ĐBSCL liên kết phát triển du lịch

10:11, 19/11/2016

Các tỉnh trong cụm đang nỗ lực gắn kết để phát triển tiềm năng du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như trong cụm theo hướng bền vững, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách trong ngoài nước...

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch phía đông ĐBSCL: Các tỉnh trong cụm đang nỗ lực gắn kết để phát triển tiềm năng du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như trong cụm theo hướng bền vững, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách trong ngoài nước...

Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch tại các tỉnh phía đông ĐBSCL được thực hiện từ năm 2015, với nhiều nội dung thiết thực, phát huy thế mạnh của từng địa phương.

Chương trình còn khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm", ảnh hưởng môi trường và sự tăng trưởng du lịch chung; từ đó, khẳng định vị thế du lịch vùng, tạo nên những sản phẩm du lịch sông nước đặc trưng mang tính bền vững, giúp du khách khám phá những nét độc đáo về lịch sử, văn hóa, đời sống, tập quán và sinh hoạt của cư dân trong vùng.

Các nội dung chủ yếu trong Chương trình liên kết phát triển du lịch các tỉnh trong khu vực gồm: Hợp tác xúc tiến và quảng bá du lịch; xúc tiến mời gọi đầu tư trên lĩnh vực du lịch; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; liên kết hình thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du khách trong ngoài nước,…

Trên cơ sở liên kết trên, các tỉnh trong khu vực phía đông ĐBSCL đã xây dựng được nhiều tour tuyến du lịch liên tỉnh bằng đường bộ kết nối các tỉnh: Tiền Giang – Long An – Bến Tre – Vĩnh Long – Trà Vinh và Đồng Tháp.

Về đường thủy có các tour đang hấp dẫn du khách như Cái Bè (Tiền Giang) – Vĩnh Long – Sa Đéc (Đồng Tháp), thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) – Bến Tre – thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang),…

Nhờ liên kết chặt chẽ, hình thành những tour – tuyến du lịch phù hợp và hấp dẫn, các tỉnh phía đông ĐBSCL đã khai thác được những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương như: du lịch sinh thái miệt vườn ở Tiền Giang, tham quan làng nghề cung ứng giống cây ăn trái, hoa kiểng ở Chợ Lách (Bến Tre), làng hoa tết ở Sa Đéc (Đồng Tháp), các thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến đồng bào dân tộc Khơ me ở Trà Vinh,…

Làng nghề cung ứng hoa kiểng ở Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Làng nghề cung ứng hoa kiểng ở Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Cụm các tỉnh phía đông ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp. Nhờ liên kết phát triển du lịch, lượng du khách thu hút đến các tỉnh trong khu vực tăng khá.

Trong năm 2015, toàn vùng đón trên 5,56 triệu lượt du khách, trong đó có trên 1,19 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2016, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính lượng du khách tăng khoảng 15 – 17% so cùng kỳ.

Tiềm năng du lịch trong khu vực được khai thác một cách hợp lý, tạo sức tăng trưởng bền vững và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo MINH TRÍ (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh