Hiện nay, bạo lực gia đình (BLGĐ) đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động. Nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội mà còn làm tổn thương về thể xác và tinh thần cho nạn nhân.
Hiện nay, bạo lực gia đình (BLGĐ) đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động. Nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội mà còn làm tổn thương về thể xác và tinh thần cho nạn nhân.
Dù có nhiều biện pháp ngăn chặn, song nạn BLGĐ vẫn còn, có nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Gia đình hạnh phúc là cộng đồng của sự trách nhiệm và yêu thương từ các thành viên trong mái nhà chung. |
Nỗi đau dai dẳng
Thuộc hộ cận nghèo, thiếu trước hụt sau nên gia đình cô B. (Long Hồ) thường xảy ra rầy rà, cãi vã. Chồng cô bình thường “hiền như cục đất” nhưng nhậu vô là chửi bới, đuổi đánh vợ con.
Cô B. buồn buồn: “Ngày thường ổng rất lo cho vợ con, siêng mần ăn nhưng nhậu vô là thành con người khác, nói nhiều và trở nên hung dữ lắm! Con gái và tui nhiều lần bị đánh đến ngất xỉu, phải nhập viện. Cán bộ đến khuyên, phân tích, ổng biết ổng sai, xin lỗi rồi thề không đánh vợ con nữa. Nhưng rượu vào ổng lại là con người khác”.
Cách thức bạo hành giấu mặt- bạo hành tinh thần thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của người phụ nữ. Sự hờ hững, thờ ơ cũng như sự lạnh lùng quá đáng của người chồng đối với vợ cũng chính là sự bạo hành ghê gớm.
Không khí gia đình vô cùng căng thẳng, khoảng cách giữa vợ chồng càng ngày càng xa, người vợ có khi bị sang chấn tâm lý và có thể xảy ra hành động tiêu cực nhất- thậm chí nhiều người bị suy sụp cả về thể chất và tinh thần, bị trầm cảm hoặc tìm đến cái chết… nhưng hầu như chưa bị xử lý.
Là một phụ nữ đẹp phúc hậu, có địa vị trong xã hội, song chị T.K. (TP Vĩnh Long) lại không được may mắn trong hôn nhân. Chồng chị là một người đàn ông gia trưởng, không thích chia sẻ nên cuộc sống vợ chồng ngày một “lạnh”.
Chị tâm sự: “Ảnh ra ngoài giao tiếp lịch thiệp lắm nhưng về nhà lại lạnh băng, trả lời tiếng một với vợ và thường cáu gắt, xét nét chị từ ăn mặc đến lời nói. Ảnh cà kê sớm khuya, tính phong lưu của ảnh khiến tim chị chết lặng”.
Chị rơm rớm nước mắt: “Nhiều khi thấy ảnh cười nói vui vẻ với mọi người, chị ước gì chị cũng được ảnh vui như vậy khi về nhà. Chị hỏi ảnh trả lời trống lốc, quạu quọ.
Chị chỉ mong mỗi tuần ảnh dành 1 ngày chủ nhật cho gia đình cũng không được. Có khi nóng giận, ảnh táng chị là chuyện thường. Chị buồn tủi nhưng chưa đủ mạnh để ly dị với chồng, vì muốn giữ ba cho con gái.
Nhưng chị cũng quá thương và lo lắng cho con gái 3 tuổi bé bỏng bởi con thường xuyên phải chứng kiến cảnh ba nạt mẹ, nên con rất sợ và không thích chơi với ba”. Khi người vợ bị bạo hành tinh thần thì tâm lý rất căng thẳng, không cảm thấy an toàn ngay trong chính gia đình mình.
Chị M.H. (TP Hồ Chí Minh) phân trần, nhiều phụ nữ không phải lệ thuộc kinh tế vào chồng, song, có quá nhiều rào cản như gia giáo, mối quan hệ...
Nhiều khi bị chồng nói nặng, quá buồn, quá thất vọng nhưng không dám kể với mẹ vì sợ mẹ già lớn tuổi lo nghĩ, cũng không thể kể lể với bạn bè vì có khi chỉ nhận lấy ánh mắt thương hại, lại càng không thể nói cho con nghe...
Huống chi chuyện quyết định ly hôn là chuyện lớn (không thua kém chuyện lập gia đình), nhiều lúc muốn mà chắc gì làm được! Gì đi nữa, người Á Đông vẫn bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, hàng xóm phức tạp. Chỉ khi tức nước thì bờ mới vỡ thôi...
Phòng, chống BLGĐ
Đã có nhiều vụ BLGĐ mà trong đó nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu do thái độ không tôn trọng, không đồng cảm và công bằng giữa người chồng và người vợ.
Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình, nên đến lúc nóng giận, không biết kiềm chế đã gây ra những hậu quả rất đau lòng. Nhiều nạn nhân bị bạo hành, bi kịch nặng nề bắt đầu từ chính sự nhẫn nhịn không đúng lúc.
Dẫu rằng “chồng giận thì vợ bớt lời”, phụ nữ cần nhẹ nhàng, khéo léo song cũng cần có bản lĩnh, khẳng định được vị trí, vai trò của bản thân, không nên sống quá phụ thuộc vào chồng. Với BLGĐ, “phòng” vẫn tốt hơn “chống”.
Đừng đợi đến khi xô xát, gây hậu quả nghiêm trọng, cần đến pháp luật thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất lớn. Nhưng khi bị bạo lực cần phải kêu cứu, đừng để mình chết vì sự xấu hổ. Cần tìm sự trợ giúp từ người thân, đoàn thể, chính quyền địa phương.
Khi cuộc sống gia đình đã trở thành “địa ngục” không thể cứu vãn thì người vợ bị chồng bạo hành không nên duy trì hôn nhân. Chỉ có giải pháp duy nhất là thoát ra ngoài cuộc hôn nhân đó.
Luật Phòng, chống BLGĐ đã có từ năm 2008 nhưng gần như chưa đủ tính răn đe. Làm thế nào để đưa luật vào cuộc sống, ngăn chặn được nạn BLGĐ? Bên cạnh tuyên truyền, cần xử phạt nghiêm những hành vi sai trái.
Người bị bạo lực phải lên tiếng; còn chính quyền địa phương, các hội đoàn thể phải nhận thức được đó là vi phạm luật chứ không phải là chuyện riêng gia đình. Gia đình cũng luôn cần “vitamin yêu thương” để hóa giải được nạn bạo hành.
|
Ước tính trên thế giới, cứ 3 phụ nữ lại có 1 người bị bạo hành. Phần lớn trong số họ lại phải chịu tổn thương từ chính bàn tay những người họ yêu thương và tin tưởng. Theo một kết quả điều tra, khoảng một nửa trong số những phụ nữ bị giết hại trên toàn cầu vào năm 2012 đã bị chính bạn trai, bạn đời hoặc các thành viên trong gia đình ra tay. Không chỉ là một hành vi vi phạm nhân quyền, việc bạo hành phụ nữ, trẻ em gái còn gây ra những nỗi đau về mặt thể chất và tinh thần, để lại những vết sẹo khó phai mờ cho những người chịu tổn thương. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin