Cha mẹ đừng chủ quan khi chở trẻ

01:12, 27/12/2016

Khi cho trẻ ngồi trên xe máy lưu thông trên đường, không ít phụ huynh quan tâm đến việc sử dụng phương tiện bảo hộ cho trẻ (nón bảo hiểm, đai an toàn, cho trẻ ngồi an toàn). 

Khi cho trẻ ngồi trên xe máy lưu thông trên đường, không ít phụ huynh quan tâm đến việc sử dụng phương tiện bảo hộ cho trẻ (nón bảo hiểm, đai an toàn, cho trẻ ngồi an toàn).

Tuy nhiên, chỉ vì sự chủ quan, hớ hênh của một bộ phận người lớn mà không ít trẻ đã gặp phải những tai nạn thương tâm, thậm chí mất mạng.

Khi chở trẻ bằng xe máy, cha mẹ nên đội nón bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho con.
Khi chở trẻ bằng xe máy, cha mẹ nên đội nón bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho con.

Lỗi ở người lớn

Nhiều phụ huynh khá bức xúc vì những pha “làm xiếc” của một số người khi chở trẻ em trên xe: một tay lái xe, tay còn lại ôm trẻ; cho trẻ ngồi chênh vênh trên đùi; hay cho trẻ ngồi, đứng phía trước xe mà không có bất cứ đai thắt an toàn nào; không cho trẻ đội nón bảo hiểm, ngang nhiên chạy ngược chiều, chở quá số trẻ quy định hay phóng nhanh vượt ẩu... Những hành vi này đều có thể dẫn đến việc trẻ gặp tai nạn bất cứ lúc nào.

Chị Đỗ Quỳnh Như (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Nhiều người chạy xe một mình, cho con ngồi trước rồi để con ngủ ngay trên xe, một tay cầm ga, một tay đỡ đầu con, thậm chí lưu thông trên đường ngay giờ cao điểm.

Vậy mà người lớn cứ lao vun vút không một chút lo lắng. Mình thì cứ sợ một khi có vật gì cản phía trước thì làm sao đứa bé có thể an toàn?”

Anh Nguyễn Hoàng Duy bức xúc: “Hôm đi trên đường Phạm Thái Bường, tôi phát giận khi thấy chị kia một tay chạy xe tay ga, 1 tay ôm đứa con ngủ gật. Bé gái khoảng 4 tuổi đứng ngược lại ôm mẹ ngủ.

Quá nguy hiểm! Chỉ cần dừng xe vô quán nước, cho bé ngủ hay uống nước để bé tỉnh táo thì hay hơn không. Rồi, có anh chạy xe tay ga, để con ngồi trên 2 đùi mình.

Tôi không biết khi tới đèn đỏ hay cần chống chân hoặc gặp chướng ngại nào đó cần thắng thì anh ta phải xử lý như thế nào? Họ thật là chủ quan và vô tâm trước sự an toàn cho con em mình quá”.

Có thể liệt kê rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em khi đi xe máy mà nguyên nhân là do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn đã để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Như vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe buýt và xe máy tại ngã tư đường Phạm Thái Bường và Nguyễn Văn Thiệt vào tháng 9/2015, khiến bé T.K.T. (2 tuổi, xã An Bình- Long Hồ) tử vong tại chỗ.

Trong khi đó, những tai nạn thường gặp ở trẻ em khi đi xe máy cùng cha mẹ là phỏng pô, té ngã, kẹt chân vào bánh xe, côn trùng bay vào mắt khi ngồi đằng trước, trẻ bị rớt xuống đường do không có dây bảo vệ an toàn, do những va quẹt, đập đầu vào xe khi thắng gấp…

Ngoài ra, cha mẹ để con ngồi một mình trên xe là rất nguy hiểm, trẻ có thể té ngã bất cứ lúc nào hoặc nếu xe không tắt máy, trẻ có thể nghịch rồ ga, gây tai nạn. Hầu hết tai nạn nói trên đều là do sự sơ ý, chủ quan của người lớn.

Hãy bảo vệ con trẻ

Những tai nạn thương tích trong quá trình chở trẻ bằng xe máy hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu các bậc phụ huynh ý thức được các mối nguy hiểm tiềm ẩn khi chở trẻ và cẩn thận hơn khi cho con ngồi trên xe.

Khi chở trẻ bằng xe máy thì phải trang bị nón bảo hiểm, dây đai an toàn cho các bé. Trẻ nhỏ thường hiếu động hoặc dễ ngủ gục. Chính vì vậy, không nên để trẻ ngồi một mình ở phía sau người điều khiển xe.

Tại Việt Nam, xe máy là phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% tổng số phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, cha mẹ hãy chủ động bảo vệ trẻ bằng cách tuân thủ luật giao thông và lái xe với tốc độ vừa phải, ổn định.

Vị trí an toàn hơn cả là cho trẻ ngồi sau lưng người lái và có địu/dây đai chằng chắc chắn nối bé với người lái.

Nếu cho trẻ em ngồi phía trước người điều khiển xe gắn máy, phụ huynh nên chọn ghế có đai thắt an toàn và phần chân bắt dính được với xe. Lưu ý, bé ở đằng sau lưng người lái nhưng đứng lên, kể cả khi có người giữ, vẫn cực kỳ nguy hiểm.

Bé từ 3 tuổi trở lên nên đội nón bảo hiểm khi đi xe máy. Cần đặt bé ngồi giữa cha mẹ, người ngồi sau giữ bé bằng 2 tay và không cho bé ló đầu ra ngoài. Phụ huynh cần làm gương tốt và trang bị cho con kiến thức an toàn cần thiết khi tham gia giao thông.

Tai nạn giao thông là 1 trong 4 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ. Trung bình mỗi năm có 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm tỷ lệ khoảng 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích và phần lớn các em này đều không được đội nón bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh