Trong một ngày, khi đang đi bán vé số bằng xe đạp trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long), mẹ Trường bị một người chạy môtô quá tốc độ và thiếu quan sát đã đụng vào làm mẹ em tử vong tại hiện trường. Từ đó, Trường trở thành trẻ mồ côi.
“Còn cha còn mẹ thì hơn
Mất cha mất mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây còn xoay còn nối
Cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi”.
Em Nguyễn Lam Trường bên bàn thờ mẹ. |
Câu ca dao buồn cho những số phận mồ côi! Đó cũng là tâm trạng và hoàn cảnh bi thương của em Nguyễn Lam Trường (SN 2001, ngụ Khóm 3, Phường 3- TP Vĩnh Long).
Trong một ngày, khi đang đi bán vé số bằng xe đạp trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long), mẹ Trường bị một người chạy môtô quá tốc độ và thiếu quan sát đã đụng vào làm mẹ em tử vong tại hiện trường. Từ đó, Trường trở thành trẻ mồ côi.
Đến nhà tìm Trường trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo đang lúc trời mưa. Trong căn nhà nhỏ, Trường hướng mắt ra hiên nhà nhìn những giọt mưa. Không biết em đang nghĩ gì, nhưng lòng tôi thấy quặn đau!
Đêm đêm, trong căn nhà lạnh lẽo ấy, Trường chỉ ngủ một mình với chiếc gối ôm mà mẹ từng sử dụng. Trường giữ lại ôm ngủ cho đỡ xót xa nhớ mẹ.
Phía trước phòng ngủ là bàn thờ với 3 di ảnh: ngoại, mẹ và dì. Hỏi ba đâu, Trường lắc đầu: “Con không biết nữa”. Đúng vậy, Trường làm sao biết cha, bởi người ấy đã bỏ mẹ con em từ khi em mới tượng hình. Ngay cả những người hàng xóm, bà con cũng không biết người ấy là ai, giờ đang ở đâu.
Từ nhỏ em Trường chỉ sống với mẹ. Mẹ em hàng ngày đi bán vé số nuôi em ăn học. Dù cực khổ nhưng cũng không để em thiếu thốn, thua sút người khác.
Với tình thương bao la và hơi ấm của mẹ, Trường đã an tâm học hành giỏi giang, không làm gì cho mẹ buồn và năm nào em cũng có giấy khen học sinh khá, giỏi.
Đùng một cái, trên đường bán vé số mưu sinh để nuôi con, mẹ em bị TNGT tử vong. Đùng một cái, em phải chịu cảnh mồ côi.
Trong lúc Trường còn nhỏ, không biết gì để lo liệu lúc mẹ mất, nhưng cũng còn may mắn một chút khi chị Lê Thị Mỹ Lài (43 tuổi, ở Khóm 3, Phường 3- TP Vĩnh Long) đứng ra thay em Trường lo hậu sự cho mẹ em.
Và rồi cũng từ đó, chị Lài giống như người mẹ thứ hai của em. Hàng ngày, chị Mỹ Lài lo cho em thức ăn, nước uống, đến quần áo, vật dụng cho em tiếp tục học hành.
Chị Lê Thị Mỹ Lài là cháu bà con với mẹ em Trường, theo đúng vai vế thì Trường gọi chị Lài bằng chị, nhưng thấy chị Lài cũng gần bằng tuổi mẹ nên em gọi chị Lài bằng dì- dì Thu. Khi chúng tôi đến, Trường gọi điện thoại báo chị Lài, khoảng vài phút sau chị Lài đến.
Chị Lài kể, thường ngày mẹ em Trường đi bán vé số hay ghé nhà chị Lài chơi. Năm trước, trong một lần đạp xe đạp đi bán vé số trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long), mẹ của Trường bị người chạy môtô tốc độ cao đụng vào làm tử vong.
Từ đó, chị Lài phải đứng ra thay mẹ Trường, dạy dỗ em và cho em tiếp tục đi học. Hàng ngày đi học, chị Lài cho Trường 5.000đ để ăn quà vặt, tan học về nhà thì ghé lại nhà chị lấy đồ ăn.
Chị Lài ăn gì thì Trường cũng ăn nấy. Chị Lài mua gạo và mì gói để sẵn khi đói em nấu ăn. Thỉnh thoảng có người cũng cho gạo, mì gói, chút đỉnh tiền Trường cũng đem gửi “dì Thu”.
Chị Lài tâm sự: “Nó có một chị gái một mẹ khác cha, nhưng chị nó ở đâu với ai cũng không biết, nghe nói đã có chồng. Hôm mẹ nó mất, chị nó có về.
Thấy có tiền người ta bồi thường tai nạn cho mẹ nó, được 150 triệu, nó xin nên tui cho 20 triệu, còn lại gửi ngân hàng để lo cho Trường. Hàng tháng rút tiền lãi được mấy trăm ngàn, tui lo trả tiền điện, tiền nước cho Trường, rồi mua gạo... đâu đủ vào đâu.
Tiền cho ăn vặt mỗi sáng, đồ ăn hàng ngày coi như tui lo hết, thậm chí đầu năm học tui phải mua sắm quần áo, tập sách cho nó đi học, chứ biết sao bây giờ.
Hàng ngày đi học về là tui bắt nó phải ở nhà đọc sách, học bài, nếu thấy tù túng thì ra ngoài tui chơi, tui cấm tuyệt không giao du bạn bè xấu. Mà Trường nó cũng hiền nên dạy bảo nó đều nghe”.
Chị Lê Thị Lệ Hằng (ở gần nhà Trường) hiểu rõ hoàn cảnh của Trường, nên chị vào cơ quan kể lại cho chị Lê Ngọc Ảnh công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long.
Từ đó, chị Ảnh vận động nhóm chị em, cứ vài tháng lại góp tiền lương mua thực phẩm giúp em Trường. Ngoài ra, vào đầu năm học, chị Ảnh còn đi xin học bổng cho Trường, để em mua tập sách; đồng thời, chị Ảnh cũng đang đề nghị cho Trường được hỗ trợ theo chương trình “Cặp lá yêu thương” của VTV phát động.
Anh Nguyễn Văn Hoàng Mảnh- Chủ tịch UBND Phường 3 cho biết: “Em Trường hiện chính thức là không cha, mẹ bị tai nạn tử vong năm trước. Hiện có biết được một người bà con giúp đỡ, cho đồ ăn hàng ngày. Các đoàn thể và Công an phường thỉnh thoảng cũng có góp tiền mua gạo, mì giúp cho em Trường”.
Ai cũng có lúc phải rời xa cuộc sống, cái chết về mặt sinh học “sinh, lão, bệnh, tử” là điều tất nhiên… nhưng lại có những cái chết gây đau đớn, oan uổng.
Sự mất mát nào cũng đau đớn, để lại sự tiếc nuối, nhưng cái chết về TNGT luôn để lại hậu quả và sự ám ảnh không nguôi. Con cái mất cha, cha mẹ mất con, gia đình mất người thân…
Có những cái chết trong TNGT có thể lường trước được, như phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi còn say xỉn, phê thuốc, vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, chạy xe lạng lách đánh võng, đua xe trái phép…
Ai cũng biết, những hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT, nhưng họ vẫn làm để rồi gây ra nỗi đau cho gia đình người khác và cũng là nỗi đau của chính người thân mình.
Đến khi xảy ra tai nạn, họ mới than thở “phải chi, giá mà, giá như...!”, những từ cảm thán ấy khi thốt ra thì… đã quá muộn màng.
Có nhiều vụ TNGT làm chết cùng lúc 2- 3 người trong một gia đình do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về ATGT đã làm gia đình nạn nhân tan nát…
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin