Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Hạt nhân của xã hội là gia đình, chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt"
Bản thân người trẻ cũng phải ý thức việc rèn luyện đạo đức- đặc biệt là học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.Ảnh: THANH BÌNH |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hạt nhân của xã hội là gia đình, chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”;
“Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình tốt thì xã hội mới tốt” (trích “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập III, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội). Kế thừa tư tưởng của Người, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn xem trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình.
Trong Chỉ thị số 49-CT/TW của BCH Trung ương Đảng đã nêu rõ:
“Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu chung là “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Điều này, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn bản sắc gia đình Việt Nam; càng khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội. Trong đó, gia đình với vị trí là hạt nhân, là nền tảng trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên (HS-SV)- thế hệ trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy: Thanh niên là rường cột nước nhà, là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Chính vì vậy, chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho HS- SV; cũng tức là bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, cho những hậu duệ làm chủ đất nước sau này. Bởi đây là lực lượng có học thức, nhạy cảm với cái mới, năng động, ham học hỏi, thích tìm tòi và sáng tạo, là nguồn bổ sung chủ yếu cho đội ngũ trí thức trong tương lai, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, dân tộc.
Chính thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát triển nối tiếp lịch sử của quốc gia, dân tộc và nhân loại. Do đó, xã hội và gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cho HS- SV.
Vậy thì xã hội và gia đình làm thế nào để giáo dục, rèn luyện đạo đức cho HS- SV là cốt lõi quan trọng góp phần giáo dục về nhân cách, tri thức, năng lực… để lực lượng này cống hiến tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta rất cần quan tâm và xem trọng mối quan hệ biện chứng của gia đình và xã hội trong giáo dục, rèn luyện đạo đức HS- SV.
Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa, xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục… giữa các thành viên.
Cũng có thể nói cách khái quát, gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một hình ảnh “xã hội thu nhỏ” cơ bản nhất của xã hội.
Đối với xã hội, gia đình có tác động lớn đối với sự phát triển của xã hội. Bởi lẽ, gia đình là tế bào của xã hội; là nhân tố tồn tại và phát triển của xã hội. Gia đình như một tế bào tự nhiên, là đơn vị nhỏ nhất để tạo nên xã hội. Không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không tồn tại và phát triển được.
Chính vì vậy, muốn xã hội tốt thì phải xây dựng gia đình tốt. Bên cạnh đó, gia đình còn là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân. Và cũng chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội.
Đồng thời, gia đình là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc, mang lại sự hài hòa trong đời sống của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Sự hạnh phúc gia đình là tiền đề để hình thành nên nhân cách tốt cho những công dân của xã hội và ngược lại, xã hội thông qua gia đình để tác động đến mỗi cá nhân.
Mặt khác, đời sống của xã hội cũng thông qua gia đình mà có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân về tư tưởng, đạo đức, lối sống để hình thành nên những công dân tốt. Những công dân tốt đó chính là thế hệ trẻ, những HS- SV mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện.
Trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cho HS- SV, trước hết cần chú ý đến trách nhiệm của gia đình và xã hội.
Điều 94, Chương VI của Luật Giáo dục năm 2005 nêu rõ: “Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”.
Điều 97, Chương VI, Luật Giáo dục 2015 cũng nêu rõ trách nhiệm của xã hội: “Giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham gia, thực tập, nghiên cứu khoa học.
Góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tạo điều kiện để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh. Hỗ trợ về tài lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình”.
Như vậy, trách nhiệm của gia đình và xã hội đã được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật lại càng khẳng định hơn nữa sự cần thiết và tầm quan trọng về vị trí, vai trò của gia đình, xã hội trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cho HS- SV. Thế thì, gia đình và xã hội rèn luyện như thế nào, giáo dục đạo đức ra sao? Và đây là những vấn đề cần quan tâm:
Đối với gia đình: Một là, giáo dục HS- SV (thành viên gia đình) thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cũng là thực hiện khẩu hiệu hành động của công dân Việt Nam: sống, lao động, học tập theo Hiến pháp và pháp luật.
Hai là, giáo dục thành viên gia đình giữ gìn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và quy ước của địa phương. Thông qua việc các thành viên trong gia đình sống hiền hòa, có nghĩa có tình, đoàn kết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, kính trên nhường dưới; luôn có tinh thần tương thân, tương ái và luôn nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, tự lực tự cường;
giáo dục tiếp thu những tiến bộ của giá trị hiện đại, nhưng không được quay lưng với giá trị truyền thống; giáo dục bằng những lời chỉ dạy bảo ban giữa các thế hệ qua lời nói, đi đứng, ăn mặc, lối sống, đối nhân xử thế;
giáo dục giữ gìn truyền thống của dân tộc, của xóm làng, của dòng họ như thông qua các dịp lễ, hội của địa phương, ngày thờ cúng, giỗ ông bà, tổ tiên... và tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Chính những bản sắc văn hóa tốt đẹp này sẽ giáo dục trực tiếp cho HS- SV là những thành viên gắn bó hàng ngày trong gia đình.
Ba là, gia đình giáo dục thành viên gia đình tham gia giữ gìn trật tự xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội. Thông qua việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau trong gia đình để sớm phát hiện ra những biểu hiện, triệu chứng bất thường trong tâm lý, hành vi liên quan tới tệ nạn xã hội để kịp thời ngăn chặn và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Đồng thời, gia đình cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, tham gia sinh hoạt các CLB gia đình để cùng nhau học tập, chia sẻ những kiến thức trong phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.
Bốn là, gia đình vận động thành viên gia đình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua việc đảm bảo thực hiện quyền của cá nhân, sự bình đẳng trong gia đình.
Nam giới cần chia sẻ gánh nặng công việc nhà với phụ nữ. Đồng thời, duy trì sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại trong công việc, trong cuộc sống; chống lại những biểu hiện của tư tưởng gia trưởng, những quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ; tạo điều kiện cho thành viên trong gia đình được học tập như nhau, không phân biệt con trai hay con gái, người già hay người trẻ...
Năm là phối hợp nhà trường, các tổ chức xã hội trong giáo dục thành viên gia đình. Thể hiện bằng việc gia đình phải tham gia những cuộc họp phụ huynh HS để nắm được nội dung yêu cầu của nhà trường trong việc giáo dục; tạo điều kiện cho thành viên gia đình được tham gia sinh hoạt Đoàn, Đội.
Đồng thời, gia đình phải có trách nhiệm định hướng cho thành viên gia đình khi lựa chọn nghề, ngành học mà xã hội đang cần phù hợp với năng lực, nguyện vọng.
Đối với xã hội: Cần tạo môi trường tốt để gia đình phát triển tốt, từ đó tạo ra những công dân tốt. Bởi lẽ, xã hội là một thực thể do con người là thành viên trong gia đình có nghĩa vụ, quyền lợi tạo nên và thụ hưởng từ xã hội. Xã hội phát triển bền vững là do thành viên gia đình sống, lao động, cống hiến, tác động.
Cho nên, chúng ta thực hiện trách nhiệm xây dựng môi trường xã hội tốt là cách tác động giáo dục hiệu quả cho HS- SV- những chủ nhân tương lai của đất nước. Môi trường xã hội tốt đó chính là vươn tới mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chọn cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta: vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Như vậy, tầm quan trọng của gia đình và xã hội rõ ràng có tác động tích cực, mạnh mẽ đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho HS- SV mà chúng ta cần phải quan tâm chú trọng.
Và trong mối quan hệ biện chứng đó, chúng ta phải luôn luôn đề cao bài học đầu đời sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy, để bài học này luôn là kim chỉ nam, mãi thấm nhuần trong tư tưởng của mỗi HS- SV:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào,
Học tập tốt, lao động tốt,
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
- NẾP SỐNG GIA ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin