Bằng nhiều giải pháp và sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, huyện đã đạt nhiều hiệu quả từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Bằng nhiều giải pháp và sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, huyện đã đạt nhiều hiệu quả từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, nâng cao số lượng lao động qua đào tạo, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương…
Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao trình độ lao động, giải quyết việc làm và ổn định đời sống người dân. Ảnh minh họa |
Sự quan tâm từ công tác dạy nghề
Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề- Giáo dục thường xuyên huyện Trần Kim Tiền, trong năm 2016, công tác đào tạo nghề đã đạt nhiều kết quả quan trọng, qua đó giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn trên địa bàn huyện.
Nét mới của công tác đào tạo nghề năm nay là lần đầu tiên huyện kết hợp với Trường CĐ Nghề Vĩnh Long mở 1 lớp trung cấp nghề điện công nghiệp miễn phí cho 31 em học sinh đã tốt nghiệp THCS.
Khi các em tham gia học lớp này thì được miễn nghĩa vụ quân sự, được liên thông lên CĐ, ĐH, được thực hành trên các thiết bị hiện đại.
Trong quá trình học, được đi tham quan, thực tập tại các công ty doanh nghiệp và đặc biệt nhất là sau khi tốt nghiệp ra trường được giới thiệu việc làm. Đây là mô hình mà huyện Mang Thít tiếp tục triển khai trong thời gian tới để thu hút người dân tham gia học nghề.
Theo UBND huyện Mang Thít, năm 2016, huyện đã đào tạo tay nghề cho 3.674 lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 51,1%, trong đó có 13.049 người có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 20,07%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, huyện Mang Thít vẫn còn gặp không ít khó khăn trong công tác đào tạo nghề.
Theo ông Trần Kim Tiền, cái khó khăn của trung tâm là giáo viên tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, không có giáo viên cơ hữu dạy nghề.
Ngoài ra, việc vận động người dân tham gia học nghề còn nhiều khó khăn, bởi một bộ phận người dân nhận thức về học nghề còn hạn chế, chưa được tư vấn.
Song song đó, một số trường hợp chưa tìm hiểu kỹ để chọn nghề học phù hợp, một số học viên học nghề không đúng năng lực, sở trường nên không tìm được việc làm sau khi học hoặc bỏ học giữa chừng.
Có việc làm là góp phần giảm nghèo
Đan đát vào thời gian nhàn rỗi được nhiều phụ nữ hưởng ứng. |
Năm qua, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ và xây dựng.
Theo đó, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện Mang Thít đã chuyển dịch theo hướng giảm lao động lĩnh vực nông nghiệp từ 80% xuống còn dưới 50%; tăng tỷ lệ lao động công nghiệp từ 10% lên trên 25%.
Trong ngành nông nghiệp, cơ cấu lao động cũng có bước chuyển biến theo hướng tăng tỷ lệ lao động lĩnh vực chăn nuôi, giảm tỷ lệ lao động trồng trọt.
Nhờ vậy, thu nhập của người lao động không ngừng được tăng lên, hiện tại thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 1 triệu đồng/người/năm so với năm trước, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 2,37%.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chánh Hội Trần Thị Kim Khuyên cho biết: Thời gian qua, công tác dạy nghề, thành lập các tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn có việc làm ổn định, giải quyết lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập.
“Không chỉ là giải quyết việc làm mà còn giúp cho các hộ gia đình thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương và xây dựng nông thôn mới”- bà Trần Thị Kim Khuyên cho biết thêm.
Theo ông Trần Kim Tiền, trong năm 2017, dự kiến huyện sẽ mở 43 lớp đào tạo nghề cho 713 lao động nông thôn, ưu tiên cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn và con em gia đình chính sách.
Qua đó, phấu đấu giới thiệu giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm trên 70% và nâng thu nhập bình quân từ 29- 30 triệu đồng/người/năm; nâng tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật lên 55%, giảm 0,5% hộ nghèo.
Đồng thời phấn đấu cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp xuống khoảng 0,5%, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Trong năm 2016, bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, huyện Mang Thít phối hợp với Trung tâm Dạy nghề- Giáo dục thường xuyên, các ban ngành, đoàn thể và các trung tâm học tập cộng đồng địa phương đã dạy nghề nông thôn cho 3.674 người, đạt trên 100% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 3.413 lao động, vượt gần 22% kế hoạch. Riêng Trung tâm Dạy nghề- Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 40 lớp đào tạo nghề cho 677 lao động, đạt 150% kế hoạch; trong đó mở 35 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, với 613 học viên; 4 lớp dạy may công nghiệp, 46 học viên; 1 lớp công nhân xây dựng với 18 học viên. |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN- TRẦN PHONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin