những năm 1960, 1970 vô cùng gay go.
Chú Mười đã có một thời gian dài gắn bó với địa bàn Châu Thành (Đồng Tháp) nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn của bộ đội tỉnh nhà, còn gọi là vùng chữ V có nhiều kỷ niệm, nhiều chiến công đáng nhớ, nhưng cũng lắm hy sinh mất mát đâu thể nào quên.
Nơi đây, cũng có nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ, mà giờ đây mỗi lần có dịp về thăm thì mừng rỡ như thể ruột thịt gia đình.
Những câu chuyện dường như chưa bao giờ dừng lại, bởi nỗi nhớ về đồng đội thì không thể nào nguôi, “nhất là vào những dịp 22/12 và 30/4 hàng năm là thời khắc đặc biệt nhất đối với người lính tưởng nhớ về những đồng đội kề vai sát cánh trong từng phút giây sinh tử.
Như anh Tư Cao gánh trách nhiệm mũi trưởng đánh đồn Xã Sĩ, khi gặp khó khăn thì lao lên phía trước lấy thân mình bịt lỗ châu mai, cho anh em phía sau xung phong”, kể lại chi tiết để chú Mười muốn nhấn mạnh rằng, phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ là như thế đó, nhưng trong những giờ phút gay go, những hành động dũng cảm, anh hùng của người lính đâu có mấy ai chứng kiến, đâu mấy ai hiểu được, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi cuối cùng cho trận đánh, “những hành động đó, thế hệ hôm nay nghĩ gì?”.
Cũng vì lẽ đó, mà rất cần tiếp tục những câu chuyện về phẩm chất tuyệt vời như thế, không thể phai mờ, không thể lãng quên.
“Chú cũng vừa đi dự ngày 22/12 ở một huyện của tỉnh lân cận Vĩnh Long mình đây”- chú Mười khoe, rồi lại trầm ngâm, gặp lại mừng vui nhưng cũng có nhiều chuyện chưa vui khi còn nhiều gia đình còn khá khó khăn.
Dù chính sách của Đảng, Nhà nước có thể nói là khá đầy đủ, thể hiện sự tri ân sâu nặng; nhưng vẫn còn những địa phương chưa thực sự thể hiện được tấm lòng, sự chia sẻ về mặt tình cảm, tinh thần.
Có thể là lớp trẻ- những người trực tiếp phụ trách công tác chính sách địa phương, vẫn chưa hiểu, chưa cảm nhận được sự hy sinh cao cả, sự cống hiến của lớp người đi trước. Cái này cần phải đặc biệt quan tâm, khi mà thời gian ngày một lùi xa.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin